Trang chủ Tin Tức “Reaction video” trên YouTube là gì, có ăn được không… mà sao...

“Reaction video” trên YouTube là gì, có ăn được không… mà sao ai cũng thi nhau làm?

815

Làn sóng làm “reaction video” (video phản ứng) trên YouTube đã du nhập vào Việt Nam được vài năm và hiện tại đang bất ngờ nổi lên như diều gặp bão, được những cái tên PewPew, ViruSs cho tới cả nhiều nhân vật mới nổi khác cũng thích “đu” theo. Chủ yếu những người dẫn đầu trào lưu đều là những cái tên đình đám trong làng streamer/YouTuber nước nhà, vốn cũng từng hot với nhiều thể loại nội dung video thu hút giới trẻ từ trước tới nay.

PewPew react với MV “Chạy ngay đi” của Sơn Tùng mới đây.

Dù vậy, cư dân mạng nhiều khi cũng hơi khó tính, xem đi xem lại xem mãi xem hoài mà vẫn chưa hiểu nổi mấy cái “reaction” có gì vui mà sao lắm người cứ đổ xô vào xem nhiều thế. Xét cho cùng, nó cũng chỉ là mình đang xem một người khác, trong khi người đó lại đang xem video của một người khác nữa rồi diễn trước ống kính, có phải thế là hết không?

Nguồn gốc của “reaction video”

Đúng như tên gọi của nó, chẳng có gì lắt léo ở đây cả, “reaction video” thật sự là các video phản ứng cảm xúc của một người đối với người, sự vật, sự việc khác. Các đối tượng được phản ứng nhiều nhất là phim truyền hình, trailer phim hoặc video của người khác. Người phản ứng có thể tự biên tự diễn với kịch bản sẵn trước máy quay, hoặc đó cũng có thể là một màn dàn dựng bí mật để quay lại cảm xúc tự nhiên hoàn toàn của họ (bởi một ai đó lên ý tưởng đằng sau, tất nhiên). Khi đó, họ sẽ muốn tập trung vào thể hiện cảm xúc của mình một cách thu hút, hài hước, vì hứng khởi và vui vẻ luôn dễ “hợp gu” nhất để thuyết phục cảm tình của người xem.Một trong những video phản ứng nổi lên đầu tiên là về cảm xúc của một cậu nhóc, khi cậu bị trêu cho sợ tởn đến già bởi một video trò chơi hù dọa. Giờ ít ai nhớ chính xác địa chỉ video đó là gì, nhưng nếu muốn tự mình thử làm nhân vật chính thì mời bạn xem hết clip ngắn sau, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác trở thành cậu nhóc đó luôn cho mà xem (nhớ bật max volume vì tiếng hơi bé):
Kể từ đó, phong trào này nhen nhóm dần và cứ ngày một phát triển. Năm 2011 chứng kiến một bước “tiến hóa” nữa của reaction video, khi làng YouTube chuyển hướng sang nhắm vào các trailer phim điện ảnh, nhiều đến độ đi đâu trên YouTube cũng thấy. Cứ tựa phim nào có sức hút là dân mạng tha hồ vào react mổ xẻ, đỉnh điểm nhất khi đó là các tập phim của series “Game of Thrones” đối với các mọt phim quốc tế vào năm 2013.

Lí do gì mà dân mạng thích xem reaction video?

Ban đầu, ai cũng có thể nghĩ rằng “Chắc là chúng hài hước và ăn nói có chất riêng thì thấy hay thôi”, hay là “Sao phải xem người khác phản ứng với một bộ phim trong khi mình có thể tự đi xem phim đó luôn?”, nhưng sự thực thì chi li và phức tạp hơn thế nhiều, thậm chí còn có cơ sở khoa học hẳn hoi.– Hiệu ứng “gương phản chiếu” của bộ não:Năm 1990, một nhóm các nhà nghiên cứu của Ý phát hiện ra rằng khi loài khỉ tìm và lấy thức ăn, một loại tế bào não của chúng sẽ được tác động và kích thích. Tuy nhiên, không dừng ở đó, kể cả khi những con khỉ này chứng kiến hành động lấy thức ăn của con người hoặc ai khác chứ không phải mình, chúng cũng được kích thích tương tự. Từ đó, họ tin rằng điều đó cũng xảy ra ở chúng ta mỗi khi tự làm hoặc chứng kiến người khác làm điều gì đó hứng thú giống thế – gọi đó là hiệu ứng “gương phản chiếu” trong não.

Zero9 cũng là một chủ đề hot cho các streamer trên YouTube đua nhau react.

Điều này cũng giống như khi ai đó cảm thấy buồn bã, tâm trạng chúng ta cũng u ám theo; hoặc khi người ta vui, không khí xung quanh cũng đầy phấn khởi và thích thú hơn nhiều. Tiến sỹ Aziz-Zadeh từ Đại học South California còn cho biết: “Đó cũng là một biểu hiện hướng đến mục đích hòa nhập, tương tác cộng đồng và thấu hiểu lẫn nhau dù là giữa 2 người hoàn toàn xa lạ.”– Đồng cảm như 2 “đồng chí”:Từ trước tới nay, những video hài hước mà nổi bật trên Internet thường tập trung vào 2 yếu tố: Nội dung càng ngớ ngẩn gây cười càng tốt, và thời gian càng ngắn và tối giản càng dễ gây ấn tượng nhanh. Tuy nhiên, reaction video thì không hề đáp ứng đủ 2 điều kiện ấy, vì sao nó vẫn cứ ngày một phất lên?
Trả lời cho câu hỏi đó, sự đồng bộ cảm xúc chính là một nguyên nhân quan trọng cho việc reaction video có một sức hút kỳ lạ đến khó hiểu. Có lẽ nhiều khi chúng ta còn phải tự hỏi “Sao nãy giờ mình vẫn xem nó mà chưa tắt đi vậy”, mà không nhận ra rằng chính những biểu cảm bộc lộ của nhân vật trong video đã trở thành một công cụ “bẻ lái” cảm xúc của chúng ta rất hiệu quả.

Pewdiepie – YouTuber nhiều subscribe nhất thế giới thậm chí còn… react lại với chính video cũ của mình.

Andrea Weinstein, nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế San Francisco cho biết: “Khi ta chứng kiến ai đó bộc lộ cảm xúc được cường điệu hóa hơn mức bình thường, chúng ta sẽ dễ hiểu con người họ hơn vì phản ứng công khai đó đã tiết lộ một phần tính cách của họ, không hề ó tính chất giấu giếm.”
Chúng ta thường có xu hướng muốn được làm quen và hiểu nhau rõ hơn, dù cho đó là một người lạ ở cách xa vạn dặm và chỉ nhìn thấy nhau qua màn hình máy tính. Việc hiểu nhau sẽ có phần dễ dàng nhờ các reaction video vì 2 yếu tố xâu chuỗi nhau: Cảm xúc của người làm video được bộc lộ rất rõ rệt, thậm chí là thái quá; và chúng ta cũng cho rằng mình sẽ làm như vậy nếu ở trong tình huống của họ.– Không ai muốn ở một mình cả:Đúng thế, lại là một nguyên do nữa liên quan đến cảm xúc tận sâu đáy lòng của chúng ta, đúng là con người quả thật phức tạp không kể nam hay nữ mà. Mỗi reaction video sẽ gồm một người ngồi trước camera để “thao thao bất tuyệt” và bày tỏ cảm xúc về một thứ khác. Thế nhưng, những người đó không nói để cho cái camera nghe, mà để cho hàng tá khán giả khác đang theo dõi video.

Cày cả ngày trong nhà để xem reaction video cũng không có gì là bất bình thường nếu như bạn thích nó.

Hầu hết những YouTuber làm reaction video thành công đều có cách dẫn dắt và nói chuyện rất “có duyên”, phù hợp với đối tượng người xem đông đảo mà họ nhắm đến. Cảm giác cứ như thể một người bạn từ trên trời rơi xuống sẵn sàng lôi ra một chủ đề thú vị để ngồi nói cả ngày. Thế thì bảo sao mà không nhiều người ùn ùn đổ vào xem cho được.
Như vậy chắc là để bạn đủ hiểu vì sao có những ngày mình lại ngồi cả buổi xem video người ta “hỉ nộ ái ố” với video của người khác mà mãi không chán. Dù sao thì điều đó không có gì là sai và khó hiểu cả, chỉ đơn giản là tiêu khiển trong thời gian rảnh với một người sẵn sàng “chém gió” cùng thôi.