Theo Reuters, khoản phạt trên được chính phủ Mỹ đề xuất. Tuy nhiên, số tiền trên thực tế mà ZTE phải trả để được dỡ bỏ lệnh cấm vận có thể thấp hơn, khoảng 1 tỷ USD. Số tiền còn lại, tối thiểu 400 triệu USD sẽ được ký quỹ tại một ngân hàng Mỹ.
Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng yêu cầu ZTE phải thay thế toàn bộ các nhân sự chủ chốt trong vòng 30 ngày tới, bao gồm giám đốc điều hành, trưởng phòng và thuê một công ty bên thứ ba giám sát các hoạt động tại Mỹ.
Một số chuyên gia nhận định, cái giá mà ZTE phải trả để được Mỹ bãi bỏ lệnh cấm là rất đắt. Tuy nhiên, nó vẫn tốt hơn nhiều so với những thiệt hại xảy ra trong tương lai, khi công ty Trung Quốc không thể giao thương với Qualcomm, Broadcom, Intel, Acacia Communications hay Oclaro – các nhà cung cấp phần cứng quan trọng để sản xuất thiết bị di động và viễn thông. Năm ngoái, ZTE đã chi hơn 2,3 tỷ USD cho những đối tác này.
Tháng 4/2018, ZTE bị cấm mua các bộ phận, dịch vụ công nghệ từ Mỹ đến năm 2025 vì vi phạm lệnh cấm vận cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho Iran và Triều Tiên. Theo một nguồn tin, công ty Trung Quốc đã mất hơn 3 tỷ USD kể từ 15/4, ngày lệnh cấm được thi hành. Dựa trên doanh thu, ZTE là thương hiệu điện thoại thông minh lớn thứ tư tại Mỹ.
Như Phúc