Bên cạnh ngôi sao mới nổi 2700X thì AMD cũng tung ra phiên bản Ryzen 2000 series dành cho thị trường tầm trung với mã 2600X. Đây cũng chính là đối trọng trực tiếp của các CPU Intel từ i5-8600K đến i7-8700. Với số nhân – luồng khủng cùng mức xung đang dần được nâng cao rõ rệt, AMD Ryzen đang đe dọa đến thị trường tầm trung mà Intel đang chiếm lĩnh vô cùng quyết liệt.
Một chiếc CPU mạnh không thể đứng một mình mà thiếu đi bo mạch chủ tốt. Trong trường hợp này, chúng tôi xin gợi ý một bo mạch cực khủng dành dành cho game thủ được chúng tôi đánh giá rất cao đến từ Gigabyte với mã X470 Aorus Gaming 7 Wifi.
Phần hộp của chiếc bo mạch chủ này khá lớn nhưng vẫn giữ nguyên công thức thiết kế cơ bản của dòng sản phảm dành cho game thủ Aorus. Thông qua những thông tin trên phần vỏ ngoài này, chúng ta có thể thấy được đây là chiếc bo mạch chủ rất cao cấp với nhiều tính năng vô cùng hấp dẫn cho người dùng.
X470 Aorus Gaming 7 vẫn trung thành với phối màu chủ đạo là mạch đen, heatsink nhôm phay xước kết hợp sơn đen và các line màu cam tạo điểm nhấn. I/O Cover kết hợp với các tấm heatsink nổi khối rất ngầu và chất.
Mạch VRM cấp nguồn cho CPU khá hoành tráng với 10 + 2 phase Digital với mosfet được làm mát bởi dàn tản nhiệt được cấu tạo từ những lá nhôm mỏng giống như trên các cục tản nhiệt khí. Để truyền nhiệt thì một ống đồng tiếp xúc trực tiếp với mosfet và nối 2 cụm lá nhôm phía trên tạo ra hệ thống tản nhiệt thụ động rất tỉ mỉ và mát. Chưa hết, khi lật mặt sau của chiếc bo mạch chủ, chúng ta còn thấy sự xuất hiện của một tấm giáp để giải phóng nhiệt năng từ phía sau của mạch VRM. Điều này khiến chúng tôi cảm thấy tò mò về độ mát của bo mạch chủ này khi ép xung.
Hầu hết các khe cắm dài của bo mạch chủ đều được bọc kim loại và gia cố rất chắc chắn. Cả 2 khe M.2 đều được trang bị tấm tản nhiệt đen cực chất nữa. X470 Aorus Gaming 7 Wifi được đầu tư trang bị từ A đến Z để trở thành một phiên bản flagship hoàn hảo của Gigabyte.
Cũng giống như các bo mạch chủ khác của Gigabyte Aorus, bên cạnh những tụ vàng và mạch độc lập thì đặc sản của thương hiệu này dành cho các game thủ là một chất lượng âm nhạc cực chuẩn với 4 tụ đỏ WIMA – loại tụ được sử dụng trong trên các amplifier âm thanh hi-fi.
Hệ thống bo mạch chủ X470 Aorus Gaming 7 được trang bị dual Bios, đèn LED báo lỗi và rất nhiều chân cắm quạt để trang bị cho những hệ thống ép xung đỉnh cao.
Các chân cắm mở rộng dành cho khu vực front panel cũng rất đầy đủ không thiếu thứ gì.
Ở khu vực I/O với tấm chặn main được gắn cố định trên bo mạch chủ tránh được khả năng thất lạc khi di chuyển hoặc tháo rời máy móc. Hệ thống cổng cắm cũng đầy đủ và đa dạng. Đặc biệt là số lượng cổng USB lên đến con số 8 và toàn là cổng tốc độ cao USB 3.0 và 3.1. Dưới cùng là hệ thống cổng dành cho âm thanh. Có 2 nút bấm đặc biệt trên khu vực I/O dành cho các trường hợp khẩn cấp là nút Power và Clear CMOS. Một chiếc antenna Wifi cũng được đặt ở khu vực này.
Khi nói về hệ thống LED của Gigabyte Aorus, ngoài những dải LED RGB được trang bị ở I/O Cover, PCH heatsink và các khe cắm thì một vị trí rất đặc biệt nữa là thanh dẫn sáng nằm ở cạnh phải của bo mạch chủ sẽ có khả năng tùy biến phong phú với những hiệu ứng ánh sáng cực chất.
Sau khi đập hộp bo mạch chủ Gigabyte X470 Aorus, chúng ta sẽ thực hiện thử nghiệm sức mạnh của Ryzen 5 2600x
Cấu hình thử nghiệm:
Main: Gigabyte X470 Aorus Gaming 7 Wifi
CPU: AMD Ryzen 5 2600X
RAM: G.Skill Sniper X DDR4 2x8GB bus 2666
VGA: Nvidia GeForce GTX 1080
SSD: Plextor M8PeY 1Tb
PSU: Seasonic Prime Gold 1000W
Bài test 1: Nhiệt độ vận hành
Tiếp tục sử dụng chiêu bài Wraith Prism của AMD, chúng tôi đã thấy được sự khả quan hơn trong nhiệt độ của những chiếc CPU AMD trong những hệ thống tầm trung.
Với hầu hết các tác vụ nặng, 2600X được đẩy lên mức xung 4.1GHz thì nhiệt độ CPU được duy trì ở mức 68 độ trong khi mạch VRM của X470 Aorus Gaming 7 lại quá mát, chỉ 41 độ mà thôi
Bài test 2: Benchmark
Rõ ràng là với mức giá thấp hơn nhưng các tác vụ căn bản và render trên 2600X vượt xa 8600K ở hầu hết mọi bài test. Đây đúng là điều mà Intel thực sự phải lo lắng rồi đây
Bài test 3: Gaming
Cũng tương tự như 2700X, chúng tôi không kì vọng nhiều vào phiên bản thấp hơn này của AMD. Nhưng không phải là 2600X không thể chơi game. Đặc biệt là những tựa game có số lượng quân đông đòi hỏi Physical Process hơn là Graphic
Tổng kết:
Ryzen 2600X đúng là một CPU giá tốt dành cho những sinh viên chăm học tập. Vi xử lý này hoàn toàn ổn áp với các bạn chuyên ngành thiết kế, đồ họa và mĩ thuật. Với mức giá mềm và hiệu năng thật vượt trội so với Intel, 2600X sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình từ người dùng máy tính hiện nay.
Còn với Gigabyte X470 Aorus Gaming 7 Wifi, đây là một bo mạch chủ mạnh mẽ mà 2600X chưa hẳn là xứng tầm với nó. Nhưng để có thể vận hành hết khả năng của dòng CPU 2000 series thì những bo mạch chủ X470 như Aorus Gaming 7 Wifi là mảnh ghép không thể thiếu.