Trang chủ Tin Tức Nơi nào nhiều mưa, sét, bão nhất thế giới?

Nơi nào nhiều mưa, sét, bão nhất thế giới?

890

Nơi nhiều mưa nhất Thế giới có lượng mưa gấp khoảng 6 lần Việt Nam – Ảnh: Getty Images

Nơi mưa nhiều nhất thế giới

Meghalaya là một bang tại đông bắc Ấn Độ hiện sở hữu 2 khu vực có lượng mưa nhiều nhất nhì thế giới.
Theo Sách kỷ lục Guiness thế giới, quán quân trong hạng mục này là ngôi làng Mawsynram với lượng mưa khoảng 11.873mm/năm. Xếp ngay sau là người láng giềng Cherrapunju cùng bang với khoảng 11.430mm/năm.
Con số này gấp khoảng 6 lần nhiệt lượng mưa trùng bình ở Việt Nam (1.500-2.000mm/năm). Lượng mưa này có thể làm ngập đến tận gối bức tượng lớn nhất thế giới, tượng Chúa Kitô Cứu Thế cao 30m ở Rio de Janeiro, Brazil.
Trong 2 tháng đỉnh điểm của mùa mưa là tháng 6 và tháng 7, lượng nước trút xuống ngôi làng này đo được khoảng 7.000mm.

Loại áo mưa đặc biệt giúp người dân thích nghi với những ngày mưa dầm dề – Ảnh: Getty Images

Nguyên nhân khiến nơi đây là “thánh địa” mưa là do không khí ẩm từ vùng đồng bằng ngập nước của Bangladesh di chuyển về phía bắc nhưng không qua được những ngọn núi cao ở Meghalaya nên gây mưa ngay tại sườn đón gió.
Người dân ở đây chế tạo ra một loại “áo mưa” đặt biệt có tên là “Knup” với hình dạng như chiếc thuyền làm từ tre và lá chuối. 
Nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới

1m2 ở hồ Maraicabo hứng chịu khoảng 270 cú sét mỗi năm – Ảnh: Reuters

Theo trang BBC, hồ Maracaibo ở Venezuela là nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới với trung bình 250 cú sét trên 1 km2 mỗi năm. Trong cao điểm mùa mưa vào tháng 10, hồ Maracaibo có thể hứng 28 cú sét trong 1 phút.
Hồ Maracaibo nằm ở tây bắc Venezuela, chảy qua thành phố Maracaibo trước khi đổ ra biển Caribe. Hồ nằm trong một nhánh của dãy Alpes nên ba mặt được bao bọc bởi núi cao.

Trong những năm 60 của thế kỷ 20, các nhà khoa học cho rằng do các mỏ urani khu vực hồ này khiến thu hút nhiều sét. 
Gần đây, một giả thuyết cho biết độ dẫn điện của không khí trên mặt hồ tăng do khí metan giải phóng từ các mỏ dầu bên dưới hồ, dẫn điện của không khí tăng dẫn đến có nhiều sét đánh xuống hồ.
Gió mạnh nhất thế giới

Đảo Barrow thuộc nước Úc – Ảnh: News.com.au

Theo trang Mother Nature Network, cơn gió mạnh nhất từng được ghi nhận trên thế giới có vận tốc lên đến 407km/giờ, càn quét đảo Barrow, Úc vào ngày 10-4-1996.
Đảo Barrow rộng 202km2, là hòn đảo lớn thứ hai của Tây Úc vốn là một vùng khá lộng gió với tốc độ trung bình khoảng 22,2km/h. Sở dĩ cơn gió khủng khiếp 407km/h năm 1996 hình thành là do ảnh hưởng của cơn bão Olivia đang đổ bộ vào hòn đảo này.
Ngày nay, đảo Barrow là khu vực khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên trọng điểm của nước Úc.
Nơi nhiều bão nhất thế giới

Cơn bão Rammasun ở Trung Quốc năm 2014 – Ảnh: Reuters

Năm 2016, trang The Weather Channel liệt kê danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cơn bão trên thế giới dựa trên liệu do phòng Nghiên cứu bão của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) từ năm 1970.
Theo đó, Trung Quốc là quốc gia hứng chịu nhiều cơn bão nhất với 127 cơn khủng khiếp gây sạt lở nghiêm trọng từ năm 1970-2016. 
Năm 2014, bão Rammasun đổ bộ vào miền nam nước này với sức gió đạt 241-257 km/h được liệt vào hàng siêu bão cuồng phong trên thế giới.
Đứng thứ hai là Philippines với mùa bão cao điểm từ tháng 5 đến 11 hàng năm. Năm 2013, bão Hải Yến càn quét đất nước này vào với sức gió lên đến 313 km/h, là cơn bão đổ bộ vào đất liền mạnh nhất trong lịch sử. Đây cũng là một trong 4 siêu bão mạnh nhất lịch sử nhân loại.
Trong danh sách của The Weather Channel, Việt Nam đứng thứ 8 về số lượng các cơn bão.
Nơi khô hạn nhất

Thung lũng khô hạn (Dry Valleys) ở Nam Cực là nơi ít mưa nhất thế giới – Video: YouTube

Theo trang Universe Today, thung lũng khô hạn (Dry Valleys) thường được xem là điểm khô hạn nhất trên thế giới và được đặt biệt danh “sao Hỏa của Trái đất”. Nơi đây không hề có mưa trong gần 2 triệu năm.
Nguyên nhân chính là do gió Katabatic từ những vùng núi xung quanh thổi cực mạnh quanh năm làm cuốn đi hơi nước gây mưa.

Hoang mạc Atacama khô hạn nhất thế giới – Ảnh: Reuters

Không tính vùng cực, hoang mạc Atacama là nơi khô hạn nhất. Đây là một hoang mạc kéo dài 1.000km trên lãnh thổ Chile và Peru, giữa Thái Bình Dương và dải Andes.
Lượng mưa nơi đây chỉ khoảng 15mm/năm. Các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng cho thấy từ năm 1570-1971, hoang mạc hình thành cách đây 40 triệu năm này không có một giọt mưa nào.