Trang chủ Tin Tức Qualcomm không phải là nạn nhân cuối cùng của xung đột thương...

Qualcomm không phải là nạn nhân cuối cùng của xung đột thương mại Mỹ – Trung

740
Tham vọng trở thành nhà sản xuất chip ô tô của Qualcomm đã kết thúc vào ngày 26.7, sau khi đề xuất tiếp quản hãng bán dẫn NXP Semiconductors trị giá 44 tỉ USD bị Bắc Kinh từ chối phê duyệt, trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ – Trung ngày càng sâu sắc. Thỏa thuận này được công bố lần đầu tiên vào tháng 10.2016 và đã được chấp thuận bởi các nhà quản lý ở tám khu vực pháp lý khác nhau, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) và Hàn Quốc.

Thất bại của Qualcomm có thể không phải là trường hợp cuối cùng khi Trung Quốc đang tìm cách để đối phó với mối đe dọa thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Theo Nikkei, vẫn còn một số giao dịch lớn khác liên quan đến các công ty Mỹ đang chờ Bắc Kinh thông qua.

tin liên quan

Qualcomm đang ‘chịu đòn’ từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Cụ thể, United Technologies, tập đoàn đa quốc gia của Mỹ chuyên nghiên cứu, sản xuất sản phẩm trong nhiều lĩnh vực như động cơ máy bay, hàng không vũ trụ, vũ khí quân sự, đã bắt đầu nhận thấy nguy cơ khi thương vụ mua lại Rockwell Collins trị giá 30 tỉ USD có khả năng bị chặn vì chiến tranh thương mại.

“Đó là điều mà bạn luôn phải suy nghĩ hoặc lo lắng”, Akhil Johri, giám đốc tài chính của United Technologies, nói.

Theo công ty nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường Dealreporter, bên cạnh United Techonologies, gói thầu của Walt Disney để quản lý tài sản giải trí của 21st Century Fox, đề xuất tiếp quản mảng kinh doanh hóa chất của Akzo Nobel từ phía Caelyle Group, và thương vụ mua lại nhà sản xuất sản phẩm xây dựng USG của Knauf cũng đang chờ Trung Quốc phê duyệt. Nổi bật nhất trong số đó là thỏa thuận giữa Walt Disney và Fox, vì Fox News Channel là kênh ủng hộ quan trọng của ông Trump.

“Bạn sẽ không thấy nhiều giao dịch diễn ra, đặc biệt trong ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng tôi hy vọng các giao dịch này sẽ được giữ lại, ít nhất cho đến khi Mỹ và Trung Quốc có những cuộc đối thoại tốt hơn” Angelo Zino, chuyên gia phân tích cổ phiếu của công ty nghiên cứu CFRA tại New York, nói.

Paul Triolo, người đứng đầu công nghệ địa chất tại Eurasia Group, gọi quyết định của Trung Quốc đối với Qualcomm là điều “bất ngờ”, cho thấy thái độ khó chịu hơn của Bắc Kinh dành cho Washington.

“Đáng lẽ ra đó nên là một cử chỉ thiện chí với Tổng thống Trump, đặc biệt sau khi ông ấy đã quyết định cứu ZTE. Có lẽ Bắc Kinh cho rằng họ không nhận được bất cứ điều gì từ Nhà Trắng, thậm chí ngay cả khi họ chấp nhận thỏa thuận này. Đây là một quyết định chính trị”, ông Triolo cho hay.

NXP là hãng sản xuất chip ô tô lớn nhất thế giới, vì vậy việc mua lại công ty này là canh bạc để đời đối với Qualcomm. Doanh thu của NXP lên đến 9,3 tỉ USD trong năm tài chính 2017. Nếu có được NXP, Qualcomm không chỉ trở thành hãng sản xuất chip ô tô lớn, mà còn có thể mở rộng, đa dạng hóa hoạt động khi thị trường điện thoại thông minh bão hòa.

Hiện tiềm năng của thị trường chip ô tô rất lớn. Dựa theo dữ liệu của hãng tư vấn tài chính Woodside Capital Partners, doanh thu của loại chip này đã tăng 26% trong năm lên 38 tỉ USD vào năm 2017. Gia tăng sản xuất xe điện và sự lan rộng của công nghệ tự lái trong tương lai sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với các loại chip ô tô.

Trung Quốc đang cố gắng phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip theo sáng kiến “Made in China 2025”. Mặc dù quốc gia châu Á đã kiểm soát 10% – 15% thị trường chip toàn cầu, nhưng con số này đã bị thổi phồng, vì sản lượng của Đại lục còn có sự đóng góp từ những công ty đến từ các thị trường khác như Taiwan Semiconductor Manufacturing và Samsung Electronnics. Nếu chỉ tính riêng các hãng chip trong nước, sản lượng của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 5% thị phần và tiêu chuẩn công nghệ vẫn bị bỏ lại phía sau một hoặc hai thế hệ, theo Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Thượng Hải.