Trang chủ Tin Tức Tầm quan trọng của óc tưởng tượng khi chụp hình

Tầm quan trọng của óc tưởng tượng khi chụp hình

781
Một bức ảnh có tính chất khác thường là do tính chất khác thường của bản thân người chụp nó. Chẳng phải do chủ đề chụp đâu! Bao đời nay chủ để của nhiếp ảnh – mà cũng như các loại hình mỹ thuật khác – xoay đi quẩn lại hầu như không thay đổi: nào là về con người, cuộc sống, đồ vật, thiên nhiên phong cảnh, sinh hoạt. Có gì khác hay khác thường đâu. Sự khác thường độc đáo của bức ảnh là bởi sự khác thường độc đáo tự thân người chụp thôi! Tính chất ấy chính là
óc tưởng tượng mà ra.

Ban đầu mới học chụp thì người chụp dễ bị ảnh hưởng từ việc học hỏi nơi người khác. Nhờ khả năng tưởng tượng mà họ vượt ra khỏi những khái niệm “đèm đẹp in dấu trong vô thức” ấy, tự tạo cho bản thân bức ảnh của riêng mình, chứa điều gì đó mới, ý tưởng mới, cách xử lý mới, hiệu quả mới, cách nhìn mới. Ngược lại, ai không có óc tưởng tượng, họ có thể đọc rất nhiều sách về chụp ảnh, học nhiều lớp dạy chụp ảnh, dự nhiều workshop hướng dẫn chụp ảnh, nhưng vẫn không thể làm gì hơn ngoài việc sao chép, nhai lại những gì họ từng nhìn thấy những bức ảnh đâu đó.

Ai cũng có thể học nhiều kiến thức chụp ảnh, khả năng xử lý kỹ thuật, thành thạo mọi thủ pháp… nhưng chẳng ai có thể học hay thủ đắc được óc tưởng tượng của người khác. Óc tưởng tượng ở mỗi người phong phú hay nghèo nàn luôn khác hẳn nhau.


Mắt nhìn thực tế không thể thấy những vệt kéo dài như thế. Máy ảnh với tốc độ trập tạo ra vệt, mà người chụp biết trước để chỉnh chụp ra cái ảnh như vậy.


Mắt nhìn thấy cánh buồm hậu cảnh, tưởng tượng có cái tàu bè đi ngang ít nhiều tạo sự liên kết cho ảnh thú vị dưới ánh sáng vàng buổi chiều xuống trên thành phố.


Từ xa thấy bé nhón chân kéo bạt để ngó gì bên trong. Trong đầu hiện ra một cảnh vật gì đó đàng sau tấm bạt thúc đẩy người chụp chạy tới, và… bấm.


GỢI Ý THỰC HÀNH

  • “trên – dưới – trước – sau – phải – trái – trước – sau”
    Chủ đề sẽ như thế nào nếu bạn nhìn từ nhiều góc độ khác nhau: trên xuống, dưới lên, bên hông, phía sau. Mình từng có câu “trên – dưới – trước – sau – phải – trái – trước – sau” (trước- sau về không gian và trước – sau về thời gian ánh sáng thay đổi khác nhau).


  • Tele hay Wide?
    Chủ đề sẽ như thế nào nếu lùi ra xa, chụp bằng ống kính tele? Cái gì xảy ra khi chụp bằng ống kính góc rộng?


  • Méo hay phẳng bẹt?
    Chủ đề sẽ như thế nào nếu góc chụp tạo phối cảnh phẳng bẹt phẳng lỳ hay là méo lệch thì tạo hiệu quả gì đối với chủ đề muốn diễn tả?


  • “Sáng mặt ăn tiền” hay Silhouette?
    Thay đổi hướng sáng, ánh sáng & bóng tối sẽ gây ấn tượng gì cho chủ đề không? Bóng đen (silhouette) kiểu ngược sáng có gì hay hơn không hay là “sáng mặt ăn tiền” thể hiện hết mọi chi tiết đối tượng?


  • Trắng đen hay màu?
    Chủ đề sẽ như thế nào nếu đó là ảnh trắng đen, hay là ảnh màu? Chính bạn phải có lý do và chọn. Anh em vui vẻ hay nói đùa: “nếu ảnh không nét, cứ chuyển qua trắng đen là tự dưng nó art “



Nếu không phải do bẩm sinh, thì hầu hết người chụp ảnh đều nhẫn nại tìm cách xử lý cách chụp khác những gì thường thấy người khác đã làm. Khắt khe với chính bản thân & bao dung với mọi người thế nào thì cũng khắt khe với kết quả chụp được từng ngày, tìm tòi thử nghiệm từng ngày, khơi dậy chi tiết tiềm ẩn nào đó của chủ đề. Bức ảnh giàu tính chất riêng sẽ dễ khiến người khác trầm trồ: “oh, sao mình không thấy góc đó ta!”

Xem sách ảnh uy tín giàu sáng tạo cũng là cách rèn luyện khả năng tưởng tượng. Hoặc tìm người có phong cách chụp mà mình yêu thích, theo học chụp. Giống như các sinh viên mỹ thuật, ban đầu học hỏi các tác phẩm của bậc thầy cổ điển. Chẳng có nghệ sĩ nào mà tác phẩm của họ, ít nhiều, chịu sự ảnh hưởng của người khác. Sự ảnh hưởng đó là kích thích cần thiết cho bước tập tễnh để phát triển cá tính về sau.

Nếu có thích thú hay ảnh hưởng phong cách ai đó, thì không có nghĩa là sao chép copy, rập khuôn bắt chước, nhai lại một cách thụ động. Hãy nên là “ảnh hưởng” theo nghĩa “có cùng cảm hứng”. Giá trị của một bức ảnh hay ho, độc đáo là nó có khả năng khơi dậy cảm hứng cho những bức ảnh độc đáo khác ra đời. Bức ảnh có tính chất khác thường hay bình dân gọi là ảnh độc đáo, lạ… thì thu hút sự chú ý người xem nhiều hơn bức ảnh bình thường.