Trang chủ Tin Tức Nghề ‘môi giới streamer’ ở Trung Quốc

Nghề ‘môi giới streamer’ ở Trung Quốc

740
Văn hóa livestream không còn xa lạ đối với nhiều quốc gia, bao gồm cả ở Việt Nam, nhưng Trung Quốc vẫn luôn là nơi mà trào lưu này bùng nổ và phát triển mạnh mẽ nhất. Khoảng một nửa trong tổng số gần 800 triệu người dùng Internet ở nước này đang sử dụng các ứng dụng livestream.
Điều này dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành dịch vụ này, đặc biệt xoay quanh việc thu hút các streamer nổi tiếng. Càng nắm trong tay nhiều streamer khủng, các kênh phát sóng càng thu hút được đông đảo người xem và cả các streamer khác muốn gia nhập vào. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi chi phí cao để giữ chân các streamer nổi tiếng.
Trong bối cảnh này, một số công ty bắt đầu xoay sang tập trung tìm kiếm lao động mới là sinh viên các trường đại học nhằm tiết kiệm chi phí. Ngay đầu dịp nghỉ hè năm nay, rất nhiều công ty môi giới trực tuyến tại Bắc Kinh đã tới các trường cao đẳng và đại học để quảng bá, hứa hẹn một công việc có thể kiếm được bộn tiền chỉ sau vài tiếng lên sóng live-stream.
Tờ rơi quảng cáo về công việc streamer, chỉ ngồi chơi vài tiếng mỗi ngày cũng có thể kiếm nghìn USD mỗi tháng.
Các thông báo nhìn chung đều giống nhau, thông báo đang tìm kiếm những người trẻ (ưu tiên sinh năm 1995 trở đi) có năng khiếu về biểu diễn, âm nhạc, múa… với tính cách nhiệt tình và có ngoại hình “đẹp và xuất sắc”. Công việc được mô tả khá chung chung, nhưng đều khẳng định “chỉ cần ngồi 2-3 giờ trước camera mỗi ngày có thể nhận được 3.000 – 5.000 nhân dân tệ (10 đến 17 triệu đồng) mỗi tháng.
Beijing Daily cho biết một số trường được các công ty trên đặc biệt hướng tới như Đại học Sư phạm, Đại học Truyền thông, Học viện Điện ảnh và Đại học Ngoại ngữ. Việc tiếp cận các sinh viên cũng được các công ty này tiến hành khá đa dạng, từ tờ rơi rải xung quanh quán cà phê, ký túc xá cho tới email, gọi điện, các hội nhóm trên mạng xã hội của sinh viên cho tới bàn tư vấn tại các điểm công cộng.
Thủ tục tham gia khá đơn giản khi các công ty này chỉ yêu cầu sinh viên gửi ảnh và video giới thiệu bản thân. Một số công ty còn gợi ý rằng những người có “ngoại hình nóng bỏng” có thể đạt được mức thu nhập hàng tháng lên tới 10.000 nhân dân tệ (khoảng gần 35 triệu đồng).
Bên trong một công ty tuyển dụng và đào tạo streamer tại Bắc Kinh, ngoài một căn phòng lớn có thể chứa được nhiều người cùng lúc cho các cuộc hội họp hay gặp gỡ là một hàng dài các dãy phòng nhỏ riêng biệt. Đây là nơi cho các streamer làm việc và biểu diễn. Mỗi căn phòng có máy tính, thiết bị ghi hình, micro, những chiếc đèn lồng nhỏ đang nhấp nháy và rất nhiều hình ảnh trang trí sinh động. Có người đang rủ rỉ tâm sự, có người hát, có người nhảy, có người đánh đàn…
Nhân viên quản lý tại đây cho biết sau khi ký hợp đồng, các streamer phải tới công ty làm việc. Tuy nhiên, nếu trường học ở xa, họ có thể tự mua một số thiết bị về để làm việc tại nhà hoặc ký túc xá. Công ty cũng có thể ứng trước cho nhân viên số tiền mua thiết bị này, rồi trừ vào thu nhập mỗi tháng sau đó. Tuy nhiên, có một quy định cần tuân thủ là số giờ lên sóng mỗi ngày, từ 4-6 tiếng và mỗi tháng hoạt động ít nhất 26 ngày.
Mỗi công ty có quy tắc nghiêm ngặt về tiền “hoa hồng” mỗi tháng. Tham gia vào các nền tảng live stream càng nổi tiếng, tiền thù lao càng cao thì số tiền phải trả này càng lớn, có khi lên tới 40-50% lương. Các streamer sẽ được công ty đánh giá theo ngoại hình, tài năng, khả năng trò chuyện trong thời gian đầu làm việc để tính toán hiệu quả, từ đó ký hợp đồng. Tất nhiên, các hợp đồng này đều không kèm theo một mức lương cơ bản nào ổn định. Dẫu vậy, streamer làm việc tại đây sẽ được tham gia các khóa đào tạo, hướng dẫn về ứng xử, trang điểm, cách giao tiếp… để ngày càng kiếm được nhiều người hâm mộ và tiền thưởng từ họ hơn
Khi thử ứng tuyển vào một công ty dạng này, một phóng viên được yêu cầu gửi ảnh và một đoạn video. Tuy nhiên, sau khi thấy nội dung video chỉ mang tính vui nhộn hài hước, nhân viên của công ty này đã bày tỏ sự không hài lòng và gửi lại rất nhiều video khác để làm mẫu. Một trong số này là video quay cảnh một cô gái trẻ mặc bộ đồ gần như hở nửa ngực, đang ôm đàn guitar và hát. Video khác có nội dung nhún nhảy của một cô gái trẻ xinh đẹp với lớp trang điểm rất đậm.
“Mỗi ngày chúng tôi có một nhóm các sinh viên đại học tham gia. Không nhất thiết bạn phải tương xứng với các nền tảng live stream lớn, chúng tôi sẽ đưa bạn tới nơi phù hợp”, người này chia sẻ, đồng thời gửi rất nhiều hình ảnh các cô gái trẻ để thuyết phục. “Đừng tốn thời gian để làm những video ngắn để giải trí cho bản thân. Đó là lý do khiến bạn nghèo khổ. Có một streamer đã kiếm được hơn 7.000 tệ (khoảng 23 triệu đồng) tháng trước, tháng này chưa hết mà cô ấy đã kiếm được 30.000 tệ (khoảng 100 triệu đồng). Người ta cũng chỉ là sinh viên như bạn”.
Nếu không hào hứng với việc làm streamer, các công ty này cũng giới thiệu cho những người liên hệ một công việc khác là trung gian môi giới. Nói một cách đơn giản đó là tìm kiếm những người phù hợp với các tiêu chí về tài năng và ngoại hình để đưa về làm streamer. Thu nhập của công việc này dựa trên số lượng hợp đồng với các streamer được ký kết, cũng như “chất lượng” của các đối tượng này.
“Những nhà môi giới giỏi có cơ hội tham gia các khóa đào tạo thường niên, ở khách sạn 5 sao, được chu cấp hoàn toàn tiền vé máy bay, thậm chí nhận xe hơi sang trọng”, là lời quảng cáo về công việc môi giới này.
Phòng làm việc của các streamer xếp san sát nhau tại văn phòng một công ty truyền thông ở Bắc Kinh. Ảnh: Beijing Daily.
Tuy nhiên, trên thực tế công việc này không hề mang lại các khoản thu nhập cao và dễ dàng như thế. Nhiều chuyên gia đã phải lên tiếng nhắc nhở sinh viên đại học rằng công việc bán thời gian này đầy rẫy những rủi ro pháp lý và cần phải lập kế hoạch nếu muốn theo đuổi nó trong dài hạn.
Lý Như, sinh viên năm nhất của trường đại học sư phạm Bắc Kinh, cho biết cô đã thử đi làm streamer để có thêm tiền tiêu vặt. Thông qua một tờ rơi quảng cao, cô đã đi phỏng vấn và được ký hợp đồng.
“Tôi phải bỏ ra vài trăm USD mua các thiết bị hỗ trợ ca hát. Công việc này cũng đòi hỏi phải trang điểm mỗi ngày”, cô chia sẻ. “Ngày nào tôi cũng phải ca hát, đôi khi trò chuyện với khán giả, thỉnh thoảng sẽ nhảy”.
Sau vài tháng, quá mệt mỏi với áp lực công việc, Lý Như quyết định từ bỏ. Cô cho biết giờ đây đặc biệt sợ những căn phòng studio, cảm thấy rất khó khăn khi nghe người khác nói chuyện, thậm chí vì phải ngồi lâu nên giờ eo của cô đã bị tổn thương. Một lý do thực tế khác là công việc này không mang lại được nhiều tiền.
“Theo hợp đồng tôi sẽ nhận mỗi tháng 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng) nhưng thường bị cắt xén do không lên sóng đủ thời gian công ty quy định. Thêm vào đó phải bớt lại 40% cho công ty môi giới, nên mỗi tháng chỉ nhận được 200-300 tệ (khoảng 700 nghìn tới một triệu đồng).
Cô cũng nói rằng công ty thỉnh thoảng mở một lớp đào tạo về video, nhưng thường dành cho các streamer có đông người hâm mộ. Những người ít nổi hơn thường bị bỏ qua. Lý Như dự định nghỉ việc tại công ty này, nhưng cho biết vẫn suy nghĩ về việc làm streamer bởi đây là một công việc “tương đối dễ kiếm tiền” bởi “có thể lên sóng mỗi khi rảnh rỗi”.
Qua khảo sát với nhiều sinh viên, hầu hết đều tin rằng làm streamer là một công việc đơn giản, nhanh có tiền nhưng không ổn định và phải chịu áp lực từ dư luận xã hội. Một số người cho rằng đây là kiểu công việc bán thời gian khá mới mẻ và nên thử để “trải nghiệm cuộc sống”, miễn là nền tảng và nội dung là hợp pháp.
Bộ “đồ nghề” tiêu chuẩn của một streamer thường bao gồm smartphone, gậy tự sướng, tai nghe có micro, đèn trợ sáng…
Chuyên gia Trừ Triêu Huy, làm việc tại Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho rằng: “Hầu hết sinh viên nghĩ rằng làm streamer có thể kiếm tiền dễ dàng, quan điểm này hơi đơn giản. Nhiều người thiếu kinh nghiệm xã hội, cả tin dễ bị các công ty môi giới lợi dụng”. Theo ông, đây không phải là một công việc mà mọi người có thể dựa vào nó cả đời. Việc bỏ bê học tập để sa đà vào công việc này có thể khiến nhiều người phải ân hận sau này. Các sinh viên nên tìm ra lợi thế riêng của bản thân, xem xã hội đang cần gì và có kế hoạch để phát triển nghề nghiệp dài hạn cho bản thân.
Triệu Chiêm, luật sư tại một văn phòng luật ở Bắc Kinh cho biết việc tuyển dụng của các công ty môi giới nói trên không trái pháp luật. Nhưng các sinh viên có thể bị lợi dụng bởi những kẻ lừa đảo, hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân.
“Mối quan hệ giữa các nền tảng live stream và các công ty môi giới là vấn đề phân phối lợi ích. Người tham gia nên cẩn thận xem xét các điều khoản của hợp đồng trước khi ký, để bảo vệ lợi ích cá nhân. Cũng nên chú ý đến việc công ty có đòi hỏi streamer làm điều gì bất hợp pháp không, như phải phát ngôn theo một quan điểm nào đó, bởi nếu không chính bản thân họ sẽ phải gánh chịu các hậu quả pháp lý không mong muốn”, luật sư này chia sẻ.
Live stream hay streaming là thuật ngữ nói về việc truyền nội dung số trên Internet. Ngày nay, việc truyền trực tiếp hình ảnh và những khoảnh khắc đời thường của người nổi tiếng đang trở thành trào lưu trên mạng. Những người thực hiện công việc này gọi là streamer.
Bảo Nam