Trang chủ Tin Tức Muốn tiến lên phân khúc cao cấp của Apple và Samsung, smartphone...

Muốn tiến lên phân khúc cao cấp của Apple và Samsung, smartphone Trung Quốc cần phải bớt chín chắn hơn trong khâu quảng bá

771
Tháng 5 và lời nói dối của Lenovo
Khi Mi fan nô nức chào đón Mi 8 và các fan của Apple hồi hộp ngóng theo những bước tiến của iOS tại WWDC 2018, Lenovo cũng có cách để thu hút sự chú ý của riêng mình. Ngày 15/5, nhà sản xuất PC số 1 thế giới vén màn hình ảnh thiết kế của một mẫu smartphone có vẻ là “toàn màn hình” phía trước.
3 tuần sau, chiếc smartphone “toàn màn hình” này ra mắt. Vẫn có tai thỏ phía trước, vẫn có cái cằm xấu xí. Lại thêm một bản sao kém chất lượng từ Apple. Nếu không vì “giả vờ” là smartphone toàn màn hình, chắc chắn sẽ chả có ai để ý đến sản phẩm tầm trung “làng nhàng” này của Lenovo cả.
Cứ tưởng là smartphone “toàn màn hình”…
… nhưng chỉ là lừa dối.
Huawei: Nói, nhưng không làm
Không kém phần đáng xấu hổ so với Lenovo là Huawei. Tại sự kiện WWDC tuần này, Apple đã đem đến một bản nâng cấp khá “đặc biệt” dành cho Animoji: các biểu tượng cảm xúc VR này giờ đã nhận cả chuyển động… lưỡi của người dùng. Mọi chuyện sẽ là chẳng có gì đáng nói nếu như nửa năm trước Huawei đã lớn tiếng công bố sẽ vượt mặt Face ID bằng một bộ cảm biến 3D có số điểm nhận biết cao gấp 10 và cả một bộ Animoji “nhái” có thể nhận được chuyển động lưỡi.
Nhưng hơn nửa năm đã trôi qua và công bố của Huawei vẫn cứ chỉ là… công bố. Trong cùng một khoảng thời gian, không chỉ có Apple kịp đem chuyển động lưỡi vào Animoji bản “xịn” mà Xiaomi mới đây cũng đã ra mắt được mẫu Android đầu tiên có cảm biến khuôn mặt 3D.
Rất mạnh miệng nhưng đến giờ Huawei đã thực sự có nhận diện 3D cho người dùng?
Không hề.
Dĩ nhiên, công nghệ của Xiaomi không có vẻ gì là vượt trội so với Apple hay (ý tưởng của) Huawei, nhưng điều Xiaomi làm được là thực sự tung ra một sản phẩm hoàn thiện. Tính từ khi gọi Apple là “thằng hề” và khoe Face ID “ưu việt” của mình cho tới nay, Huawei đã ra mắt 2 dòng đầu bảng (Mate 10 và P20) không có câu trả lời dành cho Face ID. Nếu Xiaomi hay Apple cũng lên tiếng công bố những công nghệ thuộc dạng “chưa hoàn thiện” như Huawei, có lẽ cả thế giới smartphone sẽ rối loạn vì những ý tưởng hay ho mà người dùng chẳng biết bao giờ mới được chạm tay vào.
Mặt lưng của Xiaomi
Xiaomi thì sao? Dù có khá hơn Huawei một chút nhưng Tiểu Mễ đã lại một lần nữa minh chứng rằng “Apple của Trung Quốc” sinh ra là để… copy Apple. Ngay sau khi Mi 8 ra mắt, các mạng xã hội đã nhanh chóng tràn ngập những lời bình luận mỉa mai về thiết kế gần như sao chép hoàn toàn từ Apple – với ngoại lệ đặc biệt là “cái cằm” vẫn bị giữ nguyên xi.
Và không mấy bất ngờ, những mánh lới PR nhập nhằng cũng được áp dụng. Xiaomi tự tin tuyên bố Mi 8 có cảm biến 3D, nhưng chi tiết thì không hề được làm rõ: không lý giải “3D” theo cách nào, không hề có chỉ số FAR (cho phép mở khóa khi sai người) hay bất kỳ một thông tin chi tiết nào khác. Thứ duy nhất Xiaomi công bố về phiên bản nhận diện 3D của riêng mình là một bức ảnh theo phong cách Apple (và số lượng linh kiện ít hơn hẳn).
Sự thật về mặt lưng Mi 8 EE được “giấu” rất kỹ trong một tài liệu dài dằng dặc của Xiaomi.
Chưa dừng lại ở đây, Mi 8 EE còn thu hút sự chú ý với mặt lưng “trong suốt” để khoe linh kiện bên trong nữa. Mặt lưng trong suốt thì đúng thật, nhưng thứ người dùng nhìn thấy thì hoặc là… giấy dán, hoặc là mô hình nhựa chứ không phải là chip thật. Tiểu Mễ chẳng hề đề cập đến chuyện thật hư này trong sự kiện, chỉ tung ra dòng chữ nhỏ trong một văn bản dài bằng tiếng Trung: “không phản ánh đúng linh kiện”.
OnePlus: “Học yêu cái rãnh”
Và cuối cùng trong danh sách “phốt” của smartphone Trung Quốc tháng qua là OnePlus. Mẫu đầu bảng lớn nhất của thương hiệu thuộc BKK (cũng là chủ OPPO và Vivo) này tuần qua đã phải đối mặt với vô số lời chỉ trích từ phía người dùng khi lẳng lặng xóa tính năng màn hình “Always On” vì không thể kiểm soát thời lượng pin.
“Hãy học cách yêu cái rãnh” của OnePlus bị đả kích kịch liệt.
Trước đó, khẩu hiệu mang tính “dạy đời” rằng người dùng phải “Học cách yêu cái rãnh” của CEO OnePlus dành cho OnePlus 6 cũng đã bị người dùng Twitter phản đối. Ai cũng có thể thấy khẩu hiệu này lố bịch đến mức nào khi “tai thỏ” của OnePlus rõ ràng là học từ iPhone, để nhìn càng giống chiếc X đắt tiền càng tốt.
Nếu nhìn vào lịch sử tràn ngập các scandal từ phân biệt giới tính, thu thập dữ liệu trái phép hay gian lận benchmark, bạn sẽ nghĩ OnePlus đã học được bài học và đã ngừng “trẻ trâu”. Nhưng không, người anh em của OPPO và Vivo vẫn cứ đi tiếp từ scandal này đến scandal khác.
Lịch sử thương hiệu “anh em” này của OPPO và Vivo đã liên tiếp đi qua quá nhiều “thảm họa PR” gây mất lòng người dùng.
Những thương hiệu smartphone khác cũng vậy. Năm nay đã là năm thứ 10 của Android, thị trường đã nguội lạnh và cuộc đua đã chuyển từ “mua mới” sang nâng cấp.
Nhưng các hãng Trung Quốc vẫn không hiểu rõ điều này. Đi sau Apple và Samsung, họ vẫn cứ phải tìm đủ mọi cách xốc nổi để thu hút sự chú ý về phía mình. Liệu những thông điệp, những bước đi “trẻ trâu” ấy có thể giúp họ vượt mặt Apple? Chắc chắn là không, bởi những chiếc iPhone vẫn đứng thứ 2 thế giới và giá trung bình tới tay người mua vẫn ở đẳng cấpsmartphone Trung Quốc không bao giờ chạm tới được. Hết rồi cái gọi là “sát thủ đầu bảng”, smartphone Trung Quốc sẽ đắt không kém gì Apple hay Samsung