Trang chủ Tin Tức Phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương và những điểm...

Phiên tòa xét xử bác sỹ Hoàng Công Lương và những điểm đáng chú ý

650

Con số tử vong chính xác trong sự cố chạy thận là 9 người
Trong phiên xét xử sáng 18/5, luật sư Nguyễn Hoàng Trung (luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị hại) cho biết, số nạn nhân bị tử vong trong vụ án trên không phải là 8 mà là 9 bệnh nhân.
“Tôi xin đính chính là trong vụ án này, số nạn nhân tử vong vì tai biến chạy thận là 9 người. Người vừa mới không qua khỏi là ông Phạm Ngọc Trung. Tôi đã đăng ký bổ sung là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia định nạn nhân thứ 9 và đã được HĐXX chấp thuận”, luật sư Trung nói.
Chia sẻ với báo chí, luật sư Trung cho biết, người tử vong thứ 9 là nam bệnh nhân ở TP. Hòa Bình. Nạn nhân này tử vong vào cuối năm 2017 và sau đó gia đình đã nhờ luật sư Trung bảo vệ.
Luật sư Trung cho biết, nạn nhân trước đó là 1 trong 18 người bị tai biến trong vụ chạy thận. Sau đó, bệnh nhân được chuyển xuống BV Bạch Mai điều trị. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017 thì tử vong.
“Có những nạn nhân tử vong tại thời điểm xảy ra tai biến, nhưng có bệnh nhân một thời gian sau mới tử vong và trường hợp của nạn nhân thứ 9 là như vậy”, luật sư Trung nói.
Cụ thể, nạn nhân thứ 9 là Phạm Ngọc Trung (sinh năm 1961, trú tại H.Kỳ Sơn, Hòa Bình), tử vong cuối năm 2017. Ông Phạm Ngọc Trung cùng 17 người khác được đưa vào lọc máu tại đơn nguyên thận nhân tạo BVĐK Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Sau đó, cả 18 người cùng có những biểu hiện nôn nao, cả người mẩn ngứa và hôn mê. Ngay tại thời điểm đó đã có 8 người tử vong, nạn nhân trẻ nhất mới 36 tuổi.
Bất thường lời khai ‘sinh đôi’
Bước sang ngày làm việc thứ 4 (18/5) của phiên sơ thẩm xét xử tai biến chạy thận tại tỉnh Hoà Bình, phần đối chất giữa bị cáo Hoàng Công Lương, điều dưỡng Đỗ Thị Điệp và điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa, cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh Hoà Bình) được chú ý hơn cả. 
Luật sư Nguyễn Văn Chiến đề nghị được đối chất với bị cáo Hoàng Công Lương. Trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bác sĩ Hoàng Công Lương khẳng định điều tra viên đã đưa lời khai của trưởng khoa Hoàng Đình Khiếu để mình khai giống như vậy. “Bị cáo khai theo bản lời khai của ông Hoàng Đinh Khiếu”, bác sĩ Lương nhắc lại. 
Sau đó luật sư Chiến công bố trước HĐXX rằng đã có 2 biên bản lời khai của chị Điệp được lập cùng thời điểm 14h-15h30 ngày 15/7/2017 và đề nghị điều tra viên Nghĩa làm rõ, tại sao lại trùng thời gian? Ông Nghĩa trả lời: “Đã thể hiện rõ trong hồ sơ và tôi không giải thích gì thêm”.
Cụ thể, trong các lời khai của bác sĩ Hoàng Công Lương tại cơ quan điều tra có lời khai bác sĩ này thừa nhận được giao trách nhiệm quản lý tại đơn nguyên thận nhân tạo – Khoa hồi sức tích cực.
Luật sư Nguyễn Chiến cho rằng khi xem xét hồ sơ nhận thấy lời khai của bị cáo Lương và của ông Hoàng Đình Khiếu trong phần phân công nhiệm vụ tại buổi họp cuối năm 2015 có 2 đoạn hầu như giống nhau, hay gọi cách khác là “lời khai sinh đôi”.
Do vậy, luật sư Nguyễn Chiến tiếp tục chất vấn điều tra viên Bùi Tuấn Nghĩa về sự giống nhau trong 2 lời khai này. Trả lời luật sư, điều tra viên Nghĩa khẳng định đã hỏi cung theo đúng quy định pháp luật, không chuyển bất cứ tài liệu nào cho bị cáo Hoàng Công Lương trước khi lấy lời khai.
Nhiều nhân chứng quan trọng liên tục vắng mặt
Là một vụ án nghiêm trọng, một sự cố y khoa về chạy thận có nhiều người chết nhất xảy ra tại bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng suốt những xét xử vừa qua, ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện) đã vắng mặt vô thời hạn trước chốn “công đường” dù tòa đã nhiều lần có giấy triệu tập tới với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan tới vụ án.
Trước đó, tại ngày làm việc đầu tiên (16/5), ông Đỗ Quốc Quyền, người đại diện theo ủy quyền của ông Trương Quý Dương, xuất hiện tại tòa dưới sự chú ý đặc biệt của những người theo dõi vụ việc.
Trả lời báo chí khi đó, ông Quyền cho biết chính thức nhận được văn bản ủy quyền của ông Trương Quý Dương vào ngày 15/5. Trong những ngày ông Dương chưa kịp có mặt tại Việt Nam, ông sẽ đại diện có mặt tại tòa để làm việc bình thường.
Vị này khẳng định rằng sẽ cố gắng ghi chép lại những câu hỏi của HĐXX, VKS, LS… liên quan đến ông Trương Quý Dương, nếu nội dung nào nắm được và có sự ủy quyền thì sẽ trả lời, còn nội dung nào cần có sự hội ý của người ủy quyền thì sẽ gửi văn bản sau.
Tuy nhiên, ông Quyền chỉ có mặt trong ngày đầu tiên của phiên xử, khi nội dung làm việc chủ yếu là phần kiểm tra thủ tục và công bố cáo trạng. Kể từ ngày hôm sau (17/5), dù rất nhiều người muốn đặt câu hỏi nhưng ông Quyền đều không có mặt.
Không chỉ có vậy, Giám đốc của Công ty TNHH Thiên Sơn là đơn vị cung cấp hệ thống máy chạy thận và dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống này cũng vắng mặt tại toà.
Rõ ràng sự vắng mặt của ông Dương và Giám đốc Công ty TNHH Thiên Sơn tại tòa là điều rất bất thường vì đây là 2 cá nhân có pháp nhân và vai trò rất lớn liên quan tới vụ tai biến vì họ là những người ký kết hợp đồng kinh tế về việc hợp tác đặt máy chạy thận nhân tại tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cũng như liên quan tới các dịch vụ bảo trì, sửa chữa hệ thống.
Ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng viên trưởng của khoa Hồi sức tích cực tiếp tục xin vắng mặt trong chiều 18/5. Ông Công được xác định là người có vai trò “mấu chốt” trong việc xác định có hay không việc bác sĩ Lương được phân công phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Bởi ông Công chính là người ghi chép biên bản các cuộc họp giao ban của khoa Hồi sức tích cực, bao gồm cuộc họp giao ban cuối năm 2015.
Sự vắng mặt của các cá nhân nêu trên không chỉ gây bất lợi cho các bị cáo, nhất là đối với bác sĩ Lương mà còn khiến quá trình xét xử vụ án khó đảm bảo được “công bằng, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội” … như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Hơn nữa, việc vắng đồng loạt của các cá nhân có liên quan trên không chỉ khiến những người dân không quản ngại vất vả tới theo dõi phiên tòa mà tất cả dư luận, công đồng xã hội đều rất bức xúc, phẫn nỗ trước thái độ vô trách nhiệm, bỏ mặc đồng nghiệp và cấp dưới của một số người có trách nhiệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bày tỏ sự không hài lòng, LS Chiến đặt vấn đề tại sao phiên tòa càng về sau lại càng có nhiều người với vai trò quan trọng trong vụ án xin vắng mặt. LS Nguyễn Văn Chiến đã đề nghị HĐXX có biện pháp triệu tập nghiêm khắc hơn đối với những người này để đảm bảo quá trình xét xử diễn ra xuyên suốt. 
Bất ngờ về cuốn sổ phân công nhiệm vụ cho BS Lương
Trong phiên thẩm vấn chiều 18/5, luật sư, Viện Kiểm sát (VKS) và Hội đồng Xét xử (HĐXX) phiên tòa vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã tập trung hỏi về cuốn sổ giao ban có nội dung phân công bác sĩ Hoàng Công Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo.
Cuốn sổ này được coi là một trong những chứng cứ để các cơ quan tố tụng xác định trách nhiệm của bác sĩ Lương. Trong suốt những ngày qua, bác sĩ Lương liên tục khẳng định chỉ làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân, không phụ trách đơn vị này.
Bác sĩ Hoàng Công Tình – phó khoa Hồi sức tích cực BVĐK Hoà Bình đã cho HĐXX xem lại cuốn sổ giao ban năm 2016 ở cuối có nội dung phân công bác sĩ Lương phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, ông Tình cho biết mình chủ toạ buổi họp đó và đã ký vào biên bản cuộc họp trong sổ.
Nhưng ông Tình khẳng định buổi họp chỉ có nội dung bình xét công việc của cán bộ, viên chức chứ không có phần phân công nhiệm vụ. Ông Tình nói dòng phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương đã được ghi thêm vào.
Theo ông Tình, lý do có thể ghi thêm là vì ông ký cách với nội dung biên bản 3 dòng vì “tại buổi họp chưa bình xét hết cán bộ”.
Có 2 người có lời khai tại cơ quan điều tra nhưng không có mặt ở toà là bác sĩ Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Mạnh Linh, thể hiện tại đơn nguyên thận nhân tạo, bác sĩ Hoàng Công lương được giao phụ trách chung và phụ trách về chuyên môn, cũng phụ trách trực tiếp 2 bác sĩ còn lại, và là người ra y lệnh cuối cùng của mỗi ca chạy thận nhân tạo.
Tuy nhiên, bác sĩ Lương nói: “Lời khai của 2 bác sĩ như vậy là không đúng”. Bác sĩ Lương cho biết chỉ ký các hồ sơ bệnh án cùng 2 bác sĩ kia với tư cách người chia sẻ về chuyên môn.
Hương Nguyễn (t/h)