Một cô gái 18 tuổi người Mỹ đã phải nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp, chỉ ba tuần sau khi bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử dạng vape. Theo bệnh án, phổi của cô bị đọng dịch và không thể lấy đủ oxy. Các bác sĩ phải cho cô thở máy, đặt ống nội khí quản, đồng thời chích dịch phổi ra ngoài bằng 2 ống thông xuyên qua ngực. Cô gái không bị nhiễm vi khuẩn và điều trị kháng sinh không có tác dụng. Các bác sĩ cho biết nguyên nhân của tình trạng suy hô hấp nguy hiểm này đến từ phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch, vì dị ứng với một hóa chất nào đó trong tinh dầu vape.
Một cô gái bị suy hô hấp cấp đe dọa tính mạng sau khi hút vape
Vape là một dạng thuốc lá điện tử – sử dụng bằng cách hóa hơi các chất lỏng có hương vị, đôi khi chứa cả nicotine, để hít vào như khói. Từ trước đến nay, vape vẫn được quảng bá rộng rãi như một giải pháp thay thế an toàn hơn hút thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, khoa học vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng cho việc liệu hút vape có an toàn hay không? Và liệu nó có thể gây ra những ảnh hưởng lâu dài nào với sức khỏe? Các trường hợp viêm phổi và viêm phổi quá mẫn liên quan đến hút vape – một phản ứng dị ứng với các chất hít phải – rất hiếm, nhưng đã từng được báo cáo trong nhiều tài liệu trước đây. Nhưng tình trạng của cô gái 18 tuổi ở Pennsylvania có vẻ khác biệt và nguy hiểm hơn thế. Cô gái đến bệnh viện khám sau 2 ngày bị ho, khó thở và đau quanh phổi. Tiền sử bệnh ghi nhận cô từng bị hen suyễn nhẹ và dị ứng với hạt Brazil, nhưng tất cả các bệnh lý cũ này không phải nguyên nhân gây ra suy hô hấp. Thăm khám ban đầu cho thấy cô gái không sổ mũi, không sốt và không có bất thường về tim. Các bác sĩ đã đưa cô đến đơn vị chăm sóc đặc biệt và kê thuốc kháng sinh – nhưng tình trạng của cô vẫn không được cải thiện mà còn xấu đi nhanh chóng. Cô bị suy hô hấp đến độ cần phải đặt nội khí quản – một ống nhựa dài 20-25 cm xuyên sâu vào đường thở để duy trì hô hấp. Daniel Weiner, bác sĩ điều trị cho cô gái nói với CNN: “Cô ấy không thể lấy đủ oxy vào máu từ phổi của mình và cần phải thở máy cho đến khi phổi của cô ấy hồi phục trở lại“. Tình trạng của cô còn nghiêm trọng đến nỗi các bác sĩ phải luồn thêm 2 ống nhựa xuyên qua ngực vào phổi để hút các dịch lỏng ứ đọng đang tích tụ. Sau khi thử nghiệm loại trừ nhiễm trùng, cô được điều trị bằng methylprednisolone, một loại steroid sử dụng để ức chế hệ thống miễn dịch trong trường hợp có phản ứng dị ứng nghiêm trọng.
Dị ứng với hóa chất trong tinh dầu vape có thể gây suy hô hấp cấp
Thông thường, viêm phổi quá mẫn có liên quan đến việc bị nhiễm vi khuẩn từ môi trường, chẳng hạn như hít phải nấm mốc, cỏ khô hoặc phân chim. Khi các vi khuẩn này xâm nhập vào phổi, chúng có thể gây ra phản ứng miễn dịch mạnh. Bởi vì các tế bào miễn dịch di chuyển từ máu của bạn đến khu vực bị ảnh hưởng khi bạn bị nhiễm trùng hoặc có phản ứng dị ứng, hàng rào mạch máu có thể bị “rò rỉ” trong phổi. Điều này dẫn đến ứ đọng và tích tụ dịch lỏng. Ca bệnh của cô gái người Mỹ đã được báo cáo trên tạp chí Pediatrics. Sau 5 ngày điều trị tích cực, cô gái đã có thể tự thở trở lại. Các thiết bị hỗ trợ được rút ra và cuối cùng cô gái cũng được xuất viện. Mặc dù đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận hút vape có thể gây ra suy hô hấp cấp, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh đó là lời cảnh báo cho sự nguy hiểm của loại thuốc lá điện tử này. Giới trẻ hiện tại đang sử dụng thuốc lá điện tử rất thường xuyên. Họ không biết hoặc không để ý nhiều đến các nguy cơ sức khỏe mình đang phải đối mặt. Trong khi đó, chính các nhà khoa học cũng chưa hiểu hết tất cả các tác động của loại sản phẩm này. Một số nghiên cứu gần đây tiếp tục chỉ ra sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử. Các nhà khoa học tìm thấy một số hương liệu được sử dụng để tạo vị trong tinh dầu vape có khả năng gây tổn hại đến hệ miễn dịch. Một nghiên cứu khác phát hiện người hút vape có thể bị nhiễm kim loại nặng từ cuộn dây đun nóng của thiết bị. Và trong khi Cơ quan Y tế công cộng Anh đã nói rằng hút vape là một cách an toàn và hiệu quả để bỏ thuốc lá truyền thống, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ nói rằng nó có thể không hiệu quả – và ủy ban của họ vẫn đang tiếp tục khảo sát các nghiên cứu đế đi đến kết luận cuối cùng về độ an toàn của vape. Tham khảo Sciencealert, CNN