Trang chủ Tin Tức Lại là DxOMark? Xin đừng chia sẻ con số ‘nhập nhằng’ này...

Lại là DxOMark? Xin đừng chia sẻ con số ‘nhập nhằng’ này nữa

780

Có lẽ là đến giờ phút này tất cả các fan của chiếc smartphone đều đã biết “DxOMark” là cái gì. Được sử dụng đầu tiên khi Google vén màn chiếc Pixel vào năm 2016, đến nay DxOMark đã gần như trở thành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng ảnh chụp trên điện thoại. Từ những tên tuổi lớn như Apple và Samsung cho đến các hãng Trung Quốc như Xiaomi, Huawei và tất cả các hãng smartphone ít nhiều đều đã mượn đến điểm số này để khẳng định với người dùng rằng “Smartphone của chúng tôi chụp ảnh đẹp lắm”.
2 minh chứng mới nhất: Xiaomi Mi 8, với 99 điểm tổng thể và 105 điểm ảnh chụp. Nhìn vào điểm số mới, “Apple của Trung Quốc” nay có thể dễ dàng tuyên bố đã vượt mặt Apple “xịn” về chất lượng ảnh chụp.
DxO đã trở thành cách các hãng khoe khả năng… “gáy to” trong kỷ nguyên camera phone.
Những con số
Nhưng sự thật thì không đơn giản như vậy. Trước khi ghi nhận DxOMark, hãy nhớ lại rằng chúng ta đã từng bị “lừa phỉnh” bởi những con số.
Đó là vào kỷ nguyên smartphone Android đầu tiên, khi ngay cả những sản phẩm đầu bảng như Galaxy S II cũng vẫn chậm giật. Lúc này, hiệu năng là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến trải nghiệm. Và để biến “hiệu năng” thành thứ gì đó đong đếm được, các ứng dụng benchmark cũng bắt đầu đổ bộ ồ ạt lên smartphone.
Ngay lập tức, một vấn nạn xảy ra: gian lận benchmark. Cho đến tận năm 2017, điểm benchmark vẫn là thứ có thể gian lận được (thủ phạm mới nhất là OPPO). Khi các hãng dùng phần mềm để “phát hiện” khi nào ứng dụng benchmark đang chạy và ép xung hoặc kích hoạt tất cả các nhân big.LITTLE, vốn là hành động sai mục đích thiết kế của ARM.
Android đã luôn là nạn nhân của một con số phi thực tế, dễ thao túng: benchmark
Chính vì vậy, một nghịch lý xảy ra: điểm benchmark ít khi thể hiện đúng hiệu năng điện thoại, nhưng những cái tên như “AnTuTu” hay GeekBench vẫn trở nên tương đối phổ biến. Với nhiều người, các điểm số này đại diện cho hiệu năng thực tế của smartphone.
DxO là cái gì?
Ngay từ khi DxOMark trở nên nổi bật (sau sự kiện ra mắt iPhone 8/8+/X và Pixel 2 năm ngoái), chúng tôi đã có bài lý giải DxOMark là gì. Nói một cách ngắn gọn, DxOMark chỉ là một tập hợp các bài kiểm tra dựa trên các tiêu chí được công ty DxO (Pháp) đặt ra. Quan trọng hơn, DxOMark cũng có dịch vụ tư vấn cho các nhà sản xuất phần cứng: muốn tìm cách để tăng điểm DxO trên smartphone của bạn, hãy trả tiền cho DxO.
Chính 2 điểm này khiến cho việc “thao túng” điểm DxOMark trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các hãng smartphone biết DxOMark sẽ đánh giá điều gì, và bởi vậy họ chỉ cần tối ưu theo tiêu chí của DxO trước hết. Và, khi một công ty vừa là “người phán xử”, vừa… nhận tiền tư vấn, ai ai cũng có thể nhận ra rằng cách đánh giá của DxO không thể khách quan và chân thực 100%.
DxO là một công ty vừa đánh giá, vừa nhận tiền tư vấn cách để đạt điểm cao trên bài đánh giá của mình…
Hãy để ý và bạn sẽ nhận ra, thường những chiếc smartphone ra mắt sau đều có thể vượt mặt một vài đối thủ lớn đáng kể tên mà điển hình là iPhone X. Ở đây chúng ta không loại bỏ khả năng smartphone có camera thực sự “tốt” hơn smartphone đời trước, song rõ ràng là càng có nhiều thời gian thì các hãng càng có thể điều chỉnh lại điện thoại của mình cho phù hợp với yêu cầu của DxOMark hơn.
Không đúng với thực tế
Đáng lo ngại nhất: một con số có nên dùng để đại diện cho cái gọi là “chất lượng ảnh chụp”? Thế nào là chụp ảnh “tốt”, hay “tốt hơn iPhone X”? Nếu các công ty còn không thể “phiên dịch” từ chip, RAM và bộ nhớ sang hiệu năng thực tế bằng các bộ điểm số chính xác, liệu một khái niệm mơ hồ như “chất lượng ảnh chụp” có thể gói vào một con số?
Câu trả lời là không. Muốn có minh chứng rõ ràng nhất, bạn hãy nhìn so sánh giữa chiếc Pixel 2 của Google và “nhà vô địch” Huawei P20 Pro. Hiện tại, khoảng cách giữa 2 mẫu này đang là 11 điểm (P20: 109, Pixel 2: 98). 10 điểm DxO là một con số khổng lồ, tương đương với công sức nghiên cứu Google, chip ISP (xử lý tín hiệu) và cả thuật toán AI trong suốt 1 năm, từ Pixel 1 lên Pixel 2.
Nhà vô địch và chất lượng màu da như thế này?
Nhưng ngay cả một khoảng cách khổng lồ như vậy cũng không thể khiến P20 Pro vượt lên Pixel 2. Hãy nhìn bức ảnh trên đây, bạn sẽ thấy màu sắc chụp da người của P20 Pro quá ư giả tạo. Ngôi vị số 1 thế giới có ý nghĩa gì với những bức ảnh như thế này?
Nếu dùng điểm DxOMark thì có thể kết luận Huawei đi trước Google một năm. Thực tế thì sao?
Một biện pháp đơn giản hóa
Sự trỗi dậy của DxOMark thể hiện sự thay đổi của thời thế: hiệu năng chip ngày nay đã phát triển đủ tốt và phần mềm cũng đã đủ tối ưu để người dùng bớt quan tâm về hiệu năng, thay vào đó quan tâm hơn vào chất lượng ảnh chụp. Nhưng điểm benchmark và điểm DxOMark có một điểm giống nhau: chúng là các biện pháp để gói gọn một quá trình phức tạp thành một con số đơn giản.
Nếu mọi thứ cứ tiếp diễn như hiện tại, định hướng camera của Apple, Google, Huawei, Xiaomi hay bất cứ hãng nào “khoe” điểm DxOMark sẽ là do DxO quyết định.
Không khó để nhìn ra vấn đề đằng sau những con số này: hiệu năng thực tế của smartphone có rất nhiều yếu tố gây ảnh hưởng, “chất lượng ảnh chụp” lại càng mơ hồ hơn. Ngay đến cả chi tiết từng phép đánh giá của DxOMark, không phải ai cũng có thể tiếp cận hay bỏ thời gian tìm hiểu. Nhưng người dùng phổ thông và các bộ máy marketing thì không có thời gian để lý giải sự phức tạp đó cho người dùng. Họ cần những câu nói thật “kêu” và những con số dễ hiểu như DxOMark.
Đây là một hướng đi rất đáng lo ngại. Những tiến bộ tương lai của “nhiếp ảnh” smartphone sẽ là do một hãng tư vấn quyết định. Một lượng lớn người dùng cũng sẽ tự tin họ đang mua điện thoại chụp ảnh tốt mà không hề biết rằng họ đang chạy theo một con số có thể sai lệch hoàn toàn với nhu cầu thực tế. Muốn tương lai này không diễn ra, có lẽ các nhà sản xuất smartphone nên từ bỏ DxOMark ngay từ bây giờ.