Chỉ tay về phía góc bàn, anh Bảo Trung (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết đã không còn dùng chiếc iPhone 6s lock Nhật (cách gọi phiên bản iPhone khóa mạng dành riêng cho thị trường Nhật Bản) từ khoảng hai tháng nay, chủ yếu dùng làm thiết bị xem video YouTube cho con trai 3 tuổi. “Dùng được vài hôm thì bị khóa dù đã có sim ghép ‘thần thánh’, lại không thể cập nhật phiên bản hệ điều hành mới. Rất phiền phức”, anh Trung cho biết.
Trần Hưng (quận 7), hiện là sinh viên một trường đại học ở quận 4, cũng đang tính bán chiếc iPhone 7 khóa mạng Mỹ để mua một mẫu smartphone Android tầm trung để sử dụng vì khó chịu. “Tôi mua iPhone lock với giá gần 6 triệu đồng để tiết kiệm. Nhưng rẻ chưa chắc đã tốt khi chiếc máy này khiến cho tôi bực mình hơn là thích. Khi tháo sim, y như rằng máy sẽ bị khóa và tôi phải tốn thêm một ít chi phí để mở. Đó là chưa kể tình trạng chập chờn khi gọi, máy nhanh xuống pin và nhiều thứ phiền phức khác”, anh Hưng kể lại.
Trên các hội nhóm Facebook về công nghệ và cộng đồng iPhone khóa mạng, từ đầu năm đến nay, nhiều người cũng tỏ ra không còn hào hứng với chúng như trước đây. Nhiều ý kiến cho rằng những phiền phức gặp phải khiến họ lo ngại và không có ý định tiếp tục sử dụng loại máy này trong tương lai. Thay vào đó, họ sẽ chuyển sang dùng bản quốc tế hoặc smartphone cùng tầm tiền. Các chủ đề rao bán iPhone lock thời gian gần đây trên hội nhóm Facebook cũng như các diễn đàn mua bán có xu hướng tăng.
Nhu cầu người dùng giảm khiến nhiều các cửa hàng kinh doanh iPhone khóa mạng tại TP HCM không còn mặn mà với mặt hàng này. Theo chủ một hệ thống bán sản phẩm Apple trên đường Trần Quang Khải (quận 1), hiện cửa hàng nhập iPhone lock về rất cầm chừng vì lượng người mua thấp hơn nhiều so với năm ngoái. Một chủ cửa hàng iPhone khác trên đường Hùng Vương (quận 5) còn tiết lộ, bạn bè anh đã bán hết hàng tồn và không nhập mới, thay vào đó là kinh doanh bản quốc tế hoặc các sản phẩm chạy Android. Thậm chí, một số khác cho biết đã không nhập iPhone lock từ nhiều tháng nay do ít người mua và cũng không muốn mất uy tín do các lỗi mà máy gây ra cho người dùng trong quá trình sử dụng.
Giá bán của iPhone khóa mạng cũng được đánh giá là đã “sát đáy”, khi một mẫu iPhone 6 lock Nhật chỉ còn 1,8 đến 2 triệu đồng, iPhone 6s lock Nhật khoảng 3 đến 4 triệu đồng tùy chất lượng. Một mẫu iPhone 7 Plus lock Mỹ 32 GB cũng chỉ 9 triệu đồng, trong khi máy chính hãng cấu hình tương tự bán tại Việt Nam lên tới gần 20 triệu đồng.
iPhone lock là phiên bản được bán thông qua nhà mạng của Mỹ, Nhật… và mặc định chỉ dùng được với sim của nhà mạng đó. Bằng cách can thiệp kỹ thuật, những thiết bị khóa mạng này khi về Việt Nam có thể dùng với sim khác, dù tồn tại một số bất tiện so với iPhone quốc tế.
Thế Huy, một người từng kinh doanh iPhone tại TP HCM cho biết, những năm về trước, iPhone khóa mạng luôn thu hút nhiều người là bởi giá rẻ hơn vài triệu đồng so với bản quốc tế và chính hãng. Giai đoạn “bùng phát” về loại iPhone này vào khoảng đầu 2017, khi thị trường xuất hiện một loại sim ghép được ví là “thần thánh” giá chỉ từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng nhưng có thể khắc phục một số vấn đề sim ghép đời cũ không làm được, như kiểm tra tài khoản *101#, hiển thị danh bạ hay gọi Facetime… Sự bùng nổ của loại sim này khiến không ít người lựa chọn iPhone khóa mạng thay vì bản quốc tế, vốn không bị các lỗi trên.
Thế nhưng, nó cũng là khởi nguồn cho việc đi xuống sau này của iPhone khóa mạng, nhất là từ đầu 2018 đến nay. Chỉ trong hơn 3 tháng đầu năm (từ tháng 1 đến tháng 3), ghép “thần thánh” đã trải qua 4 lần bị khóa, từ phiên bản 3, 4, 5 và 6. Đồng thời, vòng đời của mỗi phiên bản ngày càng ngắn lại do Apple can thiệp sâu hơn qua các bản cập nhật iOS.
“Giờ đây, việc dùng iPhone lock khiến người dùng lo âu hơn là hài lòng, đa phần là cảm thấy phiền phức. Trong khi đó, phiên bản quốc tế giá không quá cao, smartphone Android ngang tầm giá ngày càng hoàn thiện, nhiều tính năng hơn, mẫu mã đa dạng hơn tất nhiên người ta muốn mua hơn. Nếu cho rằng iPhone lock sắp bị ‘khai tử’ tại Việt Nam thì cũng không phải là nói quá”, theo anh Huy.
Bảo Lâm