Trang chủ Tin Tức Tài xế Uber tại Mỹ bị tố cố tình đưa khách tới...

Tài xế Uber tại Mỹ bị tố cố tình đưa khách tới sai địa điểm, nhốt khách ở trong xe

727
Vào ngày 17/4 vừa qua, Nancy Leong, giáo sư luật tại Đại học Denver, Mỹ đã kể lại chuyến đi Uber đầy kinh hoàng trên trang Twitter cá nhân của mình.
“Những gì Nancy mô tả thật khủng khiếp và không thể chấp nhận được. tài xế này đã bị chặn ứng dụng Uber và chúng tôi đang tiến hành điều tra”, một phát ngôn viên của Uber nói với trang Business Insider. Uber nói hãng đã liên hệ cả Leong và tài xế để điều tra. Đại diện của Đại học Denver cho biết Leong hiện không muốn trao đổi với báo chí về những trải nghiệm của cô.
Có vẻ như Leong đã xóa tài khoản Twitter chỉ vài giờ sau khi câu chuyện bắt đầu lan rộng.
Tuy nhiên, theo những lời tweet trước đó, Leong lẽ ra phải được đưa đến sân bay nhưng tài xế Uber của cô đã cố tình đi sai đường và rời khỏi đường cao tốc. Người này thậm chí còn nói sẽ đưa cô ấy đến một khách sạn. Khi chiếc xe dừng đèn đỏ, Leong kể, tài xế Uber đã lờ đi yêu cầu mở cửa của cô.
Cuối cùng, anh ta cũng để Leong rời khỏi xe sau khi cô bắt đầu đập cửa và hét lên, thu hút sự chú ý của một số công nhân xây dựng gần đó. Khi Leong yêu cầu tài xế mở thùng xe để lấy vali, tài xế đã ra khỏi xe và tiến về phía cô. Sự có mặt của các công nhân xây dựng đã khiến người này phải chấp nhận bỏ đi.
Tuy nhiên, Leong vẫn tỏ ra khá hoảng sợ khi tài xế này biết địa chỉ nhà của cô, vì cô đặt xe tại nhà của mình.
Khoảng một giờ sau khi các bài đăng của Leong lên Twitter, một đại diện của Uber Support đã trả lời bình luận, nói rằng công ty đã nghiêm túc xem xét vấn đề này và yêu cầu Leong liên lạc để hỗ trợ việc điều tra. Thông thường, trong những trường hợp như vậy, Uber chặn cả tài xế và khách hàng khỏi hệ thống khi cuộc điều tra đang được tiến hành. Tuy nhiên, trong tình huống này, chỉ có tài xế bị chặn.
Đây không phải là lần đầu tiên sự cố như thế này xảy ra. Năm 2014, một phụ nữ ở Orlando đã cáo buộc một tài xế Uber sờ vào ngực cô. Cô đã phải yêu cầu tài xế đó dừng lại và tiếp tục lái xe vì sợ người này nổi giận.
Vào năm 2015, một phụ nữ đã bị tài xế Uber ở Delhi đánh đập và cưỡng hiếp. Uber sau đó đã đình chỉ tài xế này, và người phụ nữ đã đâm đơn kiện công ty nhưng cuối cùng lại từ bỏ vụ kiện.
Sau sự cố tại Delhi, Uber đã giới thiệu một tính năng “nút hoảng loạn” (panic button) trong ứng dụng dành cho người đi xe ở Ấn Độ, cho phép khách hàng gọi cho cảnh sát một cách kín đáo. Tính năng “nút hoảng loạn” đã được triển khai cho ứng dụng Uber ở Hoa Kỳ chỉ trong tuần trước.
Ngoài các tính năng an toàn mới, Uber sẽ bắt đầu tiến hành kiểm tra lý lịch hình sự hàng năm đối với các tài xế tại Mỹ, với kế hoạch liên tục theo dõi tài xế để đảm bảo an toàn cho khách đi xe.
Hoàng Lan