Dù các nhà mạng cam kết sẽ bảo mật thông tin cho khách hàng, luật cũng quy định mức xử phạt nhưng luật sư vẫn cho rằng, thời điểm này việc nộp ảnh cá nhân là chưa phù hợp vì còn kẽ hở. Từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, nhiều người dân sử dụng điện thoại di động nhận được tin nhắn với nội dung: “Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, thông tin thuê bao di động phải chính xác, bổ sung hình ảnh chân dung. Để đảm bảo quyền lợi, quý khách soạn TTTB gửi 1414 để kiểm tra, đồng thời mang CMND/thẻ căn cước/hộ chiếu đến cửa hàng giao dịch để bổ sung thông tin. Ngoài ra, quý khách có thể tự bổ sung thông tin tại ứng dụng”. Trước thông tin này nhiều người đặt câu hỏi, khi nộp ảnh chân dung cho nhà mạng, liệu có bị lộ thông tin cá nhân?
“Tuy nhiên, nỗ lực bảo vệ an toàn thông tin cá nhân cũng cần đến từ cả hai phía khách hàng và nhà mạng. Chính vì thế, chúng tôi mong muốn khách hàng cũng cẩn trọng hơn trong bảo vệ thông tin cá nhân của mình”, đại diện nhà mạng Viettel cho biết. Còn đại diện của nhà mạng MobiFone cũng thông tin, ảnh và thông tin cá nhân của khách hàng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của MobiFone chỉ sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. MobiFone đảm bảo bí mật thông tin khách hàng theo đúng Luật Viễn thông và các quy định pháp luật hiện hành. Trong khi đó, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Luật Viễn thông 2009, doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm: Tên, địa chỉ, số máy gọi đi, số máy gọi đến, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng đã cung cấp cho doanh nghiệp. “Ảnh cũng được xem là thông tin cá nhân và được pháp luật bảo vệ, chính vì thế không một doanh nghiệp nào được phép để lộ thông tin của khách hàng”, luật sư Thơm nói. Vị luật sư này dẫn luật, theo điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP, nếu doanh nghiệp viễn thông để lộ thông thông tin khách hàng sẽ đối diện với các mức phạt sau: Phạt tiền từ 30 triệu – 50 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ trên môi trường mạng thông tin thuộc bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ trái phép nội dung thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Phạt tiền từ 50 triệu – 70 triệu đồng đối với hành vi mua bán hoặc trao đổi trái phép thông tin riêng của người sử dụng dịch vụ viễn thông.
Theo nghị định số 49/2017 của chính phủ ban hành ngày 24.4.2017, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, thông tin người dùng di động còn phải bao gồm “ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung (đối với dịch vụ viễn thông di động)”. Ảnh chụp phải có thông tin về thời gian (ngày, giờ) chụp. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 24.4.2018. Sau đó, các cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo. Đồng thời nhà mạng tiếp tục thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện, thêm 30 ngày nữa sẽ bị thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông. |