Trang chủ Tin Tức Phi công muốn ‘nhảy việc’ cần những điều kiện gì?

Phi công muốn ‘nhảy việc’ cần những điều kiện gì?

767
Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định của Điều 14.169 Phụ lục của Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 31/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về quản lý nhân viên trình độ cao, để được chấp nhận chuyển đối người khai thác tàu bay, nhân viên hàng không trình độ cao (người lái tàu bay) phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Một là, đã chấm dứt hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ (nếu có) đối với người khai thác tàu bay hiện tại theo quy định.
Hai là, có hợp đồng lao động với Người khai thác tàu bay mới.
Ngoài ra, để được chuyển đổi nhà khai thác, người lái tàu bay phải được người khai thác tàu bay mới huấn luyện đầy đủ các khoá học ban đầu của nhà khai thác theo quy định của Bộ Quy chuẩn an toàn hàng không và trình đầy đủ hồ sơ huấn luyện nhà khai thác đến Cục Hàng không Việt Nam.
“Như vậy, một phi công muốn chuyển đổi nhà khai thác tàu bay phải cung cấp đủ bộ hồ sơ bao gồm: hồ sơ chấm dứt hợp đồng lao động với người khai thác tàu bay cũ, hợp đồng lao động mới và hồ sơ huấn luyện chuyển đổi nhà khai thác”, ông Võ Huy Cường cho hay.
Đây là phần trả lời cho câu hỏi của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đối với nội dung trong văn bản gửi lên Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể có nêu: “Phi công giỏi muốn “nhảy việc” cũng không dễ vì “vướng” phải thông tư từ Bộ GTVT”.
Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, nếu theo quy định của Bộ luật lao động, thì người lao động có quyền nghỉ việc và báo trước 45 ngày. Tuy nhiên, tại Thông tư 41/2015/TT-BGTVT ngày 12/8/2015 về việc chấp dứt lao động có ghi: “Nhân viên hàng không trình độ cao có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người khai thác tàu bay, tổ chức bảo dưỡng tàu bay 120 ngày trước ngày dự kiến chấm dứt hợp đồng…”. Tuy nhiên, quy định nói trên đã bãi bỏ theo Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Như vậy, việc giữ lại 120 ngày của Vietnam Airlines và Cục hàng không Việt Nam không cấp bằng cho phi công vì chưa chấm dứt hợp đồng là chưa hợp lý.
Ông Võ Huy Cường cũng cho biết thêm, liên quan đến tính hợp pháp, hợp lý của Thông tư 41/2015/TT-BGTVT ngày 12/8/2015 và Thông tư số 21/2017/TT-BGTVT ngày 30/6/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT: Bộ GTVT đã có ý kiến chính thức báo cáo Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình tại công văn số 5772/BGTVT-PC ngày 31/5/2018 của Bộ GTVT và khẳng định tính hợp pháp của các văn bản này.
Ngoài ra, trong văn bản ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương có nêu: Việc Vietnam Airlines còn yêu cầu phi công muốn “nhảy việc” thực hiện bồi hoàn: Chi phí đào tạo và chi phí phá vỡ hợp đồng. Mức bồi hoàn tuỳ thuộc vào các trường hợp cụ thể. Như vậy, phi công phải chịu 120 ngày báo trước và chi phí phá vỡ hợp đồng là chưa hợp lý.
Lãnh đạo Cục Hàng không cho biết, đối với các điều kiện chấm dứt hợp đồng, các hãng hàng không nói riêng và các tổ chức nói chung có hợp đồng lao động quy định trách nhiệm dân sự giữa cá nhân và tổ chức.
“Như vậy, Cục Hàng không Việt Nam hiện đang thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về nội dung chuyển đối nhà khai thác và không có có thẩm quyền can thiệp việc thực hiện hợp đồng dân sự về trách nhiệm bồi hoàn huấn luyện đào tạo của các phi công và hãng hàng không”, ông Cường nói.
Theo Chính phủ