Trang chủ Tin Tức Mỹ: Cảnh sát phải có trát tòa mới được theo dõi dữ...

Mỹ: Cảnh sát phải có trát tòa mới được theo dõi dữ liệu điện thoại cá nhân

759
Carpenter v. United States là vụ kiện tụng đầu tiên về dữ liệu định vị điện thoại mà Tòa án Tối cao đưa ra phán quyết sau khi nghe các phiên điều trần từ cuối tháng 11/2017.

Bắt đầu từ một vụ cướp tại Detroit (Mỹ) vào năm 2011, cuộc tranh luận xoay xung quanh việc cảnh sát đã thu thập dữ liệu từ điện thoại di động của nghi can Timothy Carpenter thông qua nhà cung cấp thiết bị. Tổng cộng có 12.898 địa điểm trong khoảng thời gian 127 ngày từ những dữ liệu điện tử nói trên đã được cảnh sát tổng hợp mà không có lệnh từ phía tòa án.
Một thẩm phán thuộc Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 6 đã kết luận dữ liệu định vị di động không được bảo vệ bởi Tu chính án thứ Tư (Forth Amendment) của Hiến pháp Mỹ, trong đó ngăn cấm việc tìm kiếm và bắt giữ không hợp lý, và đương nhiên không cần có lệnh của tòa để tiếp cận dữ liệu.

(Nguồn: Internet)

Trong tuyên cáo của mình, Chánh án Tòa án Tối cao Mỹ John Roberts nhận định việc tìm kiếm thông tin từ điện thoại của Carpenter của cơ quan chức trách được coi thuộc phạm vi của Tu chính án thứ Tư. “Lập trường của cảnh sát không thể theo kịp với những biến chuyển liên tục của ngành công nghệ số vốn tạo điều kiện cho việc theo dõi định vị của tất cả mọi người không chỉ trong thời gian ngắn mà trải dài qua nhiều năm”. Vị Chánh án này cho rằng truy cập của chính phủ tới lịch sử dữ liệu GPS đã vi phạm vào quy định hiện hành về bảo mật và quyền riêng tư cá nhân, và dữ liệu trong quá khứ thậm chí còn có nguy cơ gây mất an toàn hơn cả theo dõi GPS thời gian thực.

Phán quyết của Tòa án Tối cao lần này đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ đối với cách các cơ quan hành pháp sử dụng công nghệ cho công cuộc điều tra tội phạm. Luật sư Nathan Freed Wessler đã tham gia vào vụ kiện và chia sẻ: “Tòa án Tối cao đã nâng tầm quan trọng của luật bảo vệ quyền riêng tư vốn bị bỏ quên trong nhiều năm nay, đưa nó lên tương ứng với thực tế đang diễn ra ngoài xã hội. Chính phủ sẽ không thể bám theo lý luận sử dụng công nghệ loại bỏ được quyền bảo vệ của Tu chính án thứ Tư”.
Dữ liệu định vị di động từ lâu đã là vấn đề nóng bỏng được sự quan tâm sát sao của những người bảo vệ quyền riêng tư. Trong tháng 5/2018, Thượng nghị sĩ Ron Wyden của bang Oregon đã yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ di động giải trình lý do những công ty này chuyển giao thông tin định vị của khách hàng cho Securus Technologies, một dịch vụ theo dõi cuộc gọi cho tù nhân đã được cảnh sát sử dụng để theo dõi điện thoại của bất kỳ ai trên đất Mỹ mà không có lệnh của tòa. Cùng thời gian này, Ủy ban Truyền thông Liên bang đã mở một cuộc điều tra về LocationSmart, một công ty tuyên bố có khả năng tìm được mọi chiếc điện thoại mà không cần sự xin phép đặc biệt nào.
Vụ việc lần này sẽ tạo tiền lệ cho mọi dữ liệu định vị được sử dụng trong các cuộc điều tra về sau, luật sư Wessler khẳng định. “Đây không chỉ là vụ kiện Carpenter, mà là quyền lợi của mọi công dân Mỹ sử dụng di động, chiếm tới 95% dân số nước này”. Còn Thượng nghị sĩ Wyden hoan nghênh kết quả của phiên tòa và cho rằng đây là một bước tiến đáng mừng trong nỗ lực phản đối quyền năng giám sát của chính phủ liên bang đang ngày càng mở rộng. “Tòa đã công nhận các thiết bị điện tử có thể tạo ra cái gọi là sự giám sát gần như hoàn hảo cuộc sống riêng tư của một con người, điều này khẳng định sự bảo vệ cần thiết trước những can thiệp và giam giữ vô lý bởi nhà chức trách”.
Những ý kiến phản đối kết luận của tòa cho rằng các công ty mạng có thể cung cấp dữ liệu cho cảnh sát bởi họ sở hữu những dữ liệu đó chứ không phải con người. Trong thỏa thuận sử dụng dịch vụ, khách hàng đã đồng ý chuyển thông tin của mình cho bên cung cấp, theo lập luận của Phó Chánh công tố Liên bang Micheal Dreeben tại phiên xét xử. Do vậy, yêu cầu của cảnh sát cho doanh nghiệp là cung cấp thông tin về giao dịch của họ với khách hàng.
Trong khi phán quyết của tòa áp dụng cho dữ liệu GPS, nó không được triển khai cho các camera an ninh, dữ liệu giao dịch hay theo dõi định vị thời gian thực. Khi công nghệ phát triển, cùng với đó là kỹ thuật giám sát, quyết định của Tòa án Tối cao phản ánh mong muốn tiếp tục cân nhắc sự liên quan giữa quyền riêng tư và sự thay đổi không ngừng đó.
A.M (Theo Cnet)

VietBao.vn