Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ kéo dài trên 25 năm cho thấy, việc tiêu thụ carbohydrate hoặc chuyển đổi từ thịt sang protein từ thực vật và chất béo với lượng “vừa đủ” sẽ tốt hơn so với việc ăn quá nhiều hoặc quá ít carbohydrate.
Trang tin BBC cho hay, nghiên cứu trên dựa vào số lượng carbohydrate mà những người tham gia đã tiêu thụ. Các nhà khoa học đã tiến hành thu thập ý kiến từ bảng câu hỏi lượng thức ăn và đồ uống tiêu thụ của hơn 15.400 người Mỹ. Từ đó, nhóm tiến hành ước tính tỷ lệ calo thu được từ carbohydrate, chất béo và protein.
Carbohydrate là chất đa lượng ngoài protein, chất béo có thể cung cấp năng lượng hoặc calo cho cơ thể. Carbohydrate thường được hấp thụ thông qua việc ăn rau, trái cây và đường. Tuy nhiên, nguồn cung cấp chính vẫn đến từ các loại thực phẩm có tinh bột ví dụ như khoai tây, bánh mì, gạo, mì ống và ngũ cốc.
Trải qua hơn 25 năm thu thập dữ liệu, nhóm nghiên cứu nhận thấy những người sử dụng năng lượng từ quá trình chuyển hóa carbohydrate với lượng vừa phải (50-55%) có nguy cơ tử vong thấp hơn so với những người tiêu thụ quá ít hoặc quá nhiều carbohydrate.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, những người ở độ tuổi 50 nếu có chế độ ăn với lượng carbohydrate vừa đủ có thể sống thêm 33 năm nữa. Mức này tương đương với việc sống thêm 4 năm nữa so với những người có chế độ ăn và hấp thụ carbohydrate thấp dưới mức 30%, thêm 1,1 năm so với người hấp thụ cao trên 65%.
Tập ăn ít carbohydrate hơn, đồng nghĩa phải tích cực ăn thực phẩm giàu protein và chất béo từ thực vật
Đi sâu vào nghiên cứu, các nhà khoa học tiếp tục so sánh chế độ ăn ít carbohydrate nhưng giàu protein và chất béo từ động vật của một số người với những người tuân thủ chế độ ăn giàu protein và chất béo từ thực vật lành mạnh.
Kết quả cho thấy, người ăn nhiều thịt bò, cừu, lợn, gà và pho mát, đồng thời giảm lượng carbohydrate tiêu thụ có nguy cơ tử vong gia tăng. Nhưng nếu thay việc tiêu thụ các loại thịt bằng protein và chất béo từ thực vật, ví dụ các loại đậu hay quả hạch, người đó có nguy cơ tử vong do bệnh tật thấp hơn.
“Chế độ ăn ít carbohydrate và thay thế bằng protein hoặc chất béo đang trở nên phổ biến như một cách giảm cân và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, theo phân tích của chúng tôi cho thấy, chế độ ăn này có thể giảm tuổi thọ và không nên được khuyến khích. Thay vào đó, nếu chọn chế độ ăn ít carbohydrate nhưng chuyển đổi sang tiêu thụ protein và chất béo thực vật sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và sống thọ hơn”.
Nhóm nghiên cứu nhận định, khẩu phần ăn của phương Tây không khoa học khi ăn khá ít rau, củ quả và ngũ cốc trong khi lại tiêu thụ quá nhiều protein và chất béo từ động vật. Điều này dẫn tới tình trạng gia tăng tỷ lệ mắc các loại bệnh tật và đẩy nhanh tốc độ lão hóa trên người.
Như vậy, theo nghiên cứu này, việc giảm carbohydrate trong khẩu phần ăn chỉ có lợi khi bạn chuyển sang dùng các nguồn protein và chất béo từ thực vật thay vì động vật.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Lancet Public Health mới đây.
Tiến Thanh