Trang chủ Tin Tức PTIT đề xuất triển khai giải pháp EzLife cho mô hình thành...

PTIT đề xuất triển khai giải pháp EzLife cho mô hình thành phố thông minh tại Hội An

788
Thông tin nêu trên vừa được Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – PTIT cho biết. Đoàn công tác của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đến làm việc với lãnh đạo Sở TT&TT tỉnh Quảng Nam và lãnh đạo UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) do PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc Học viện làm Trưởng đoàn.
PGS.TS Đặng Hoài Bắc, Phó Giám đốc PTIT phát biểu tại buổi làm việc ngày 8/8 với lãnh đạo Sở TT&TT Quảng Nam và lãnh đạo UBND TP.Hội An.

Là giải pháp do Viện Công nghệ thông tin & Truyền thông (CDIT) thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phát triển, EzLife là ứng dụng đô thị thông minh kết nối chính quyền và người dân đô thị với giải pháp kết nối 3 bên, bao gồm chính quyền, doanh nghiệp và người dân đô thị/khách vãng lai.
Đại diện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định, giải pháp EzLife sẽ góp phần giải quyết các vướng mắc và mang lại giá trị đồng thời cho các bên trong hệ sinh thái, làm cho suộc sống đô thị đơn giản hơn. EzLife sẽ là kênh tin tức quảng bá thông tin đến người dân, giúp chính quyền gần gũi và thông tin đến đúng đối tượng. Đồng thời, qua ứng dụng EzLife, người dân có thể phản ánh về các vấn đề như: giao thông, môi trường, trật tự an toán xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch vụ hành chính… với chính quyền một cách dễ dàng hơn.
Được biết, lợi thế của ứng dụng EzLife là có thể triển khai trên diện rộng rất nhanh chóng theo mô hình S.M.A.C (Social – Mobile – Analytic – Cloud Computing), với mức chi phí triển khai thấp, các cơ quan chính quyền hầu như không phát sinh chi phí. Quy trình vận hành khai thác đơn giản,chỉ cần trải nghiệm trong 30 phút là chủ động thực hiện được. Các tính năng được nâng cấp thường xuyên không ảnh hưởng đến hoạt động. Dễ dàng tích hợp với hệ thống Chính phủ điện tử qua API.

Cũng theo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, qua trao đổi và làm việc với các đơn vị của thành phố Hội An, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An đã đánh giá cao giải pháp đô thị thông minh EzLife của Viện CDIT trực thuộc Học viện. Đại diện lãnh đạo thành phố Hội An cho biết UBND Thành phố sẽ khẩn trương cùng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đưa ra lộ trình cụ thể để sớm triển khai giải pháp EzLife cho đô thị Hội An – một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của Việt Nam và thế giới những năm gần đây.

Lãnh đạo UBND TP.Hội An cho biết sẽ khẩn trương cùng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đưa ra lộ trình cụ thể để sớm triển khai giải pháp EzLife cho đô thị Hội An (Ảnh minh họa. Nguồn: zing.vn)

Là một đơn vị nghiên cứu trực thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, hiện nay Viện CDIT đang phát triển theo mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ. Trong xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những năm gần đây, Viện CDIT đã và đang triển khai một số dự án để góp phần đưa các nghệ mới của cách mạng 4.0 vào ứng dụng trong các đời sống, tiêu biểu như: ứng dụng công nghệ ảnh 360 độ và quét 3D vào việc xây dựng nội dung quảng bá sâm Ngọc Linh và giới thiệu du lịch tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vừa được triển khai tháng 5/2018; Hệ thống hỗ trợ đào tạo trực tuyến nhi khoa tiền lâm sàng dựa trên nền tảng công nghệ thực tế ảo nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo cho Bệnh viên Nhi Trung ương; hay Triển lãm số “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được nâng cấp từ sản phẩm bảo tàng ảo “Biển đảo Việt Nam” do Viện xây dựng từ năm 2014 theo yêu cầu của Bộ TT&TT nhằm số hóa các tự liệu của triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” đã được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước từ năm 2013.
Liên quan đến việc xây dựng các thành phố, đô thị thông minh, đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Một trong những nguyên tắc được Thủ tướng Chính phủ xác định rõ tại Đề án này là sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội; lấy người dân làm trung tâm, hướng tới mục tiêu để mọi thành phần trong xã hội có thể được thụ hưởng lợi ích, tham gia đầu tư xây dựng và giám sát, quản lý đô thị thông minh, góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam.
Cũng tại Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025 và định hướng đến năm 2030, bên cạnh các nhiệm vụ: chỉ đạo nghiên cứu, lập kế hoạch, lộ trình thực hiện phát triển đô thị thông minh trên địa bàn phù hợp quan điểm và nguyên tắc của Đề án, lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; xây dựng, tổ chức thẩm định, phê duyệt, bố trí ngân sách và huy động các nguồn vốn hỗ trợ, tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác theo phân cấp và quy định pháp luật hiện hành để triển khai thực hiện kế hoạch; rà soát, nghiên cứu, đăng ký các chương trình, kế hoạch thực hiện thí điểm, gửi cơ quan thường trực Đề án để phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện…, UBND các tỉnh, thành phố Trung ương cũng có trách nhiệm chỉ đạo UBND các đô thị trực thuộc nghiên cứu, lập kế hoạch thực hiện phát triển đô thị thông minh.