Trang chủ Tin Tức Mỹ chấm dứt lệnh cấm với ZTE

Mỹ chấm dứt lệnh cấm với ZTE

745
Theo CNN, thỏa thuận do Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross công bố khoảng 6 giờ sáng 7.6 (theo giờ địa phương) sẽ chấm dứt lệnh cấm ZTE mua sản phẩm và dịch vụ của các công ty Mỹ trong bảy năm vì vi phạm lệnh trừng phạt Triều Tiên và Iran.

Ông Ross cho biết sẽ áp đặt “sự tuân thủ nghiêm ngặt nhất mà chúng tôi từng có đối với bất kỳ công ty nào, dù là trong nước hay ngoài nước”. Ngoài mức phạt nêu trên, ZTE cũng phải thay thế ban lãnh đạo và ký quỹ 400 triệu USD phòng trường hợp hãng này vi phạm trở lại.

tin liên quan

ZTE có thể bị phạt 1,7 tỉ USD

Số phận của ZTE đã trở thành điểm nhấn lớn trong căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Lệnh cấm hồi tháng 4.2018 của Washington đã làm tê liệt hoạt động của ZTE.

“Các chính quyền trước đây đã không thực sự cứng rắn đối với Trung Quốc và các nước khác. Tôi nghĩ rằng hiện giờ Trung Quốc đã nhận thức rõ rằng có một nhân tố mới là Tổng thống Donald Trump. Tôi rất hài lòng với những sắp xếp trong thỏa thuận mới. Đây là mức tiền phạt nghiêm ngặt nhất và lớn nhất từng được Bộ Thương mại đưa ra”, ông Ross nói.

Tuy nhiên, ý kiến này cùng với thỏa thuận giải cứu ZTE đã bị Thượng nghị sĩ Chuck Schumer chỉ trích. Ông Schumer nói rằng ông Trump chỉ bắn vào “khoảng trống” đối với Trung Quốc, trong khi đó lại nhắm thẳng vào các đồng minh lớn của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU) và Canada.

“Hoàn toàn không có lý do chính đáng nào để ZTE có cơ hội thứ hai. Quyết định này đánh dấu thái độ quay 180 độ của Tổng thống khi hứa sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc”, ông Schumer nói.

ZTE có khoảng 75.000 nhân viên trên toàn thế giới. Hãng này mua các thành phần chính từ một loạt công ty Mỹ, bao gồm cả chip từ Qualcomm và Intel. ZTE ngày 9.5 cho biết đã phải tạm dừng hầu hết các hoạt động kinh doanh vì lệnh cấm.

Tuy nhiên, sau đó không lâu ông Trump tuyên bố rằng ông đang làm việc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để đưa ZTE “trở lại kinh doanh nhanh chóng”. Hành động này của ông Trump đã làm nổi lên làn sóng phản đối gay gắt ở Washington. ZTE nhiều lần chịu sự giám sát của các nhà quản lý và quan chức Mỹ, những người cảnh giác với chính phủ Trung Quốc.

Nỗ lực của Trung Quốc trong việc thúc đẩy các ngành công nghệ cao là yếu tố gây căng thẳng giữa hai nước. Và ZTE đóng một vai trò quan trọng trong tham vọng công nghệ của Bắc Kinh. Hãng này là một trong nhiều công ty công nghệ Trung Quốc tích cực theo đuổi phát triển 5G, thế hệ tiếp theo trong công nghệ mạng không dây. Công ty tự hào có khách hàng doanh nghiệp tại hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.