Trang chủ Tin Tức Nhiều chuyên gia công nghệ Mỹ rời Thung lũng Silicon đến Nhật...

Nhiều chuyên gia công nghệ Mỹ rời Thung lũng Silicon đến Nhật Bản

772
Kỹ sư phần mềm Carlos Perez Gutierrez từng ở vị trí tuyệt vời khi có thể chọn giữa nhiều lời mời làm việc được gửi tới. Hãng Lyft muốn ông làm tại văn phòng ở San Francisco, Booking.com thì mời ông về Amsterdam và chi trả hết chi phí, trong đó có phí vận chuyển chú chó của ông sang Hà Lan.

Song cuối cùng, kỹ sư 30 tuổi này quyết định đến nơi rất xa quê hương Mexico của ông. Perez cho hay ông chấp nhận mức lương thấp hơn để đến Nhật Bản, nơi ít người nói tiếng Anh, để làm việc. Lý do là vì ông đam mê truyện tranh, phim hoạt hình và trò chơi Nhật Bản. “Ba mẹ kể rằng tôi chơi game Nintendo từ trước khi tôi có thể nói. Tôi luôn muốn đến thăm Nhật Bản”, Perez chia sẻ với hãng tin Bloomberg.

Doanh nghiệp Nhật nổi tiếng là có văn hóa làm việc nhiều giờ liền, lương thấp và không có quyền chọn cổ phiếu theo chức vụ nhân viên như kiểu Thung lũng Silicon. Song quốc gia Đông Á có nền văn hóa và môi trường giúp họ dễ thu hút nhân tài toàn cầu.

Một con hẻm ở thủ đô Tokyo

Ảnh: Bloomberg

Ngành du lịch Nhật Bản bùng nổ và trong vài năm qua, các thành phố nước này thường xuyên có mặt trong danh sách những nơi đáng sống nhất. Với một số hãng công nghệ, văn hóa Nhật Bản là thế mạnh khi tuyển dụng kỹ sư, những người có vẻ khá “mọt sách”.

“Chúng tôi nhận thấy thêm nhiều người nhập cư có tay nghề cao vào Nhật Bản hơn so với trước, đặc biệt là trong mảng công nghệ. Rào cản cũng được hạ bớt vì chính phủ nhận ra rằng nhiều doanh nghiệp không thể tuyển đủ nhân tài IT”, giám đốc điều hành hãng tuyển dụng Hays Plc Marc Burrage cho hay.

Xã hội già và lực lượng lao động giảm xuống khiến vấn đề nhập cư thay đổi. Song ngay cả khi chính phủ Nhật Bản thiết lập hệ thống điểm như kiểu Canada để giúp dân nhập cư có tay nghề cao nhanh chóng thành thường trú nhân, số người di cư và thường trú Nhật Bản vẫn thấp. Sau 5,5 năm, chương trình chỉ thu hút khoảng 6.000 người làm việc trong lĩnh vực IT, theo Bộ Tư pháp Nhật Bản.

Ông Carlos Perez Gutierrez

Ảnh: Bloomberg

Theo nhà nghiên cứu Naoko Ishihara ở hãng nhân lực Recruit Holdings, vấn đề với môi trường làm việc Nhật Bản là nhiều doanh nghiệp vẫn khăng khăng dùng một ngôn ngữ, và có văn hóa làm việc không cởi mở và phù hợp với người nước ngoài. “Ngay cả những hãng định hình mình là doanh nghiệp toàn cầu, các giám đốc, quản lý cũng không thể họp bằng tiếng Anh. Doanh nghiệp Nhật Bản đi lùi 30 năm xét về tính đa dạng”, bà Ishihara nói.

Dù vậy với các hãng cố gắng thu hút người lao động ngoại, tiếng tăm của đất Nhật cũng có ích. Đơn cử mùa xuân này, hãng điều hành chợ trời Mercari thuê 33 sinh viên mới tốt nghiệp từ Viện công nghệ Ấn Độ, trường kỹ thuật hàng đầu, có nhiều sinh viên lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển dụng công nghệ hàng đầu. Cựu sinh viên nổi bật của Viện phải kể đến CEO Google Sundar Pichai và nhà đồng sáng lập Sun Microsystems Vinod Khosla.

Mercari có kế hoạch mở rộng đội ngũ hơn 100 kỹ sư hiện tại lên 1.000 người trong ba năm tới, và cần người nước ngoài để lấp đầy khoảng trống đó. Để đảm bảo rằng nhân viên mới cảm thấy được chào đón, hãng tổ chức đào tạo để giúp nhân viên bản xứ và ngoại quốc có thể làm việc cùng nhau.

Nhân viên hãng Line làm việc tại cơ sở nghiên cứu và phát triển ở Tokyo

Ảnh: Bloomberg

Ascent Robotics, startup ở Tokyo, cũng bắt đầu tuyển dụng người nước ngoài. Fred Almeida, một người Canada làm việc tại Nhật trong nhiều năm, là nhà sáng lập công ty vào năm 2016. Ascent phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) cho ô tô tự lái và robot, các lĩnh vực có nhu cầu lao động cao và người lao động làm việc mảng này có thể đến làm ở bất cứ nơi nào họ muốn. Ascent nhận trung bình 500 đơn xin việc/tháng từ ứng viên ở nước ngoài, theo giám đốc đầu tư James Westwood. “Nhiều người đã muốn đến đây, bạn chỉ cần cho họ cơ hội”, ông Westwood nói.

Westwood là cựu giám đốc ngân hàng Golman Sachs ở Hồng Kông, đến Tokyo làm việc hồi tháng 6 và là một trong 49 người nước ngoài công tác tại hãng chỉ có 11 nhân viên người Nhật Bản. Một người khác là kỹ sư robot người Serbia tên Marko Simic, đầu quân cho công ty trong tháng 5 sau khi cân nhắc lời mời từ công ty xe tự lái của General Motors và hãng iRobot.

Ông Simic chia sẻ sau một năm sống ở Tokyo, ông rất thoải mái với cuộc sống tiện nghi và an toàn tại thủ đô Nhật Bản. “Tôi vừa đi công tác ở Stockholm (Thụy Điển), chỉ sau vài ngày, tôi thấy tôi cần phải quay lại thế giới văn minh”, ông Simic chia sẻ.