Trang chủ Tin Tức Mối thù truyền kiếp giữa Amazon và Walmart đang định hình lại...

Mối thù truyền kiếp giữa Amazon và Walmart đang định hình lại cách mà chúng ta mua sắm trong tương lai

702
Cuộc chiến đang diễn ra giữa Walmart và Amazon để giành chiếc vương miện bán lẻ đang mở rộng ra ngoài mảng bán lẻ, và cuộc chiến này đang khiến một trong những công ty lớn nhất thế giới phải xem xét lại những giá trị cốt lõi của họ. Trong vòng 6 tháng, Walmart đã hợp tác với các công ty công nghệ để cạnh tranh với Amazon và tạo ra những bước tiến trong các thị trường mà có tiềm năng sẽ trở nên quan trọng trong tương lai. Họ cũng đã bắt đầu suy nghĩ lại cách mà họ tự nhìn nhận mình: một nhà bán lẻ khổng lồ mà giờ đây đang hi vọng là họ có thể trở nên đủ nhanh nhạy để cạnh tranh với một trong những người chơi hùng mạnh nhất của làng công nghệ.

Sau khi mua lại Jet.com để thúc đẩy các nỗ lực thương mại điện tử của mình trong năm 2016, Walmart đã bắt đầu tăng tốc để chuyển đổi từ một ông lớn ngành bán lẻ sang các đối tác tập trung vào công nghệ. Những thoả thuận này bao gồm một lần hợp tác với Waymo của Alphabet để cung cấp các chuyến đi đến các cửa hàng. Họ cũng đã hợp tác với Rakuten của Nhật để có đầu đọc điện tử Kobo; hợp tác với Uber, Lyft và Postmates để cung cấp các dịch vụ giao hàng tạp hoá, v.v…
Trong tháng 7, Walmart đã công bố rằng họ sẽ chuyển toàn bộ hoạt động đám mây sang Microsoft Azure và Office 365, và sẽ làm việc với Microsoft trong các dự án trí tuệ nhân tạo trong một thoả thuận 5 năm. (Microsoft hiện đang là đối thủ chính của Amazon trong ngành công nghiệp điện toán đám mây.) Quan hệ đối tác với Microsoft có thể sẽ giúp mở ra những cửa hàng bán lẻ truyền thống mà không có thu ngân để cạnh tranh với cửa hàng Amazon Go. Microsoft cho biết họ đang phát triển công nghệ này vào tháng 6 năm nay, và dự án này cũng là thứ mà Walmart đã tập trung phát triển từ năm ngoái.

Thêm vào đó, Walmart đã có kế hoạch biến công ty con Vudu của mình trở thành đối thủ cạnh tranh của dịch vụ Amazon Prime Video vào cuối năm nay. Công ty cũng đang có hai vườn ươm công nghệ, một cái ở San Bruno, California, và một cái ở Austin, Texas, được thiết kế để thử nghiệm các ý tưởng như cửa hàng không có thu ngân và các dịch vụ mua sắm cá nhân. Họ cũng đang đầu tư vào các lĩnh vực như thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo.
Bức tranh toàn cảnh ở đây là để tạo ra một trong những thương hiệu bán lẻ lớn nhất hành tinh, sẵn sàng cạnh tranh khốc liệt để giữ vững thế đứng trong một thế giới mà đang dần nắm bắt các xu hướng thương mại trực tuyến, giao hàng theo yêu cầu và các dịch vụ trọn gói.
Amazon đã đi tiên phong trong mô hình này, tiêu tốn nhiều tiền trong nhiều năm để xây dựng một mạng lưới hậu cần và sử dụng những chiến thuật khốc liệt để giành giật thị phần trong các ngành công nghiệp như sách (Kindle), giày (Zappos), và stream video (Prime Video và Twitch). Đồng thời, Amazon cũng đã xây dựng một chương trình khách hàng thân thiết (Amazon Prime) để khoá khách hàng vào trong hệ sinh thái của họ. Ngoài ra, bộ phận điện toán đám mây Amazon Web Service cũng đang sinh lợi, giúp tăng trưởng lợi nhuận và cải thiện cơ sở hạ tầng mạng của riêng họ.
Những chỉ số tài chính của Walmart đã kể một câu chuyện chiến lược rõ ràng
Năm ngoái, CEO Jeff Bezos đã giúp dàn xếp việc Amazon mua lại Whole Foods. Chuỗi này giờ đây được gắn trực tiếp với Prime, giúp Amazon tiếp tục phân nhánh ra các sản phẩm tiêu thụ hàng ngày cũng như mở rộng dịch vụ giao hàng tạp hoá và sản phẩm gia dụng. Điều này cho thấy rõ ràng rằng Amazon muốn cạnh tranh với Walmart: Kế hoạch của Bezos là sẽ cung cấp tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người, tại mọi giờ trong ngày, và bất cứ nơi đầu mà họ có thể đến bằng xe tải, và trong tương lai, bằng drone. Nhưng tại sao Walmart, với doanh thu khổng lồ và với những cửa hiệu truyền thống có chỗ đứng vững mạnh, lại cần phải cạnh tranh với Amazon?  

Những con số tài chính đã đem lại cho chúng ta một câu chuyện sáng tỏ hơn. Walmart kiếm được nhiều doanh thu hơn bất cứ công ty nào khác tại Hoa Kỳ. Trong năm tài chính 2018, họ đã báo cáo 500 tỷ USD doanh thu hàng năm. Nhưng tỷ suất lợi nhuận của họ rất mỏng vì chi phí hoạt động của họ rất cao. Walmart đang có hơn 2 triệu nhân viên làm việc trên toàn thế giới, với 1,4 triệu nhân viên tại Mỹ. Mặc dù lợi nhuận và doanh thu hàng quý thường gấp đôi kích thước của Amazon, các nhà đầu tư chỉ thấy Walmart đáng giá bằng 1/4 so với giá trị thị trường gần 1 nghìn tỷ USD của Amazon.
Đó là bởi vì Amazon tiếp tục phát triển, đặc biệt là trong những lĩnh vực chủ chốt như điện toán đám mây, nơi mà biên lợi nhuận rất lớn, và mảng bán lẻ offline, mảng mà Amazon có thể giành giật khách hàng từ Walmart, nhờ vào chuỗi bán lẻ Whole Foods và chiến lược bành trướng  vào thị trường giao hàng tạp hoá và hàng gia dụng. Trong khi đó, tăng trưởng của Walmart lại là rất nhỏ. Lợi nhuận của Walmart cũng đang giảm vì họ tiếp tục phải chi tiền để tăng cường hoạt động trực tuyến và cạnh tranh với Amazon.

Đó là lí do vì sao mà 2 công ty này đang cạnh tranh khốc liệt, với Amazon đang ngày càng đánh mạnh vào mảng offline, khi mà mảng kinh doanh online của họ tiếp tục thống lĩnh thị trường thương mại điện tử. Trong khi đó, Walmart phải xem xét lại về tương lai của mình, khi mà khách hàng quyết định sẽ mua những món đồ thường nhật thông qua hình thức online và sử dụng các loại hình giao hàng tận nơi.
Robert Hetu, phó chủ tịch nghiên cứu bán lẻ tại công ty phân tích Gartner cho biết: “Khi tôi nghĩ về Walmart, dường như không phải là họ đang muốn theo kịp Amazon. Tôi nghĩ rằng nếu bạn nhìn vào minh chứng lịch sử, bạn có thể nói rằng Walmart đã bỏ lỡ một cơ hội mà Amazon đã nắm lấy, nhưng tôi không nghĩ là Amazon đã giành giật kinh doanh từ Walmart.”

Cửa hàng không có thu ngân Amazon Go

Xét cho cùng, cả hai công ty cũng đã đều phát triển với tốc độ chóng mặt trong vòng 2 thập kỷ qua, phục vụ các khách hàng với những nhu cầu khác nhau. Hetu giải thích rằng Amazon đã tạo ra một mô hình mới cho bán lẻ online mà đã định hình lại các ý tưởng về sự thuận tiện và chi phí theo một cách mà chỉ có những công ty công nghệ mới có thể làm được. Nhưng đường lối của Amazon và cái cách mà khách hàng mua sắm đang nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn, và Walmart hiện đang mạo hiểm với việc đánh mất khách hàng cho đối thủ thương mại điện tử của mình.

Hetu cho rằng, để Walmart có thể cạnh tranh được khi tiến lên phía trước, họ sẽ cần phải đầu tư vào cái cách mà họ nghĩ người tiêu dùng sẽ muốn mua sắm trong tương lai. Ông cho rằng: “Walmart tin rằng để có thể trụ vững được trong tương lại, họ cần phải đưa công nghệ vào môi trường vật lý của họ.”
Và không nơi nào mà điều này thể hiện rõ ràng hơn là trong mảng giao hàng tạp hoá, mảng cạnh tranh đang dần trở thành chiến trường đẫm máu nhất của Amazon và Walmart. Mảng tạp hoá là một thị trường trị giá 800 tỷ USD, và trong khi vô số các ngành công nghiệp khác đang dần chuyển sang kinh doanh online, chỉ một phần rất nhỏ, chỉ 2% lượng mua hàng tạp hoá diễn ra online. Amazon rõ ràng là đã thấy cơ hội để thúc đẩy sự thay đổi này, đặc biệt là với những xu hướng cho thấy người dân Mỹ đang ngày càng ăn ngoài nhiều hơn, sử dụng những dịch vụ giao hàng theo yêu cầu, và mua hàng tạp hoá với những chương trình cơm bữa như Blue Apron.

Chương trình Prime Pantry của Amazon ngày nay vận chuyển cả những hàng không dễ hư hỏng và đồ dùng gia đình, trong khi nút bấm Dash của họ có thể cho phép khách hàng Prime đặt hàng mua những vật dụng hàng ngày như nước giặt quần áo chỉ trong vài giây. Dịch vụ giao hàng tạp hoá của Amazon hiện đang hỗ trợ những cửa hàng vật lý của Whole Foods trên khắp nước Mỹ. Amazon đã tích hợp các gói giao hàng của Whole Foods vào dịch vụ giao hàng Prime Now. Đó là mạng lưới mà Amazon đang dùng cho một dịch vụ giao đồ ăn với tên gọi Amazon Restaurants.
Mặt khác, Walmart dường như chỉ quan tâm đến việc bảo vệ doanh nghiệp của mình, với hơn một nửa doanh thu của họ đến từ các giao dịch mua hàng tạp hoá. Ngoài quan hệ đối tác với Uber, Lyft, Waymo và Postmates, công ty đang cố gắng mở rộng dịch vụ giao hàng tạp hoá của mình vào 100 khu vực đô thị vào cuối năm 2018.

Walmart hiện có 4700 cửa hàng trên toàn nước Mỹ, cho phép 90% dân số Mỹ có thể tiếp cận được với cửa hàng của họ, vì thế công ty có thể dễ dàng khởi động chương trình giao hàng tận tay, miễn là họ có thể xây dựng được một mạng lưới hậu cần đáng tin cậy.
Xét cho cùng, người chiến thắng trong cuộc chiến bán hàng tạp hoá và cuộc chiến bán lẻ sẽ là công ty mà có thể hiểu rõ được hành vi của con người hơn, theo Hetu cho hay. Đó là thứ mà Jeff Bezos, người mà đã tạo một văn hoá doanh nghiệp luôn cuồng loạn với sự hài lòng của khách hàng và luôn đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu nghiên cứu, luôn lấy làm tự hào. Và đó là lối suy nghĩ mà Walmart sẽ cần phải tiếp tục thích ứng.
Hetu giải thích: “Lí do vì sao con người cư xử theo cách họ làm vẫn là một bí ẩn lớn, và đó sẽ là những thứ mà những công ty này cần phải hiểu được. Những động lực trong bán lẻ vẫn y nguyên từ trước đến nay: sự sẵn có, giá thành, dịch vụ, và sự tiện lựoi. Khi bạn hiểu được và vượt lên nó, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.”
Tham khảo The Verge