Thị trường việc làm Trung Quốc đang rất cạnh tranh.
Zhaopin hiện là trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, thu thập hơn 100 yếu tố đánh giá ứng viên xin việc, từ hồ sơ học tập thông thường, kinh nghiệm làm việc, cho tới số người tìm việc đã được tuyển dụng và liệu những đồng nghiệp cũ có được công việc tốt hơn không. Có khoảng 140 triệu người tìm việc trên nền tảng của Zhaopin. Công ty có trụ sở Bắc Kinh cũng đang áp dụng AI vào phân tích đánh giá năng lực ứng viên và gợi ý phù hợp cho bên tuyển và bên xin. Wen làm việc cho Zhaopin chia sẻ: “Phân tích dữ liệu của chúng tôi cho thấy, những ai sử dụng iPhone thường kỹ tính hơn khi nói đến công việc và họ có xu hướng cân nhắc nhiều hơn trước khi nộp đơn vào vị trí nào đó trên mạng”. Đó là một hành xử tốt bởi theo ông, việc gửi “la liệt” CV thường thiếu hiệu quả và phần nào phản ánh năng lực hạn chế của ứng viên.
Theo số liệu thống kê, người dùng iPhone thường cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi gửi CV nên cơ hội trúng tuyển khá cao.
Trung Quốc hiện muốn trở thành nước dẫn đầu thế giới về AI vào năm 2030. Họ đang đẩy nhanh khả năng áp dụng công nghệ này vào nhiều ngành công nghiệp như giáo dục, y tế hay ôtô. Nguồn nhân lực sẽ trở thành vấn đề lớn của Trung Quốc khi mà dân số đang già dần và tỷ lệ sinh giảm. Ngày nay, AI có thể được áp dụng để đánh giá sơ bộ về ứng viên dựa trên ngoại hình, kỹ năng đàm thoại và khả năng logic. “Tôi không nghĩ AI có thể thay thế hoàn toàn ngành nhân sự và các công ty săn nhân tài trong 3 đến 5 năm tới. Nhưng nó có thể trở thành công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả trong khâu tuyển dụng”, Wen chia sẻ. Xu Ning, Giám đốc nhân sự của nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Chery Automobile thì tâm sự: “Xét duyệt CV là một quá trình rất tốn thời gian. Nhiều người gửi CV trực tuyến một cách thiếu thận trọng. Ngày càng khó để tìm ra ứng viên phù hợp trong hàng đống những CV mà công ty nhận được”.