Trang chủ Tin Tức Mạo danh Intel tặng điện thoại 16 triệu đồng để lừa đảo

Mạo danh Intel tặng điện thoại 16 triệu đồng để lừa đảo

830
Các đối tượng lừa đảo qua điện thoại, Internet liên tục dùng mọi thủ đoạn nhằm lừa gạt người dân cả tin. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Theo phản ánh của độc giả Anh Tuấn tới ICTnews, mới đây độc giả này nhận được một cuộc điện thoại từ số 028386633XX thông báo anh là “1 trong 5 người sở hữu số điện thoại đại diện cho 5 khu vực được hãng Intel tặng cho chiếc điện thoại thử nghiệm trị giá 16 triệu đồng với nhiều tính năng mới”.
Đối tượng cũng đề nghị độc giả Anh Tuấn đến số 7-9-11 Trần Xuân Hòa, Phường 7, Quận, TP.HCM để nhận, tuy nhiên phải nộp số tiền hơn 2,5 triệu “tiền thuế theo quy định nhà nước” so với giá thật.
“Họ nói chi phí này bắt buộc phải trả để nhận sản phẩm”, độc giả Anh Tuấn phản ánh. Anh nghi ngờ đây là vụ lừa đảo để chiếm đoạt tiền nên đã phản ánh tới ICTnews về sự việc.
Liên quan đến trường hợp này, theo tìm hiểu của ICTnews trên thực tế thị trường và từ phía Intel, đây là một vụ lừa đảo vì Intel không có chương trình nêu trên.
Bên cạnh đó, đáng chú ý là từ vài năm nay, địa chỉ số 7-9-11 Trần Xuân Hòa, Phường 7, Quận, TP.HCM cũng rất “tai tiếng” khi liên quan tới hàng loạt vụ lừa đảo. Các đối tượng lừa đảo, công ty lừa đảo phía Nam thường lấy địa chỉ này làm “văn phòng ma” của mình để chiếm đoạt tiền của người dân với thủ đoạn tương tự.
Lấy ví dụ về một trường hợp ICTnews đã từng phản ánh trước đây, khách hàng Nguyễn Đình Nguyên, trú tại TP.HCM phản ánh về việc khách hàng này bị một số cá nhân tự nhận là nhân viên Công ty TNHH Công nghệ kỹ thuật Phong Vũ, có địa chỉ tại số 7-9-11 Trần Xuân Hoà, Phường 7, Quận 5, TP.HCM lừa đảo bán điện thoại Samsung Galaxy A 8 trị giá 8.280.000 đồng nhưng lại giao MIQ A8 có giá trên thị trường chỉ hơn 1 triệu đồng.
Thủ đoạn của đối tượng là thông báo số thuê bao của khách hàng đã may mắn trúng thưởng phiếu mua hàng 5 triệu đồng trong chương trình tri ân 5 năm thành lập công ty. Việc quay số chỉ có 10 thuê bao trúng thưởng và số điện thoại của khách hàng này nằm trong danh sách.
Nhân viên này gợi ý khách hàng Nguyễn Đình Nguyên mua chiếc điện thoại Samsung Galaxy A8 bản nâng cấp từ 32GB lên 64GB, “thiết kế đẹp, cấu hình khủng xuất xứ tại Hàn Quốc” với giá 8.280.000 đồng. Với phiếu trúng thưởng 5 triệu, khách hàng này chỉ cần bỏ thêm 3.280.000 đồng là được sở hữu.
Ngay sau đó, một nhân viên khác cũng xưng đến từ Phong Vũ sử dụng số điện thoại 0838664500 gọi lại xác nhận đơn hàng và nhắn khách hàng “yên tâm vì hàng này được kiểm tra tại cơ quan công an và 2 ngày hàng tới nơi”.

Tuy nhiên, sau đó ít ngày, sau khi bóc hộp thì sản phẩm khách nhận được không đúng với cam kết mà đó chỉ là chiếc điện thoại rẻ tiền MIQ A8 không ghi rõ xuất xứ, giá trên mạng chỉ trên 1 triệu đồng.
Khi khách hàng gọi lại khiếu nại thì phía công ty kia nói người mua nghe nhầm và từ chối đổi trả hàng. Thậm chí, khi khách hàng gọi lại lần nữa để khiếu nại còn bị đối tượng chửi tục, lăng mạ.
Đáng chú ý, theo khách hàng này, trên phiếu mua hàng, các đối tượng lừa đảo bán điện thoại MIQ A8 ghi địa chỉ ở số 7-9-11 Trần Xuân Hoà, Phường 7, Quận 5, TP.HCM, nhưng thực tế tại đây không có trụ sở của công ty đó.
Trong thời gian qua, Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận được một số lượng lớn đơn của người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại về việc bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự.
Các đối tượng lừa đảo và nạn nhân hầu hết ở tại các tỉnh phía Nam. Có thể điểm mặt một số công ty lừa đảo từng bị phát hiện như Công ty TNHH Thương mại Thái Dương Xanh Việt Nam, Công ty Thương mại Quốc tế Coco Việt Nam…
Bộ Công Thương khuyến cáo người dân cần tìm hiểu những quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa dịch vụ nói chung và giao dịch trực tuyến, từ xa nói riêng.
Có thể tìm hiểu qua các cơ quan quản lý, báo chí, mạng Internet, người thân… tìm hiểu về công ty bán hàng, hạn chế giao dịch với những công ty không có thông tin hoặc thông tin xấu về lịch sử giao dịch…
Một vấn đề quan trọng là cần tìm hiểu về hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo. Cần có sự đối chiếu, kiểm tra khi thấy có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán và giá trị hàng hóa hoặc có sự khác biệt quá lớn giữa giá bán được giới thiệu so với giá bán trên thị trường của cùng loại hàng hóa hoặc hàng hóa tương đương.
Phải lưu giữ các chứng cứ liên quan đến giao dịch. Ví dụ ghi âm cuộc thoại hoặc yêu cầu nhân viên công ty gửi các thông tin về giao dịch như tên và hình ảnh hàng hóa, giá bán, điều kiện giao dịch…
Trong trường hợp cho rằng quyền và lợi ích hợp của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng cần nhanh chóng liên hệ với các cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn hỗ trợ.