Trang chủ Tin Tức Microsoft tố tin tặc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Microsoft tố tin tặc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

766
Tập đoàn phần mềm Mỹ cho biết một nhóm hacker, được biết đến dưới những cái tên như APT 28, Strontium hay Fancy Bear, đã thực hiện chiến dịch tấn công các tổ chức nghiên cứu chính trị Mỹ. Fancy Bear là nhóm hacker bị truyền thông phương Tây cáo buộc là có liên hệ với Điện Kremlin (Nga)
Tin tặc phát tán những đường link nhái, gần giống địa chỉ trang web mà các mục tiêu tiềm năng sẽ quan tâm như website của Viện Quốc tế Cộng hòa hay Viện nghiên cứu Hudson. Khi bấm vào, nạn nhân sẽ bị chuyển tới một địa chỉ giả mạo, yêu cầu điền tên người dùng và mật khẩu.
Microsoft cho biết đã ngăn chặn và kiểm soát được 6 tên miền giả mạo, nhưng lo ngại những âm mưu tương tự sẽ tiếp tục diễn ra, đe dọa an ninh cho các tổ chức có liên kết với cả hai đảng chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2018. Hiện chưa có bằng chứng nào khẳng định hacker đã thành công trong việc thu thập, đánh cắp thông tin của người dùng.
Thành viên của các tổ chức chính trị Mỹ có thể mất thông tin cá nhân khi bấm vào đường link giả mạo. Ảnh: FT.
Trong khi đó, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin, tuyên bố cáo buộc của Microsoft là vô căn cứ. “Chúng tôi không biết những hacker mà họ (Microsoft) nhắc tới là ai. Chúng tôi không biết có sự tác động nào đến cuộc bầu cử”.
“Thật đáng tiếc một công ty quốc tế lớn, đã hoạt động ở thị trường Nga một thời gian dài, lại tham gia vào chiến dịch ‘săn phù thủy’ của Washington”, Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ – cuộc chạy đua giành quyền kiểm soát lưỡng viện giữa hai phe Dân chủ và Cộng hoà Mỹ – sẽ diễn ra vào tháng 11/2018.
Đầu năm nay, khi phóng viên CNN hỏi liệu có khả năng nào cuộc bầu cử này sẽ bị can thiệp qua mạng xã hội, CEO Facebook Mark Zuckerberg nói: “Tôi chắc chắn có một ‘phiên bản thứ hai’ của cái gọi là nỗ lực của Nga năm 2016. Tôi chắc chắn họ đang làm điều đó”.
Cuối năm 2017, Facebook bị cáo buộc đã hiển thị và lan truyền nội dung quảng cáo có lợi cho Donald Trump hoặc khuếch đại thông điệp chia rẽ chính trị trong đợt bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Đáng chú ý, đứng đằng sau và bỏ tiền ra mua những quảng cáo này lại là một nhóm doanh nhân Nga. Ước tính, chiến dịch đã tiếp cận được khoảng 3 triệu đến 20 triệu người trên mạng xã hội.
Minh Minh