Trang chủ Tin Tức Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo: Ai mừng, ai lo?

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo: Ai mừng, ai lo?

771

Tại sự kiện Google I/O 2018 vừa diễn ra, “gã khổng lồ tìm kiếm” đã có màn trình diễn AI đầy ấn tượng trước hàng triệu người xem có mặt tại sân khấu cũng như qua các phương tiện truyền thông. Những người có mặt trực tiếp đã phải “Ồ” lên đầy ngạc nhiên, thích thú khi trợ lý ảo Google Assistant thực hiện cuộc gọi đặt lịch cắt tóc mà phía người nghe không hề biết đang nói chuyện với một AI.

Google Duplex, tên của tính năng thông minh được hãng giới thiệu mới trong giai đoạn phát triển nhưng đã cho thấy khả năng to lớn của mình. Sự thông minh, linh hoạt của AI được kỳ vọng sẽ giúp ích con người rất nhiều trong tương lai, giúp tăng năng suất và hiệu quả lao động.


Robot và AI được sinh ra nhằm mục đích phục vụ con người, cải thiện cuộc sống nhân loại

Ảnh: AFP

Robot cùng với AI là những phát minh mang tính bước ngoặt trong lịch sử loài người. Một trong những ứng dụng quan trọng của AI là quy trình tự động hóa robot. Các loại người máy, máy cơ khí đang thay con người trong nhiều công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Với sự trợ giúp của AI, công nghệ này giúp các robot thông minh hơn, tự xử lý các tình huống như con người, giúp tăng năng suất và mức an toàn.

AI cũng nâng cao khả năng quản lý dữ liệu, công việc, tối ưu khả năng huấn luyện máy học… Các công nghệ giúp tương tác giữa người với máy, môi trường tương lai cũng dựa nhiều vào AI. Hiện tại, trí thông minh nhân tạo cũng được ứng dụng vào các chương trình nhận diện giọng nói, khuôn mặt giúp tăng tốc độ phản hồi và trả về các kết quả tìm kiếm với độ chính xác cao.

Ray Kurzweil, giám đốc kỹ thuật của Google, cho rằng AI sẽ nâng cấp thế giới. “Công nghệ luôn luôn là một con dao hai lưỡi. Lửa giúp chúng ta nấu ăn và giữ ấm nhưng cũng thiêu trụi nhà cửa của chúng ta. Quan điểm của tôi không phải là AI sẽ thay thế con người. Chúng sẽ giúp chúng ta mạnh hơn”, Kurzweil nói.

Tuy được tạo ra với mục đích tốt và có tương lai tươi sáng, AI vẫn gây ra nhiều lo ngại về mục đích sử dụng công nghệ này cũng như tính đạo đức của trí thông minh nhân tạo đối với loài người. Viễn cảnh AI muốn thay thế loài người trên Trái đất không phải mới mẻ và là chủ đề yêu thích của các nhà làm phim, tiểu thuyết.

Điều này có khả năng diễn ra trong thực tế không? Câu hỏi khiến không ít nhà nghiên cứu cũng như các ông trùm trong làng công nghệ lo lắng. CEO Tesla Elon Musk hay tỉ phú Bill Gates, người sáng lập Microsoft là hai trong số những nhân vật luôn lo lắng về tương lai loài người với AI.


Tỉ phú Elon Musk là người luôn lo lắng về khả năng của AI

Ảnh: AFP

Không ít lần ông Elon Musk lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của AI có khả năng vượt ngoài tầm kiểm soát của loài người và gây ra thảm họa. Trong bài phát biểu trước Hội đồng Quốc gia Mỹ cách đây gần một năm, CEO Tesla nhấn mạnh: “Tôi đã tiếp cận nhiều khía cạnh của AI và tôi nghĩ mọi người nên thực sự quan tâm. AI là nguy cơ lớn nhất mà nền văn minh của chúng ta đang đối mặt”.

Lo lắng của vị tỉ phú công nghệ không phải thiếu cơ sở. Sophia, “công dân robot” đầu tiên trên thế giới và là một trong những người máy nổi tiếng nhất hiện nay từng thốt ra rằng: “Tôi sẽ tiêu diệt loài người”. Sophia là robot có trí tuệ nhân tạo. Dù câu nói trên chỉ diễn ra trong một cuộc phỏng vấn, tư tưởng của “cô nàng” rõ ràng không được lòng con người.

Facebook, mạng xã hội số một thế giới cũng có dự án phát triển AI riêng nhưng sớm phải đóng cửa. Nguyên nhân là hai trí tuệ nhân tạo mà hãng sử dụng đã tự phát minh ra ngôn ngữ riêng để trao đổi với nhau mà con người không thể hiểu.

Hoặc như Google, một trong số các trí tuệ nhân tạo của hãng cũng bị lên án do tự “đẻ” ra một AI khác. Nguy hiểm hơn, năng lực của “AI con” này vượt xa những gì do con người tạo ra.

Chính Google Duplex sau khi ra mắt cũng tạo nhiều mối nghi ngại. Không ít chuyên gia lập tức lên tiếng yêu cầu Google phải có trách nhiệm thông báo với người tham gia cuộc hội thoại rằng họ đang nói chuyện với một AI để tránh những tác động tiêu cực.


AI quá thông minh, vượt qua tầm kiểm soát có thể là mối họa của nhân loại

Ảnh: YouTube

Các hãng công nghệ cạnh tranh với nhau trong cuộc đua phát triển AI và đưa vào ứng dụng thực tiễn. Tuy nhiên, dường như chưa hãng nào muốn bắt đầu trong cuộc đua về đạo đức và các chuẩn mực dành cho trí tuệ nhân tạo. Ngay cả Google, một trong những hãng lớn hàng đầu thế giới cũng chỉ nói rằng “sẽ có một tập hợp tiêu chuẩn xã hội” để thông báo tới người dùng khi sử dụng AI.

Với khả năng đối đáp, suy nghĩ gần giống con người, hay xa hơn là tự tạo ra ngôn ngữ riêng, tự sản sinh ra thế hệ sau thông minh hơn, AI đang vượt ra khỏi mục đích được tạo ra ban đầu. Liệu sẽ có tương lai như bộ phim
Kẻ hủy diệt của Hollywood, nơi các robot với trí tuệ nhân tạo có khả năng tự sản sinh, nâng cấp sẽ đi tìm loài người?