Trang chủ Tin Tức Mỹ điều tra các nhà mạng về công nghệ thẻ SIM gây...

Mỹ điều tra các nhà mạng về công nghệ thẻ SIM gây khó cho người tiêu dùng

679
Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra các nhà mạng của Mỹ và một nhóm thương mại công nghiệp để xem liệu họ có bắt tay nhau khiến người dùng di động gặp khó khăn khi muốn chuyển đổi sang nhà mạng khác.

Cơ quan này đã gửi yêu cầu điều tra dân sự đến 4 hãng viễn thông lớn của Mỹ và GSMA, một tổ chức tiêu chuẩn quốc tế chịu trách nhiệm về công nghệ eSIM. Tiêu chuẩn eSIM cho phép người dùng di động thay đổi số điện thoại sang một nhà mạng khác mà không phải tháo SIM vật lý.
Hơn một năm qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã để mắt đến vấn đề thẻ SIM và tính di động của điện thoại, tập trung vào hai hãng lớn nhất, AT&T và Verizon Communications Inc. Hồi tháng Hai vừa qua, cơ quan chức năng đã gửi thông báo về cuộc điều tra.
Bộ Tư pháp đã nói với GSMA trong một thông báo hồi tháng 10/2016 rằng họ đang bị điều tra. Thông báo nói với GSMA rằng chính phủ có thể sẽ mở lại cuộc điều tra.
Những người phát ngôn của Bộ Tư pháp và GSMA tại Luân Đôn đều từ chối bình luận.
Một phát ngôn viên của AT & T cho biết công ty đã biết về cuộc điều tra và cung cấp thông tin cho chính phủ. Còn một phát ngôn viên của Verizon cho biết công ty đang hợp tác với cơ quan điều tra.
“Thực tế chúng tôi có một một vài ý kiến khác biệt ​​với một số nhà sản xuất thiết bị điện thoại liên quan đến việc phát triển các tiêu chuẩn e-SIM”, phát ngôn viên của Verizon, Rich Young cho biết. “Chỉ có bấy nhiêu thôi.”
Tin tức về cuộc điều tra gần đây lần đầu tiên được báo New York Times đưa tin.

Hầu hết các thiết bị di động sẽ không hoạt động nếu không có thẻ SIM – mô-đun nhận dạng người đăng ký – chứa thông tin tài khoản của khách hàng. Ở Mỹ, thẻ SIM chỉ có thể sử dụng được trên mạng di động của nhà cung cấp dịch vụ đã phát hành thẻ.
eSIM, hoặc SIM nhúng, thường là một con chip bên trong một thiết bị và không thể gỡ bỏ. Nó cho phép người tiêu dùng lưu trữ nhiều cấu hình mạng di động trên cùng một thiết bị và chuyển đổi giữa các mạng của họ, mặc dù ở một thời điểm chỉ có thể sử dụng dịch vụ của một nhà mạng.
Công nghệ này đã có sẵn trên một số thiết bị tiêu dùng, chẳng hạn như Apple Watch Series 3, đồng hồ thông minh Samsung Gear S2 và máy tính bảng Surface Pro LTE của Microsoft.
Một trong những điện thoại thông minh đầu tiên được phát hành với công nghệ SIM nhúng là Google Pixel 2, bắt đầu bán vào năm ngoái. Google đang thử nghiệm công nghệ với dịch vụ không dây Project Fi.
Apple Inc. đã giúp thúc đẩy các nỗ lực thay thế thẻ SIM truyền thống. Vào năm 2014, hãng giới thiệu iPad với thẻ SIM tích hợp cho phép người dùng bật hoặc tắt gói dữ liệu di động hoặc chuyển đổi giữa 3 trong số 4 nhà cung cấp lớn ở Mỹ. “SIM mềm” của iPad đã châm ngòi cho suy đoán rằng Apple có thể sẽ đưa công nghệ tương tự vào iPhone của nó, nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra.
“Apple rất muốn dùng công nghệ này bởi vì họ muốn làm cho điện thoại nhỏ hơn và mỏng hơn”, Kyle Wiens, Giám đốc điều hành của iFixit, hãng chuyên “mổ điện thoại” và sửa chữa thiết bị điện tử, nói.
Ông nói rằng việc loại bỏ SIM sẽ tạo thêm không gian cho một pin hoặc chip lớn hơn để tăng hiệu suất. “Chiếc điện thoại lý tưởng sẽ không có nút, không có cổng, không có gì, trong khi đó thẻ SIM lại chiếm một khoảng không gian trong thiết bị, khiến các nhà thiết kế chỉ muốn loại bỏ nó”.
Apple từ chối bình luận về các vấn đề trên.

B.T (theo WSJ)