Trang chủ Tin Tức Những lo lắng nảy sinh sau màn trình diễn ‘xuất thần’ của...

Những lo lắng nảy sinh sau màn trình diễn ‘xuất thần’ của AI tại Google I/O

699

Màn trình diễn ấn tượng nhất trong sự kiện Google I/O 2018 vừa diễn ra chính là cuộc hội thoại đặt lịch trong một tiệm cắt tóc. Khác thông thường, cuộc gọi này không phải do con người thực hiện mà bởi trợ lý ảo Assistant của Google. Ở đầu dây bên kia là một nhân viên của tiệm cắt tóc, nhưng cô không hề nhận ra “người” đang đặt lịch thực chất chỉ là một trí tuệ nhân tạo.

Google Assistant đã thực hiện cuộc hội thoại đầy bất ngờ, đưa ra những câu hỏi, câu trả lời, những đoạn ngừng nghỉ chính xác và hoàn toàn tự nhiên. Sốc hơn nữa, trợ lý này còn “hmmhmm” (thói quen của không ít người khi muốn nói “Ừ”) một cách đậm tính… con người. Đám đông có mặt tại sự kiện đồng loạt “Ồ” lên trong thích thú.

Đây là một bước tiến về công nghệ rất lớn của Google, mở ra những điều về đạo đức đi kèm với hàng loạt thách thức về mặt xã hội. Liệu Google có nghĩa vụ phải thông báo với mọi người rằng họ đang nói chuyện với một cái máy chứ không phải đồng loại? Công nghệ bắt chước con người có làm xói mòn những gì chúng ta nghe và thấy hay không?

Đây cũng là một ví dụ về đặc quyền công nghệ, khi những người có kiến thức có thể loại bỏ những cuộc hội thoại chán ngắt, không muốn tham gia cho các cỗ máy. Còn ở đầu dây bên kia, đa phần là nhân viên dịch vụ với thu nhập thấp, sẽ phải giải quyết vấn đề với một con robot “ngu ngốc” (dù thực tế từ ví dụ của Google cho thấy chúng rất thông minh).

Nói một cách khác, buổi trình diễn của Google đầy những thích thú và lo lắng đan xen.


AI phát triển rõ rệt bắt đầu khiến con người lo lắng

Trên sân khấu, Google không nói chi tiết về hoạt động của tính năng này (tên cụ thể Duplex), nhưng một bài đăng blog mới đây đã cung cấp một vài nội dung quan trọng.

Đầu tiên, Duplex không phải là một AI đa ngôn tương lai với khả năng bắt đầu/kết thúc một cuộc hội thoại. Theo giải thích từ các nhà nghiên cứu của Google, AI này chỉ có thể trò chuyện trong “miền đóng”, đồng nghĩa với việc bị giới hạn trong một số câu thoại như “Bạn muốn đặt bàn? Cho bao nhiêu người? Vào ngày nào? Mấy giờ? Được rồi, cảm ơn và tạm biệt”.

Theo
TheVerge, Mark Riedl – Giáo sư chuyên về AI tại công ty Georgia Tech cho rằng Google Assistant có thể hoạt động rất tự nhiên nhưng chỉ trong các tình huống mẫu. “Kiểm soát được ngữ cảnh trong giao tiếp ngôn ngữ thực sự rất khó khăn. Có rất nhiều mẹo để ngụy trang khi AI không hiểu vấn đề, hoặc để mang câu chuyện trở về đúng dự tính”, ông nói.

Một trong hai bài thử nghiệm của Google cho thấy các mẹo này hoạt động tốt ra sao. Trong phần đặt bàn ăn, AI đã điều hướng một loạt câu thoại bị hiểu nhầm bằng các câu hỏi lặp đi lặp lại. Đây là điểm chung trong các chương trình vi tính được thiết kế để nói chuyện với con người.

Google gọi Duplex là một thí nghiệm, chưa phải sản phẩm hoàn thiện và không có gì đảm bảo tính năng này sẽ được phổ biến rộng rãi. Có thể AI đã làm tốt phần việc của mình trong các bài thử nghiệm đặt chỗ nhà hàng, lên lịch đi cắt tóc… nhưng sẽ không thể tránh những giới hạn (dù chưa biết) trong nhiều tình huống thực tế ở cuộc sống.

Và nếu cuộc gọi của AI đi sai hướng, con người có thể can thiệp. Trong bài blog, Google cho biết Duplex có cơ chế tự đánh giá, cho phép AI biết được khi nào cuộc hội thoại vượt qua khả năng của mình. “Trong trường hợp này, Duplex sẽ báo hiệu cho người dùng tiếp quản và hoàn thiện cuộc nói chuyện”, Google chia sẻ.

Điều này tương tự với trợ lý cá nhân tên M của Facebook. Mạng xã hội từng hứa sử dụng AI để giải quyết các vấn đề với dịch vụ khách hàng, nhưng cuối cùng phải thuê ngoài số lượng chưa rõ nhân sự để làm việc này.

Duplex có thể làm gì đã rõ, nhưng những giải thích của Google chưa trả lời được cho câu hỏi về những tác động từ AI này. Là doanh nghiệp đầu tiên triển khai mô phỏng này với cộng đồng, Google đang phải có trách nhiệm đối mặt với những câu hỏi như vậy.

Vậy Google có nên thông báo với người đối thoại rằng họ đang nói chuyện với một robot? Phó chủ tịch mảng Kỹ thuật Google, Yossi Matias cho biết điều này có thể được áp dụng khi trả lời phỏng vấn của
CNET. Trong khi đó,
TheVerge cho biết phía Google khẳng định có trách nhiệm thông báo vấn đề trên với mọi cá nhân tham gia cuộc hội thoại.


AI trở thành chủ đề chính được Google nhắc đi nhắc lại tại Google I/O 2018

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này đều đồng ý, dù rằng việc nói với người nghe “Bạn đang nói chuyện với AI đấy” vẫn là một câu trả lời chưa rõ ràng. Liệu AI có bắt đầu cuộc hội thoại bằng cách “Xin chào, tôi là robot” khiến người nghe có xu hướng cúp máy? Hoặc thông báo một cách tinh tế hơn bằng cách giới hạn độ tự nhiên trong giọng của AI, hay sử dụng một đoạn nhạc đặc biệt… Google hy vọng sẽ có một tập hợp tiêu chuẩn xã hội để thông báo rõ ràng tới người tham gia cuộc thoại rằng họ đang nói chuyện với AI.

Giáo sư Joana Bryson thuộc Đại học Bath (Anh) đang nghiên cứu về đạo đức AI cho rằng Google phải có nhiệm vụ thông báo về vấn đề trên. Nếu robot có thể tùy tiện đóng vai con người, tỷ lệ các cuộc gọi quấy rối, lừa đảo sẽ tăng cao.

Thử tưởng tượng nếu bỗng nhiên nhận một cuộc gọi với giọng hoảng hốt, nói rằng có vụ bắn súng diễn ra gần đó. Bạn hỏi họ một vài chi tiết, họ trả lời rành rọt đủ để thuyết phục bạn rồi bỗng cúp máy, nói nhầm số. Bạn có cảm thấy lo lắng?

Theo Bryson, để các công ty tự quản lý thì không đủ, mà cần sự giam sát bởi luật pháp để bảo vệ cộng đồng. “Nếu chúng ta không áp luật, một số công ty ở vị trí khó giám sát có thể lợi dụng công nghệ này. Google có thể làm điều đúng đắn, nhưng không đồng nghĩa tất cả mọi người đều vậy”, Bryson quan ngại.

Một tác động của các cuộc điện thoại với AI tham dự là có thể khiến con người trở nên nghi kỵ, thô lỗ hơn. Nếu không thể phân biệt giữa AI và người, liệu chúng ta có thái độ thế nào với mọi cuộc điện thoại? Đầy nghi ngờ, cảnh giác? Hay gào lên qua điện thoại với người khác rằng: “Im đi và để tôi nói chuyện với một người thật”.

Hay khi việc đặt bàn ở nhà hàng trở nên đơn giản hơn, con người có tận dụng AI để lên lịch mà chẳng thèm quan tâm liệu có thực sự đến chỗ đó hay không? Google cho biết hãng sẽ giới hạn số cuộc gọi mỗi ngày mà một doanh nghiệp có thể nhận từ Assistant, cũng như số lần trợ lý ảo được phép gọi điện.

Dù câu trả lời của Google ra sao, rõ ràng con người cần phải nói chuyện lại với nhau, trước khi robot bắt đầu làm việc này thay cho giống loài đã sáng tạo ra chúng.