Trang chủ Tin Tức Ồ ạt vốn đổ vào các startup công nghệ

Ồ ạt vốn đổ vào các startup công nghệ

711
Theo trang
Quartz, các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn hơn gấp đôi vào lĩnh vực công nghệ. Thêm vào đó, cơn sốt tiền mã hóa cũng góp thêm lửa khi mở ra cách mới để dòng vốn có tính đầu cơ cực cao chảy vào. Núi tiền mặt sẵn sàng cho các hãng công nghệ non trẻ, sau nhiều năm các chính phủ và nhiều ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới áp dụng chính sách tiền tệ dễ dàng.

Trên thế giới, các hãng đầu tư mạo hiểm rót vốn khoảng 67 tỉ USD cho startup công nghệ từ đầu năm đến nay, trên đà vượt mốc cao kỷ lục 87 tỉ USD của năm 2016, theo dữ liệu của PitchBook. Một số hãng khởi nghiệp có định giá tăng vọt, làm thay đổi cơ chế quá trình đầu tư, đối tác Michael Jackson tại hãng Mangrove Capital Partners cho hay. Một số nhà quản lý quỹ cảm thấy áp lực phải vào cuộc ở bất cứ mức định giá nào.

“Thực sự chúng ta đang sống trong thời điểm bong bóng, nhưng tất nhiên việc sử dụng các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật số đang bùng nổ”, ông Jackson, người từng là CEO Skype, cho hay.

Sự lạc quan của giới đầu tư công nghệ không phải là vô căn cứ, vì hầu như cả nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng vững chắc. Giới doanh nhân học được cách chuyển ý tưởng từ khu vực địa lý này sang khu vực địa lý khác. Ngày càng nhiều cơ hội mở ra cho cả doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên tại một số vùng, đợt suy thoái kinh tế cuối cùng, sự biến diễn ra cách đây 10 năm, cho thấy không ít nơi có thể đang tỏ ra quá lạc quan. Ông Jackson chỉ ra rằng những nhà sáng lập doanh nghiệp và nhà tài chính tuổi 30 hiện tại có thể chưa từng trải qua thời kỳ định giá sụt mạnh.

Dòng vốn đầu tư cho các hãng internet và công nghệ theo ba con đường: Vốn đầu tư mạo hiểm, ICO và IPO

Ảnh: Quartz

Trên thị trường chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), các hãng công nghệ gọi vốn 27 tỉ USD. Đây là kết quả nửa đầu năm tốt thứ nhì lịch sử, chỉ sau sáu tháng đầu năm 2000 khi các hãng gọi được tổng cộng 56 tỉ USD, theo Dealogic. Thực chất, 27 tỉ USD của năm nay không phải là con số ấn tượng vì nếu điều chỉnh lạm phát thì nửa đầu năm 2000, số vốn các hãng công nghệ gọi được lên đến 82 tỉ USD.

Thị trường đại chúng dù hào phóng nhưng cũng không hẳn là lý do khiến định giá bay cao hơn. IPO của Dropbox ở New York định giá doanh nghiệp ở quanh mốc 8,2 tỉ USD, thấp hơn so với mức 10 tỉ USD trong vòng tài trợ tư nhân cách đó vài năm. Hãng smartphone Xiaomi khi chào sàn Hồng Kông có định giá 50 tỉ USD, chỉ bằng một nửa so với kỳ vọng ban đầu.

Ngoài IPO, các hãng khởi nghiệp công nghệ còn đón vốn nhờ hình thức gọi vốn cho các dự án tiền mã hóa (ICO), tương tự như việc huy động tiền nhưng nhà đầu tư nhận lại các đồng mã hóa. ICO lập kỷ lục hằng năm. Theo dữ liệu của CoinDesk, các ICO gọi vốn được 13,6 tỉ USD từ nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ và các hãng đầu tư mạo hiểm giỏi bắt xu thế. Đây có lẽ là thị trường gọi vốn ồn ào nhất, song số vốn mà các ICO gọi được không biểu thị mối đe dọa cho sự ổn định tài chính. Hình thức này có vẻ như đang thể hiện thời đoạn mơ mộng, lạc quan mà các nhà đầu tư công nghệ đang sống.

Vốn đầu tư mạo hiểm là nơi mà dòng tiền khủng đổ vào mảng công nghệ. Trang
Quartz nhận định số vốn trên có thể trở thành những khoản đầu tư tốt sau này, song ngay bây giờ, dường như có quá nhiều tiền đang theo đuổi từng cơ hội công nghệ đang có.