Chắc hẳn trong số chúng ta ở đây thì ai cũng đã từng có lần đem chiếc điện thoại (hoặc laptop) mới mua đi dán nilon để bảo vệ khỏi trầy xước. Xuất phát từ những con phố chuyên dán xe máy như Cao Bá Quát, phố Huế, và rồi nghề dán điện thoại, laptop cũng tự tách ra thành một nhánh riêng và nhanh chóng nở rộ.
Ở tầm cao hơn một chút, người thợ dán điện thoại đã đưa dịch vụ của mình lên mạng internet, phục vụ tận nhà/văn phòng/công sở chu đáo và nhanh chóng như cách mà chúng tôi đã đưa cách đây gần 2 năm.
Tuy vậy, cách dán truyền thống này cũng có những nhược điểm như:
– Hoàn toàn phụ thuộc vào những mẫu mã, màu sắc sẵn có trong khi nhu cầu của người dùng thì ngày càng cao, gu thẩm mỹ mỗi người mỗi khác. Khi mà smartphone gần như đã bão hoà về thiết kế, tất cả đều có dạng hình chữ nhật giống nhau thì giờ đây việc dán điện thoại, laptop không chỉ đơn giản là để chống xước nữa mà còn nhằm thể hiện “cái tôi” và tính “độc-lạ-không đụng hàng”. Thật vậy, giữa một đám đông hàng chục người cùng sử dụng iPhone, Samsung Galaxy S8, Xiaomi Redmi 5 Plus,… có hình dạng na ná như nhau thì chiếc điện thoại nào có hoạ tiết, hoa văn nổi bật và độc đáo nhất sẽ được mọi người chú ý tới nhiều hơn cả.
– Người thợ phải sử dụng bật lửa để hơ nóng, làm dẻo decal tại những vị trí khó, cắt decal bằng tay thủ công nên việc lỡ tay làm trầy xước laptop/điện thoại là điều có thể xảy ra.
Dịch vụ dán da và làm skin (in decal màu) trên máy tính ra đời đã đem đến một phương pháp hoàn toàn mới để làm đẹp điện thoại/laptop và thể hiện cá tính. Dù giá cả cao hơn so với cách dán nilon thông thường nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn vì chất lượng hoàn thiện và khả năng tuỳ biến cao. Mình khá ngạc nhiên khi thông tin về những địa chỉ nhận làm skin ở Hà Nội trên internet không có nhiều, loanh quanh cũng chỉ có đôi ba cái tên quen thuộc như LS (Đê La Thành), LK (Hà Đông) là có website và facebook, còn S2T (Thái Thịnh) thì website không tồn tại nữa, và facebook thì mình cũng chẳng tìm thấy luôn. (Vì bài viết không nhằm mục đích quảng cáo nên mình xin phép được viết tắt tên các shop.).
Liên hệ với LK và LS qua FB thì được 2 shop này trả lời khá nhiệt tình và nhanh chóng. Họ đều khẳng định là thực hiện được yêu cầu dán skin camo của mình, và mặc dù giá bên LS tuy có cao hơn LK vài chục nghìn đồng nhưng mình lựa chọn LS do gần nhà. Các bạn ở khu vực Hà Đông, Thanh Xuân có thể sẽ ưu tiên LS hơn.
LS (với thâm niên hoạt động 9 năm) có cách bài trí khá bắt mắt, thoạt nhìn thấy khá giống một quán café với phong cách trẻ trung. Lúc mình tới là 17h30, trong cửa hàng đang có khoảng 4-5 khách ngồi chờ để dán điện thoại và laptop. Chỉ có chủ shop là nam, còn toàn bộ nhân viên từ thiết kế, in ấn, dán decal,.. đều là nữ. Khi mình tới có một bạn nữ hỏi tên máy và kiểu hoạ tiết hoa văn muốn dán để ghi phiếu. Các bạn có thể lựa chọn mẫu có sẵn của shop hoặc gửi ảnh qua email để nhân viên thiết kế dựng mẫu.
Do shop có lượng khách cũng khá đông (đến tận shop dán hoặc mua online về tự dán) nên những dòng máy phổ biến như iPhone, các flagship Galaxy của Samsung hoặc MacBook Pro, laptop Dell, Asus, máy ảnh và lens Canon, Sony,… shop đều đã có khung và kích thước sẵn trong cơ sở dữ liệu.
Bạn thiết kế cho biết: “Với những model máy mới hoặc hiếm thì shop phải scan máy rồi dựng mẫu chi tiết tới từng phím bấm. Việc này đòi hỏi thêm thời gian và công sức một chút nhưng những lần sau sẽ dễ hơn nhiều.”
Anh Thanh – một khách tới dán skin chia sẻ: “Thực sự thì mình không phải là một người hợp mốt, càng không phải là người muốn trở nên nổi bật hay thể thiện “bản sắc riêng” tại nơi công cộng. Hồi những năm 2010-2012, dán skin laptop/điện thoại đã từng là một trào lưu nhưng khi đó mình vẫn còn chưa có được cho mình một chiếc smartphone hay laptop. Giờ đây khi đã đi làm, tự mua được cho mình những chiếc smartphone mới, laptop cấu hình cao thì mình mới tìm đến với dịch vụ dán skin bởi lòng đam mê màu/hoạ tiết rằn ri (camouflage patterns): Từ quần áo, mũ nón, giày dép đến vật dụng cá nhân như cốc uống nước, ô che mưa nắng,… của mình đều mang những hoạ tiết vằn vện với tông màu chủ đạo là xanh- đen – nâu – be.”
Bản in đầu tiên của anh Thanh khiến anh thấy chưa hài lòng nên shop in lại bản khác với điều chỉnh màu sắc hài hoà hơn. Điểm mình thích là thái độ phục vụ của các bạn nhân viên ở đây tương đối dễ chịu, dù có phải in lại cũng không cau có. Nhân tiện đây mình cũng muốn lưu ý các bạn: Để tiết kiệm thời gian cho bản thân và vật tư cho shop thì các bạn nên đề nghị in thử 1 phần trước, khi nào ưng ý màu thì mới in chính thức.
Sau khi đã có bản in, một bạn nữ tiến hành dán một lớp vinyl nhám mờ lên trên để bảo vệ bề mặt skin, tránh xước và giữ bền màu. Công việc được thực hiện bằng máy ép nóng giống như kiểu ép lụa mà chúng ta vẫn thấy ở các tiệm ảnh.
Phần logo, các phím bấm hay touchpad (với laptop) hoặc camera, đầu đọc vân tay (với smartphone) được cắt bằng máy cắt decal chuyên dụng Mimaki của Nhật Bản với độ chính xác cao mà bất kỳ người thợ nào dù khéo tay đến đâu cũng khó bì kịp.
Tiếp theo là dán tới mặt trong. Anh Thanh cho biết: Do máy của anh có đèn nền và các phím bấm song ngữ Anh – Nga nên anh chỉ dán khe phím chứ không yêu cầu dán toàn bộ mặt phím. Với những laptop không có đèn nền bàn phím thì các bạn có thể lựa chọn dán đầy đủ để có được bức hình đẹp hơn.
Chiếc laptop đã được thay da thành công với decal 3 lớp: lớp dính, lớp màu và lớp vinyl sần chống nước. Toàn bộ quá trình gồm 5 bước: thiết kế, in, ép vinyl, cắt và dán mất khoảng 20-30 phút. Nếu các bạn băn khoăn rằng việc dán như vậy có làm máy bị nóng lên do khó thoát nhiệt hơn hay không thì câu trả lời là không nhé. Trang Windows Central đã tiến hành thử nghiệm đo nhiệt độ laptop trước và sau khi dán skin. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể nào cả.
Khi được hỏi cảm nhận sau khi dán skin thì anh Thanh cho rằng dùng sướng hơn trước vì không còn tình trạng bị in dấu tay lem nhem ở vị trí để tay (palm rest), touchpad vẫn nhạy như xưa, còn ngoại hình của chiếc laptop thì trông bắt mắt hơn hẳn.
Chi tiết cách dán 1 chiếc laptop (hoặc điện thoại) các bạn có thể xem trong video dưới đây:
Chúc các bạn vui!