Google I/O năm nay không hề kém cạnh Build của Microsoft về các công bố đáng chú ý. Với AI, gã khổng lồ tìm kiếm đã có thể tạo ra những cuộc hội thoại trợ giúp nghe giống hệt giọng nói của con người. Với Photos, trí thông minh đám mây của Google giờ đã có thể làm được những việc con người khó có thể làm được, như biến ảnh đen trắng thành ảnh màu. Với Android, các cử chỉ “học hỏi” từ chiếc iPhone X chắc chắn sẽ gây tranh cãi kịch liệt.
Ngay đến cả phần cứng cũng có chỗ tại hội nghị quan trọng được Google tổ chức cho các nhà phát triển. Bắt tay cùng JBL, Google mang Android TV lên một mẫu soundbar có tên gọi “Link Bar”. Cũng ngay tại I/O, Google tuyên bố sẽ ra mắt loa thông minh có tích hợp màn hình để người dùng vừa có thể ra lệnh cho Assistant, vừa có thể… xem YouTube.
Nhưng I/O năm nay lại không dành cho tất cả các nhà phát triển vẫn còn trung thành với Google. Nếu tinh ý, bạn chắc hẳn đã nhận ra I/O năm nay thiếu đi một hệ điều hành quan trọng: Wear OS.
Ra mắt vào tháng 3/2014, Android Wear từng là ngọn đuốc quan trọng góp phần thổi bùng cơn sốt wearable (thiết bị đeo thông minh). Sự góp mặt của các đối tác phần cứng lớn như Motorola, LG, Samsung và sau này là cả các tên tuổi như Fossil, TAG Heuer, Qualcomm và Intel hứa hẹn Android Wear sẽ xâm chiếm cả thế giới wearable. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu tiên, 720.000 chiếc smartwatch chạy Android Wear đã có mặt trên thị trường.
Thế rồi, đến năm 2015, Apple vén màn Apple Watch. Cuộc chơi wearable nhanh chóng trở nên khó khăn với Android Wear khi chiếc đồng hồ mác Táo chiếm luôn vị trí số 1 của thị trường wearable trong quý đầu tiên phát hành.
Suốt những năm tháng sau đó, Android Wear dần dần trở thành kẻ ngồi ngoài của thị trường wearable. Samsung, tên tuổi từng đưa Android trở thành hệ điều hành số 1 thế giới, đã lựa chọn hệ điều hành phát triển riêng (Tizen) thay vì kết hợp với Google như trước. Từ Trung Quốc, đối thủ Xiaomi trỗi dậy với các mẫu vòng đeo luyện tập siêu đơn giản (chỉ có cảm biến, không có hệ điều hành). Tương tự, kẻ tiên phong của cuộc chơi wearable là Fitbit vẫn tiếp tục thị phần ổn định mà chẳng cần đến hệ điều hành nào hết.
Trong một thời gian dài, top 5 thương hiệu wearable trên toàn cầu gần như không hề sử dụng Android Wear. Ở thế đối nghịch hoàn toàn là Apple khi chiếc Watch thậm chí còn vượt mặt cả Rolex để trở thành thương hiệu đồng hồ bán chạy nhất thế giới. Trong thị trường wearable (gộp smartwatch, vòng đeo luyện tập và các thiết bị đeo khác), Apple chỉ đôi khi chịu thua Xiaomi.
Nhưng sản phẩm của Xiaomi chỉ là những chiếc vòng đơn giản, có giá thành rẻ mạt và cũng chẳng dùng Android Wear. Hệ điều hành smartwatch của Google bại trận hoàn toàn trước Apple.
Có 2 gã khổng lồ cần phải đứng ra nhận lỗi cho thất bại của Android Wear. Đầu tiên là Qualcomm: trong 2 năm liền, Qualcomm không hề tung ra mẫu chip wearable nào mới mẻ cả. Các thiết bị Android Wear bị kéo lùi về quá khứ bằng một con chip yếu đuối. Chỉ duy nhất Tag Heuer là chuyển sang dùng Intel Atom, nhưng chiếc Connected Modular 45 lại có giá lên tới 1600 USD, vốn không phải là mức giá người mua đồ công nghệ thường xuyên nghĩ tới.
Nhưng Android Wear là con đẻ của Google, và bởi vậy, lỗi lớn nhất vẫn cứ thuộc về Google. Tháng 3 năm nay, gã khổng lồ tìm kiếm mạnh dạn đổi tên Android Wear thành “Wear OS” để thoát khỏi cái bóng của Android và rồi… không làm gì nữa cả. Ngay tại sự kiện I/O vừa qua, tên gọi Wear chỉ xuất hiện đúng 1 lần khi Google nói về Assistant.
Thật đáng buồn, bởi 3 năm trước, tại I/O, Google vẫn say sữa nói về các cử chỉ điều khiển thông minh, về app launcher hay về chế độ tiết kiệm pin “mới toanh”. Đến năm nay, Wear OS chẳng còn tí đất diễn nào, trong khi Google vẫn sẵn sàng dành 5 phút để “khoe” một chiếc soundbar của JBL! Không còn nghi ngờ gì nữa, chính Google vừa xác nhận iPhone là hình mẫu phát triển cho cả làng Android