Trang chủ Tin Tức Những khu rừng lạ lùng thách thức trí tưởng tượng con người

Những khu rừng lạ lùng thách thức trí tưởng tượng con người

801

Tongass là khu rừng lớn nhất nước Mỹ – Ảnh: National Audubon Society
Rừng cây trên 800 tuổi
Theo trang American Forest, Rừng quốc gia Tongass, Alaska, Mỹ, với diện tích 68.000 km2 là khu rừng lớn nhất nước Mỹ. Tuy nhiên 40% diện tích Tongass là vùng đầm lầy, băng, đá và khu khu phi lâm nghiệp, chỉ có khoảng 40.000 km2 là rừng.
Đây cũng là rừng mưa ôn đới ven biển lớn nhất thế giới còn nguyên vẹn đến ngày nay với rất nhiều cây trong rừng ước tính từ 800-1.000 tuổi.
Vườn quốc gia này được lập những năm đầu thế kỷ 20 nhằm bảo tồn hệ sinh thái phong phú bậc nhất nước Mỹ.
“Rừng chết”
Ba màu đen, trắng, cam nổi bật trong khu “đầm lầy chết” – Ảnh: Getty Images
Theo trang MNN, rừng Deadvlei, Namibia trước kia từng là một vùng đầm lầy nhưng cách đây khoảng 900 năm vùng đất này bắt đầu khô cứng sau khi những những cồn cát ngăn chúng với nguồn nước sông Tsauchab.
Ngày nay, “đầm lầy chết” ở Namibia vẫn thu hút nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu – Ảnh: Pinterest
Cây cỏ sống ở đầm lầy chết dần nhưng sau hàng thế kỷ chúng vẫn chưa bị phân hủy vì điều kiện vô cùng khô hạn. Nhờ đó ngày nay thế giới có một địa điểm kỳ diệu khi những thân cây có tuổi thọ hơn 1.000 tuổi vẫn đứng sừng sững trên một lớp đất sét trắng, bao quanh là những cồn cát vàng cháy nắng.
Trong tiếng Afrikanns, Deadvlei có nghĩa là đầm lầy chết.
Rừng cong về hướng bắc
Khu rừng cong lạ kỳ ở Ba Lan – Ảnh: Pinterest
Theo The New York Times, khu rừng thuộc làng Nowe Czarnowo ở phía nam Szcezecin, Ba Lan gồm 400 cây thông có gốc uốn cong về hướng bắc trong khi thân vẫn thẳng đứng.
Năm 1930, khoảng 100 cây thông được trồng ở khu vực này. Sau khi ngôi làng Nowe Czarnowo bị tàn phá nặng nề trong Thế chiến thứ 2, người ta bắt đầu phát hiện sự lạ thường của các cây thông.
Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất nguyên nhân khiến cây trong rừng bị cong như vậy – Ảnh: Getty Images
Ngày nay, các nhà khoa học cho rằng các cây thông ở đây đều mọc tự nhiên khoảng 7-8 năm trước khi bị bẻ cong. Độ cao tối đa của loại cây này là 15m.
Hiện vẫn chưa có giải thích chính xác cho hiện tượng cây mọc lạ kỳ này nhưng nhiều giả thuyết được đưa ra như do trọng lực Trái đất thay đổi bất thường, do bão tuyết, thậm chí do hoạt động của xe tăng trong chiến tranh làm đổi hướng mọc của cây con.
Rừng của những sinh vật “lớn tuổi” nhất
Cây Methuselah từng giữ kỷ lục sinh vật “cao tuổi” nhất vẫn còn sống trên Trái đất – Ảnh: Wikimedia Commons
Rừng thông cổ Bristlecone, miền đông California, Mỹ nằm ở độ cao 3.000m trên dải núi Trắng, trong rừng quốc gia Inyo.
Trong suốt một thời gian dài, khu rừng được xem là nơi sinh sống của những sinh vật có tuổi thọ cao nhất thế giới.
Trong nhiều năm liền, cây thông Methuselah luôn được xem có tuổi thọ lâu đời nhất thế giới khi sống khoảng 4.849 năm – cỡ tuổi kim tự tháp đầu tiên của Ai Cập.
Khu rừng thông Bristlecone nổi tiếng với những sinh vật sống “cực dai” – Ảnh: Wikimedia Commons
Đến năm 2013, Methuselah mất ngôi vị quán quân bởi một cây thông khác trong khu vực có độ tuổi đến khoảng 5.067 năm.
Rừng “yêu tinh”
Khu rừng “yêu tinh” thách thức trí tưởng tượng và sự can đảm của người tham quan – Ảnh: Stuff.co.nz
Theo trang Newzealand.com, khu rừng Goblin (tiếng Anh có nghĩa yêu tinh) nằm trong khu vực núi Taranaki, vùng bờ biển phía tây New Zealand. Nơi đây có dáng vẻ độc đáo mà bạn sẽ không thể thấy ở bất kỳ nơi nào khác.
Sở dĩ gọi là rừng “yêu tinh” vì khắp khu rừng là những loại cây với dáng vẻ kỳ lạ, lại được phủ một lớp rêu xanh mờ ảo làm ta có cảm giác như lạc vào xứ sở huyền bí.
Rừng đá
Rừng đá đặc biệt ở Madagascar – Ảnh: The Travel Magazine
Rừng Tsingy nằm ở tây bắc Madagascar nổi tiếng với những tảng đá vôi sắc nhọn và lởm chởm vươn tới độ cao 70m. Chữ Tsingy trong ngôn ngữ Malagasy có nghĩa là nơi không thể đi bộ bằng chân trần.
Ở Trung Quốc cũng có khu rừng đá tương tự rộng khoảng 500 km2 nằm ở tỉnh Vân Nam. Khu vực này hình thành khoảng khoảng 270.000 năm từ những trầm tích đá vôi.
Cả 2 khu rừng đều được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Rừng “nấm” giữa hoang mạc
Khoảng 250 cây “nấm” khổng lồ vươn mình giữa hoang mạc ở Namibia – Ảnh: Getty Images
Theo trang Sputnik News, rừng cây Quiver ở miền nam Namibia nằm giữa hoang mạc vô cùng đặc biệt. Khoảng 250 cá thể Quiver hiếm có sinh sống trong khu rừng từ 200-300 năm.
Cây Quiver (Aloidendron dichotomum) với hình dáng như một cây nấm khổng lồ là một loài sống đặc trưng ở miền nam châu Phi và thường được xem là biểu tượng của đất nước Namibia.
Tên cây Quiver trong tiếng Anh có nghĩa là dụng cụ đựng tên bắn cung, do trước kia người dân bản địa thường sử dụng những nhánh rỗng của loại cây này đựng các mũi tên khi săn bắn.