Khi đi chụp ảnh tại một trong những nơi lạnh nhất thế giới, bạn sẽ gặp những thử thách chưa từng có trước đây. Nhiếp ảnh gia Anthony Powell, người từng tham gia nhiều dự án nổi tiếng về vùng băng giá như phim tài liệu Antarctica: A Year On Ice hay bộ phim Frozen Planet nổi tiêng của BBC sẽ chia sẻ một vài khó khăn cũng như cách khắc phục của ông, để cho ra những bức ảnh, những thước phim tuyệt đẹp tại Nam Cực. Là vùng đất lạnh nhất Trái Đất, nhiệt độ thấp nhất từng được ghi nhận tại Nam Cực là -89,2°C và nhiệt độ trung bình là -57°C. Khi chụp ảnh hay quay phim ở nhiệt độ này, camera của bạn sẽ nhanh chóng đóng băng như những hình ảnh bên dưới:
Nhiệt độ quá lạnh khiến các thành phần tiếp xúc với không khí như cáp, vỏ máy,… bị đóng băng nhanh chóng và bạn có thể bẻ chúng như que gỗ, ngay cả đầu tripod chất lỏng vốn rất hữu hiệu khi quay video cũng trở thành tảng nước đá dưới điều kiện khắc nghiệt này. Thậm chí đến cả chất bôi trơn để giúp màn trập khép/mở mượt mà hơn cũng bị ảnh hướng, mọi thứ trở nên chậm chạp và giảm tuổi thọ rất nhanh.
Để đối phó phần nào với các khó khăn trên, Powell chuyển sang sử dụng các loại chất liệu chịu nhiệt độ thấp tốt hơn như cáp cao su và những công cụ kim loại. Một điều đáng chú ý nữa đó là thời lượng dùng pin ở điều kiện này. Nếu các bạn thường theo dõi tin tức công nghệ thì có lẽ đã đọc tin chiếc iPhone của Apple không thể hoạt động khi gặp nhiệt độ lạnh, điều tương tự như vậy cũng xảy ra với pin máy ảnh. Khi pin bị lạnh, điện áp của chúng sẽ giảm và máy ảnh “hiểu nhầm” pin đã cạn kiệt. Powell vượt qua vấn đề này bằng cách tạo ra hệ thống pin đặc chế: vỏ pin của anh được kết nối với bộ chuyển đổi DC-DC và viên pin 12 volt. Bằng cách này, ngay cả khi pin 12V giảm điện áp, nó vẫn có thể cung cấp ít nhất 7.5V cho máy ảnh hoạt động.
Bạn có thể xem thêm các chia sẻ về quá trình làm việc của Powell tại website và kênh Vimeo của ông, rất nhiều điều thú vị để khám phá đấy. Tham khảo: Petapixel