Trang chủ Tin Tức Sau tai thỏ, đâu là xu hướng thiết kế của smartphone năm...

Sau tai thỏ, đâu là xu hướng thiết kế của smartphone năm 2018?

652
Nếu “tai thỏ” là xu hướng thiết kế của làng di động thế giới năm 2017 thì trong năm 2018 này, các nhà sản xuất đang tìm cách gây hứng thú với người dùng bằng một điều gì đó mới mẻ hơn.
Có rất ít điện thoại cao cấp tạo được ấn tượng trong thời gian vừa qua, dù chúng đều là những thiết bị được đánh giá cao về tính năng và sở hữu cấu hình đáng mơ ước. Một số nhà sản xuất hiểu được điều này đã cố gắng đưa vào một chút điểm nhấn cho điện thoại của mình.

“Bán trong suốt” – đủ “lạ” để thành xu hướng?
HTC U11+ được trình làng vào cuối năm 2017, là chiếc điện thoại nổi bật với thiết kế “bán trong suốt” (translucent) ở mặt sau, giúp người dùng có thể nhìn thấy toàn bộ linh kiện bên trong của máy. Năm nay, HTC tiếp tục ra mắt U12+, một phiên bản có thiết kế tương tự với vẻ ngoài màu xanh trong suốt tuyệt đẹp.

Với thiết kế bề mặt chất lỏng đỉnh cao, HTC U12+ xứng đáng nằm trong danh sách những chiếc điện thoại đẹp nhất năm 2018. Ảnh: Engadget.

Xiaomi cũng rất nhanh tay khi vừa ra mắt Mi 8 sở hữu phong cách thiết kế tương tự. Nhà sản xuất đến từ Trung Quốc thậm chí còn chủ động “biến tấu” mặt sau nhằm tăng yếu tố thẩm mỹ cho chiếc máy này.
“Bán trong suốt” thực chất không phải ý tưởng mới. Từ cuối những năm 90, phong cách này đã được giới thiệu thông qua khá nhiều dòng sản phẩm như điện thoại, loa hay một vài thiết bị công nghệ khác, mà tiêu biểu nhất trong số đó có thể kể đến chính là máy tính iMac.
Sự “hồi sinh” bất ngờ ngay tại thời điểm này hoàn toàn có thể giúp “bán trong suốt” trở thành một xu hướng thiết kế tiềm năng trong năm nay. 

Màu mới được “khai sinh”? 
Một phong cách khác cũng gây được sự chú ý là “thiết kế phản quang”. Theo đó, nhờ lớp phủ quang học, màu sắc của máy sẽ liên tục thay đổi tùy theo góc nhìn và độ khúc xạ ánh sáng, nhờ vậy người dùng sẽ nhìn thấy được nhiều màu khác nhau. Tiêu biểu như Huawei P20 Pro với thiết kế màu “chạng vạng” (Twilight) lấy cảm hứng từ hiện tượng cực quang.

Huawei P20 Pro gây ấn tượng nhờ thiết kế phản quang mới lạ. Ảnh: Engadget.

Đối với ngôn ngữ thiết kế, màu sắc là yếu tố luôn tạo được sức hút và có thể tạo nên xu hướng một cách nhanh chóng. Cách đây 5 năm, đó là màu vàng (gold). iPhone 5s với màu champagne tuy không phải là chiếc điện thoại vàng đầu tiên, nhưng đó là “nguồn cảm hứng” cho các nhà sản xuất di động toàn cầu.
Vàng là màu của sự sang trọng và vương quyền, gắn liền với văn hóa của các nước châu Á, nhất là đối với Trung Quốc, một trong những thị trường di động lớn và tiềm năng lúc bấy giờ. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngay sau đó, hầu hết nhà sản xuất đều chuyển hướng trọng tâm sang nguồn khách hàng tiềm năng đến từ quốc gia này.
Vài năm sau đó, sự đổ bộ của màu vàng hồng (rose gold) – gam màu độc đáo chưa từng xuất hiện trước đó, đã nhanh chóng khiến cả thị trường di động thế giới “quay cuồng”. 
Hay các thiết kế cũ sẽ bất ngờ “hồi sinh”?
Cách đây rất lâu, tất cả mọi người trừ BlackBerry luôn cho rằng thiết kế kiểu mẫu dành cho một chiếc điện thoại nhất định phải là hình chữ nhật với các góc được bo tròn và một màn hình cảm ứng. Phong cách thiết kế là cực kì quan trọng. Để bán được hàng, nhiệm vụ của các là đảm bảo thiết bị của họ phải trông thật sự thu hút ngay từ ánh nhìn đầu tiên. 

Motorola V70 – chiếc điện thoại với thiết kế xoay 360 độ độc đáo, từng được giới thiệu vào năm 2002. Ảnh: Engadget. 

Đó là thời đại của những “biểu tượng thiết kế” như Nokia 5510 – chiếc điện thoại đầu tiên của Nokia mà người dùng có thể tùy biến thiết kế theo ý thích bằng cách thay đổi vỏ mặt trước. Ngoài ra, cũng có thể nhắc đến “huyền thoại” Motorola RAZR với độ mỏng và nhẹ đến khó tin ngay tại thời điểm ra mắt lúc bấy giờ. 
Được giới thiệu vào năm 2003, Nokia 7600 đại diện cho một phong cách thiết kế tươi vui trong buổi đầu của thời đại smartphone. Sau đó, Nokia tiếp tục cho ra đời những chiếc điện thoại có thiết kế “kỳ quặc” như dòng N-Gage dành cho người yêu game hay Nokia 7600 nhỏ nhắn “không tưởng”.

Nokia 7600 với hình dáng tựa như một chiếc lá, được trình làng vào năm 2003. Ảnh: Engadget. 

Bên cạnh đó, điện thoại nắp gập (flip phone) vẫn còn phổ biến ở nhiều nước châu Á. Điều đó cũng phần nào lý giải vì sao Nokia 3310 và Nokia 8110 mới được Nokia làm mới trong năm 2018 vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm dù bộ đôi này không sở hữu nhiều tính năng sáng giá. 
Không chỉ tha thiết với những lối thiết kế mang tính biểu tượng gắn liền với yếu tố kỷ niệm, người dùng vẫn luôn khao khát một điều gì đó mới mẻ hơn. Các hãng điện thoại đau đầu vì không biết phải chiều lòng khách hàng bằng những sản phẩm có thiết kế độc đáo như thế nào.
Màn hình dẻo với các cạnh bên linh hoạt hay máy quét vân tay ở mặt sau đều đã không còn mới mẻ. Chỉ có những yếu tố “lạ” như màu vàng hồng hay “tai thỏ” mới thật sự thu hút đám đông.
Hiện tại, hầu hết điện thoại thông minh mới được tung ra thị trường trong năm nay đều chưa tạo được điểm nhấn. Nếu đặt những chiếc điện thoại cao cấp như LG G7 ThinQ, Sony Xperia XZ2 hay OnePlus 6 cạnh nhau, người dùng khó lòng nhìn thấy sự khác biệt. Nhất là khi các nhà sản xuất đang dần “bí ý tưởng” và chưa tạo được sự đột phá đáng kể nào trong thiết kế.
Một vài xu hướng thiết kế có thể sẽ biến mất trong năm nay. Phong cách thiết kế nào sẽ lên ngôi và được nhắc đến nhiều nhất trong năm 2018 hiện vẫn còn là câu hỏi hóc búa rất được mong chờ. 

VietBao.vn