Trang chủ Tin Tức Nhà mạng và nỗi khổ “có xe nhưng không có đường”

Nhà mạng và nỗi khổ “có xe nhưng không có đường”

799
Thị trường viễn thông đang chứng kiến cảnh nhiều nhà mạng dồn sức đầu tư hạ tầng mạng lưới, phát triển thuê bao, xây dựng các gói cước, nhưng ngặt nỗi lại thiếu băng tần khiến hoạt động kinh doanh không thể mở rộng, cầm chừng, chất lượng dịch vụ, tốc độ mạng bị giảm sút.

Tình cảnh này được các nhà mạng ví von là “có xe nhưng không có đường”. Không riêng mạng nhỏ như Vietnamobile mà mạng lớn nhất hiện nay là Viettel cũng “kêu khổ” vì không có hoặc thiếu băng tần.
Nỗi khổ trường kỳ
Nguồn tin VnEconomy có được, cách đây ít hôm, Công ty Cổ phần Viễn thông Di động Vietnamobile đã có công văn “thỉnh cầu” gửi Chính phủ, cho biết đang đứng trước những khó khăn rất lớn do không đủ băng tần để phát triển hoạt động kinh doanh, bị hạn chế khả năng cạnh tranh và không có cơ hội để mở rộng mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng để phục vụ khách hàng.
Câu chuyện thiếu băng tần với mạng nhỏ Vietnamobile không phải đến giờ mới bức thiết. Từng liên danh với EVN Telecom để trúng giấy phép triển khai công nghệ 3G trên băng tần số 1900- 2200Mhz, tuy nhiên, năm 2011, EVN Telecom đứng trước rất nhiều khó khăn và có khả năng không thể tồn tại nên bị sáp nhập vào Viettel, mạng Vietnamobile khi đó đã xin được chuyển giao lại và thậm chí còn đề cập được mua nửa băng tần trong liên danh này để có đủ băng tần để phát triển 3G, nhưng không được chấp thuận.
Từ đó đến nay, năm nào Vietnamobile cũng “kêu khổ” do thiếu băng tần và xin được có thêm băng tần. Đỉnh điểm từ tháng 10/2017 đến nay, Vietnamobile đã liên tục gửi công văn đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông và Chính phủ, về việc xin được cấp băng tần hiện có.
Phó tổng giám đốc Vietnamobile, bà Nguyễn Hiền Phương, cho biết, sau khi được đối tác Hutchison đầu tư thêm 450 triệu USD (tháng 10/2016), năm 2017, Vietnamobile đẩy mạnh phát triển hạ tầng mạng lưới, mở rộng vùng phủ sóng lên tới 95% dân số (2G) và 85% dân số (3G), thuê bao do vậy cũng ngày càng tăng, đặc biệt là thuê bao sử dụng dữ liệu (data), chính vì vậy mức độ khan hiếm băng tần của Vietnamobile càng trở nên trầm trọng và nhu cầu về băng tần càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
“Vì không đủ và hạn chế về băng tần nên đã cản trở Vietnamobile thu hút khách hàng mới, cản trở việc khuyến khích sử dụng dữ liệu của thuê bao hiện tại nhằm nhằm đáp ứng chủ trương phát triển dịch vụ dữ liệu tốc độ cao của Chính phủ. Việc mạng lưới hoạt động bị hạn chế cũng có nghĩa Vietnamobile sẽ không phải là đối thủ cạnh tranh có thể tồn tại”, bà Phương cho biết, và nói, doanh nghiệp dù đã cố gắng đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới, nỗ lực sáng tạo, phát triển các dịch vụ, gói cước mới, nhưng có những thứ vẫn nằm ngoài khả năng của doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu, dung lượng băng tần hiện nay của Vietnamobile (40MHz ở khu vực miền Nam và 30 MHz ở miền Bắc và miền Trung) chỉ bằng 1/3 so với các doanh nghiệp lớn, điều này có nghĩa nhà mạng này sẽ không thể theo kịp dung lượng mạng lưới của những đối thủ cạnh tranh trên thị trường nếu có cùng số lượng trạm, hoặc Vietnamobile chỉ có thể theo kịp dung lượng mạng nếu số lượng mạng xây dựng nhiều gấp 3 lần – một phương án bất lợi hoàn toàn về hiệu quả đầu tư.
Do hạn chế về băng tần, hạn chế về dung lượng mạng lưới nên Vietnamobile chỉ có thể đáp ứng được một ít khách hàng , còn nếu phát triển được lượng thuê bao lớn hơn thì đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ sẽ kém đi, vì thế, theo lãnh đạo nhà mạng này, việc cạnh tranh vốn đã khó lại càng khó khăn hơn.
Cả năm đề xuất được “mượn” băng tần
Viettel cũng là trường hợp điển hình nằm trong “cơn khát” băng tần. Sở hữu hạ tầng mạng lưới 4G phủ rộng toàn quốc với khoảng hơn 36.000 trạm BTS, chính thức kinh doanh 4G vào tháng 4/2017, số lượng thuê bao 4G của nhà mạng này ngày một tăng nhanh. Đến cuối năm 2017 Viettel công bố đã có 8 triệu thuê bao 4G.
Nhưng ngược với niềm vui về số lượng thuê bao lại là nỗi lo về băng tần. Trong cuộc họp giao ban của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 9/2017, lãnh đạo Viettel than phiền rằng nhu cầu có thêm băng tần cho 4G đang rất bức thiết và lần đầu tiên lãnh đạo nhà mạng này đề cập đến việc “mượn” băng tần 2.6 GHz (có đóng phí theo quy định) trong lúc chời đợi đấu giá băng tần này để đảm bảo chất dịch vụ, tốc độ mạng 4G cho người dùng.
Và đằng đẵng gần một năm nay, gần như lần họp giao ban nào lãnh đạo Viettel cũng đề xuất việc được mượn băng tần 2.6 Ghz, dù vậy đến nay cũng vẫn chưa được chấp thuận.
Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn Thông Quân đội (Viettel) cho biết, việc cấp phép băng tần 2.6 Ghz cho 4G hiện nay đã rất cần thiết và cấp thiết, bởi băng tần mà các nhà mạng sử dụng cho 4G là băng tần 1800 Mhz của 2G, nhà mạng đang sử dụng lại. Tuy vậy, nhà mạng thông thường cũng chỉ sử dụng được một nửa của 20MHz, vì một nửa là cho thuê bao 2G. Hiện vẫn chưa có tần số chính thức cho 4G.
Trong khi, do thuê bao 4G ngày càng tăng, máy điện thoại 4G nhiều hơn, thuê bao 2G, 3G chuyển sang 4G tăng lên, nên tần số hiện tại (của băng tần 1800 Mhz) đã không đủ cung cấp dẫn đến tốc độ mạng bị chậm đi và do tần số không đủ nên tốc độ 4G hoàn toàn tương đương với 3G, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn cả 3G.
Dung lượng hạn chế của băng tần 1800 Mhz chỉ phù hợp với thời kỳ đầu khi các nhà mạng triển khai dịch vụ 4G. Khi thuê bao phát triển lên hàng triệu và chục triệu như hiện nay thì đồng nghĩa với tốc độ mạng 4G đã giảm đi rất nhất nhiều và thực tế đã không còn đúng nghĩa với 4G nữa. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển thuê bao của nhà mạng, tới triển khai các dịch vụ và đặc biệt là ảnh hưởng đến việc trải nghiệm và nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Và đây cũng được xem là lý do khiến GSMA Intelligence (thuộc Hiệp hội Thông tin di động thế giới – GSMA) trong một báo cáo nghiên cứu năm 2017 đã đánh giá Việt Nam đang tụt hậu so với các nước châu Á khác trong việc triển khai và áp dụng các dịch vụ LTE (4G).
Theo ông Tào Đức Thắng, trường hợp băng tần 2.6 Ghz được đưa vào sử dụng, khi đó, tốc độ mạng 4G về lý thuyết sẽ tăng gấp khoảng 3 lần so với tốc độ trên băng tần 1800 Mhz hiện tại. Cùng với sự cải thiện rất lớn về tốc độ, nhà mạng cũng sẽ tiết kiệm được chi phí bởi nếu chỉ có băng tần 1800, doanh nghiệp sẽ phải lắp nhiều trạm hơn và giá trị mỗi trạm lên tới 500-700 triệu đồng.
“Nếu có băng tần mới, doanh nghiệp sẽ lắp trạm cùng vị trí trạm của băng tần 1800, không phải xây trạm, xây cột phát sóng mới nên sẽ tiết kiệm được chi phí, qua đó sẽ làm giảm giá thành”, ông Thắng cho biết.
Tính toán của vị lãnh đạo Viettel tất nhiên vẫn còn ở… thời tương lai. Có tín hiệu đáng mừng là mới đây Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp với các bộ ngành nhằm tháo gỡ khó khăn trong cấp phép băng tần để triển khai mạng 4G, cụ thể là băng tần 2.6 Ghz, và thống nhất sẽ cấp phép khai thác băng tần 2.6 GHz cho các doanh nghiệp triển khai mạng 4G sớm nhất có thể.