Trang chủ Tin Tức Một cơ sở nghiên cứu ở Mỹ “chữa khỏi” 3 ca bệnh...

Một cơ sở nghiên cứu ở Mỹ “chữa khỏi” 3 ca bệnh ung thư di căn bằng liệu pháp miễn dịch

731
Một người phụ nữ sống ở Bang Florida Hoa Kỳ, mắc ung thư vú tiến triển được coi là không thể chữa được. Nhưng sau 2 năm rưỡi sử dụng một liệu pháp miễn dịch, cô ấy vẫn sống khỏe mạnh, trong khi, căn bệnh ung thư gần như được “chữa khỏi”. Trước đó, 2 ca bệnh tương tự cũng được báo cáo: một bệnh nhân ung thư gan và một bệnh nhân ung thư đại tràng tiến triển cũng thuyên giảm sau khi sử dụng liệu pháp miễn dịch. Cả 3 bệnh nhân này đều được điều trị bởi cùng một nhóm nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Steven Rosenberg, một nhà tiên phong về liệu pháp miễn dịch. Để điều trị cho từng bệnh nhân, nhóm nghiên cứu của bác sĩ Rosenberg đã giải trình tự bộ gen các khối u của họ để tìm ra được những đột biến gây bệnh. Sau đó, họ thử nghiệm các tế bào miễn dịch được rút ra từ chính cơ thể bệnh nhân ung thư, nhằm xác định những tế bào nào có khả năng nhận diện được đột biến ung thư. Những tế bào miễn dịch này được nuôi rồi nhân lên thành hàng tỷ tế bào trong phòng thí nghiệm. Cuối cùng, chúng được truyền lại vào máu cho bệnh nhân. Bác sĩ Rosenberg nhấn mạnh rằng cách tiếp cận này, được gọi là liệu pháp nuôi tế bào miễn dịch, mới đang trong giai đoạn thử nghiệm. Một số bệnh nhân khác được điều trị theo cùng cách này đã không đáp ứng và có những bệnh nhân đã chết. Tuy nhiên, ông cho biết 3 ca bệnh đáp ứng điều trị cho thấy phương pháp này có tiềm năng để nhắm mục tiêu đến một loạt các khối u rắn, bên trong các cơ quan nội tạng bao gồm dạ dày, thực quản và buồng trứng. Cách tiếp cận này dựa vào những đột biến, thay vì chỉ trên loại bệnh ung thư, bác sĩ Rosenberg nói. “Những đột biến gây ung thư sẽ là gót chân Achilles của chúng“.

Judy Perkins (bên phải) thuyên giảm hoàn toàn sau 2 năm rưỡi điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch

Báo cáo ca bệnh ung thư vú được công bố hồi đầu tuần trước trên tạp chí Nature Medicine. Các trường hợp còn lại đã được công bố trước đó vào năm 2014 và 2016, cũng trên các tạp chí khoa học uy tín hàng đầu. Trường hợp mới nhất là của bệnh nhân có tên Judy Perkins, một kỹ sư 52 tuổi sống ở Port St. Lucie, Florida. Cô này được chẩn đoán mắc ung thư vú từ năm 2003 và đã phẫu thuật cắt bỏ vú ngay sau đó. Thể nhưng ung thư vẫn tồn tại và 10 năm sau đã di căn lan sang các phần khác của cơ thể. Perkins tiếp tục trải qua nhiều phương pháp điều trị, nhưng tất cả đều thất bại. Năm 2015, sau cuộc gặp gỡ tình cờ với một nhà khoa học hàng đầu tại Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, cô đồng ý tham gia thử nghiệm liệu pháp miễn dịch. Một trong những khối u của cô, đã từng được cắt bỏ bằng phẫu thuật, có tới 62 đột biến khác nhau. Các nhà nghiên cứu đã trích xuất tế bào miễn dịch khỏi khối u ác tính đó – các tế bào gọi là tế bào lympho thâm nhập khối u (TIL). Họ tìm thấy một số tế bào có thể nhắm mục tiêu vào 4 đột biến của Perkins. Sau đó, TIL được nuôi và nhân bản thành hàng chục tỷ tế bào. Perkins được hóa trị, sau đó truyền trở lại các tế bào miễn dịch của cô. Năm tháng sau, các xét nghiệm cho thấy ung thư đã biến mất và không tái phát kể từ đó tới nay. “Đó là nhờ đội quân TIL của tôi,” cô nói. Mặc dù vậy, kết quả thí nghiệm ở một, hoặc thậm chí một số lượng nhỏ bệnh nhân, không chứng minh rằng việc điều trị sẽ có hiệu quả ở những bệnh nhân khác. Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Rosenberg đã điều trị hơn 40 bệnh nhân với các khối u rắn thông thường trong 4 năm qua, bằng cách sử dụng liệu pháp TIL cá nhân hóa với từng người. Hầu hết bệnh nhân bước vào thử nghiệm với tiên lượng rất hạn chế, và khoảng 15% đã đáp ứng điều trị. Nhưng những phản ứng này rất khác nhau, Stephanie Goff, một bác sĩ lâm sàng trong nhóm cho biết. Perkins, là một bệnh nhân “đáp ứng hoàn toàn” nên không cần điều trị thêm, cô ấy là ngoại lệ. Các nhà nghiên cứu đang “cố gắng tìm cách” để cũng đạt được kết quả đó trên tất cả các bệnh nhân, Goff nói. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, chỉ 3 ca bệnh ung thư hồi phục được báo cáo đã là một tiến bộ quan trọng. Trong khi liệu pháp miễn dịch đã mang lại lợi ích cho bệnh nhân ung thư máu, phổi và một số khối u ác tính khác với số đột biến lớn, nó thường không có hiệu quả chống lại ung thư bắt đầu trong các cơ quan – gọi là ung thư biểu mô – với ít đột biến hơn. Các nhà khoa học khác hoan nghênh kết quả điều trị này nhưng cũng khá thận trọng. Carl June, một chuyên gia về liệu pháp miễn dịch tại Đại học Pennsylvania, cho biết sự đáp ứng của bệnh nhân ung thư vú đối với tế bào TIL rất đáng chú ý. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ là “1 trên 1 triệu“, ông hỏi, “hay là một cái gì đó, một cách tiếp cận mang lại lợi ích cho nhiều phụ nữ?”.

Melinda Bachini là một bệnh nhân ung thư khác cũng được điều trị thuyên giảm nhờ liệu pháp miễn dịch

Scott Antonia, một nhà miễn dịch học tại Trung tâm Ung thư Moffitt ở Tampa, Florida, cho biết các nghiên cứu tiếp theo đó có vai trò rất quan trọng. “Bài báo cho thấy bằng chứng sinh học về mặt nguyên tắc“, ông lưu ý. “Chúng ta nên tiếp tục đi theo hướng đó”. Melinda Bachini, một cựu nhân viên y tế sống ở Billings, Montana, tin rằng liệu pháp miễn dịch đã cứu sống cô. Năm 2009, cô nhận chẩn đoán mắc bệnh ung thư ống mật đã di căn đến gan. Ở thời điểm đó, Bachini 41 tuổi. Cuộc phẫu thuật đầu tiên đã cắt mất 2/3 lá gan của Bachini, nhưng 3 tháng sau ung thư vẫn xuất hiện trong phổi cô. Bachini đã thử một số phương pháp điều trị nhưng không thành công, sau đó cô lên mạng và tìm được cuộc thử nghiệm ở Viện Ung thư quốc gia. Vào năm 2012, lần đầu tiên cô được tiêm truyền tế bào miễn dịch TIL, và khối u của cô bắt đầu co lại. Khi các khối u phát triển trở lại 1 năm sau đó, Bachini lại được truyền tế bào miễn dịch -lần này là những tế bào tích cực hơn nhắm chính xác vào đột biến của cô. Các khối u lại co lại. Vào mùa thu năm 2016, cô cần điều trị nhiều hơn và trở lại Viện Nghiên cứu Ung thư quốc gia để thử một loại liệu pháp miễn dịch khác. Hôm nay, Bachini cho biết cô có một vài “đốm” trong phổi trái của mình, thứ mà bác sĩ Rosenberg tin rằng có thể là mô sẹo. Bệnh nhân bị ung thư đại tràng tiến triển mà nhóm của bác sĩ Rosenberg đã điều trị trong năm 2015 có tên là Celine Ryan, sống tại Michigan. Hầu hết các khối u của Ryan biến mất sau khi cô nhận được TIL, mặc dù 1 khối u trong phổi trở nên tồi tệ hơn và yêu cầu phẫu thuật. Nhưng ở thời điểm này, Ryan đã tạm thời thoát khỏi ung thư. Cô là trường hợp ung thư đầu tiên, mang đột biến chết người có tên là KRAS, được điều trị thành công. Đột biến KRAS không chỉ liên quan đến ung thư đại tràng mà cả trong ung thư tuyến tụy và phổi.

Celine Ryan (trái) và bác sĩ Rosenberg (trái)

Năm 2013, Perkins nhớ lại vị bác sĩ chuyên khoa ung thư chỉ cho mình tối đa 3 năm để sống, sau khi căn bệnh ung thư vú của cô trở lại. Trong khi cố gắng thử rất nhiều liệu pháp điều trị, Perkins đã trở thành một nhà tuyên truyền và đấu tranh cho bệnh nhân ung thư vú. Cô đến California để dự một khóa đào tạo, một chương trình do Liên minh Ung thư Vú Quốc gia Hoa Kỳ điều hành. Trong một bài giảng về liệu pháp miễn dịch, nhà nghiên cứu trong nhóm của bác sĩ Rosenberg đã đề cập đến liệu pháp thử nghiệm. Perkins nói rằng cô muốn ghi danh. Bây giờ, Perkins hy vọng cô ấy đã được chữa khỏi – một từ mà cô ấy gần như sợ thốt ra nó – trong khi biết rằng ung thư “có thể quay lại ngay ngày mai“. Cô ấy ý thức rõ ràng rằng hầu hết bệnh nhân ung thư vú di căn không may mắn như cô, và cách tiếp cận của cuộc thử nghiệm có thể gây ra những rủi ro lớn. Một phụ nữ Nam Carolina tên là Janice Satterfield đã liên lạc với Perkins sau khi đọc một bài đăng mà cô đã viết về thử nghiệm tại Viện Ung thư Quốc gia. Satterfield đã đăng ký thử nghiệm và vào tháng 8 năm 2016. Nhưng không may, cô ấy phát triển các biến chứng và chết vài tháng sau đó. “Cô ấy có thể đã mất đi mạng sống của mình“, người chồng của cô, Scott Satterfield, cho biết, “nhưng tôi hy vọng một người khác sẽ thu được lợi ích từ ca thử nghiệm của cô ấy“. Không chỉ những bệnh nhân đã thuyên giảm, tất cả những bệnh nhân hi sinh trong thử nghiệm liệu pháp miễn dịch ngày hôm nay, cũng sẽ đem đến hi vọng cho các bệnh nhân khác trong tương lai. Tham khảo Washingtonpost