Trang chủ Tin Tức “Tặng ngay 100 triệu nếu nghỉ việc” – Quy luật lạ lùng...

“Tặng ngay 100 triệu nếu nghỉ việc” – Quy luật lạ lùng ở Amazon và triết lý cao siêu phía sau

733

Amazon hiện đang là công ty thương mại điện tử hùng mạnh nhất thế giới, và họ có một chính sách không giống một ai dành cho những nhân viên đang không có ý định tiếp tục gắn bó với công việc: Cho họ tiền để nghỉ việc luôn!
Đây đã là một lề thói quen thuộc tại Amazon, thường trả một số tiền tối đa là 5000 USD cho những nhân viên chính thức toàn thời gian của mình khi họ rời công ty. Miễn là người đó có thâm niên làm việc từ 1 năm trở lên.
Nghe có vẻ hơi “sai sai”, nhưng đây không phải là cách thức lót tay hay ngầm ra hiệu rằng họ nhanh chóng nghỉ việc thì càng tốt. Thực chất, động thái này là con dao hai lưỡi: Bạn sẽ nhận được một số tiền cao nhất là khoảng hơn 110 triệu đồng khi nghỉ việc, nhưng nếu chấp nhận cầm tiền, bạn sẽ không bao giờ được phép quay trở lại Amazon nếu có cơ hội.
“Chúng tôi muốn những ai làm việc ở đây phải là những người thực sự có cảm giác thuộc về nơi này, không lay động quan điểm,” phát ngôn viên Melanie Etches của Amazon cho biết. “Nếu ai đó thực sự không cảm thấy hợp ở nơi đây, thì việc họ cứ cố gắng bám víu chỉ khiến công ty và bản thân họ thêm áp lực và không giúp ích gì cho nhau cả.”
Số tiền ít nhất là 2000 USD – khoảng gần 50 triệu đồng – sẽ được kèm theo đơn nghỉ việc cho nhân viên đó. Thâm niên càng cao thì số tiền càng lớn.
Thậm chí Amazon còn lập hẳn điều khoản này thành một chương trình chính thức, có tên gọi “Pay to Quit”. Thực ra nó có nguồn gốc từ nhà bán lẻ online Zappos, nhưng được Amazon mua lại vào năm 2009 nên đã du nhập từ đó. Dĩ nhiên, các lãnh đạo Amazon không hề muốn công ty xảy ra nhiều trường hợp nhân viên như vậy, nên đã có một dòng chi chú “Xin đừng nhận số tiền này” ngay sát tiêu đề của bản thông báo “Pay to Quit”. Vậy tại sao Amazon không nói luôn từ khi mới tuyển dụng?
“Mục đích của việc này là để khiến họ đột ngột có thêm một sự lựa chọn vào đúng lúc quyết định, để rồi phải suy nghĩ lại một lần nữa về nó và xem như vậy có đáng không,” CEO Jeff Bezos chia sẻ. Cũng theo thống kê của chính Amazon, số người đồng ý nhận tiền và rời đi là rất ít.
Nhiều người cho rằng thói quen “cho tiền để nghỉ việc” này của Amazon có thể khiến gậy ông đập lưng ông, mất cả chì lẫn chài khi nhân viên thì ra đi, còn tiền thì lại mất thêm. Nhưng theo Michael Burchell – chuyên gia nghiên cứu văn hóa nghề nghiệp thì cho rằng đó là một chiến thuật đúng đắn của Amazon. “Nó giúp nhân viên đang lung lay có thêm một cơ hội củng cố lại quan điểm gắn bó về công ty, và là một khoản đầu tư xứng đáng trong thời gian dài.”
Burchell chỉ ra rằng cách làm này của Amazon không hề tạo áp lực lên nhân viên kia hay bắt anh ta phải làm việc chăm chỉ hơn nếu vẫn ở lại, hơn nữa nó còn giúp thắt chặt hơn tinh thần và quyết định ở lại công ty nếu người đó còn đang phân vân. 
CEO Jeff Bezos của Amazon.
“Nếu bạn không nhận tiền nữa và chọn ở lại, chắc chắn khi đó bạn đã biết mình vừa đưa ra một quyết định quan trọng và sẽ đi theo con đường ấy, ngày một gắn kết hơn với công ty. Đó như một “hợp đồng tâm lý” vậy,” Burchell nhận định. Nói cách khác, nó như thể bạn vừa đặt đơn ký lại cam kết vào làm việc với công ty một lần nữa, tái thiết mối liên kết với nơi làm việc của mình. Tinh thần làm việc sẽ được cải thiện hơn so với trước, và trên hết là đem lại lợi ích cao hơn cho công ty.
Nếu vẫn chưa tin nó đem lại lợi ích, thì một vài nghiên cứu bởi Gallup và một số trường đại học đã chỉ ra rằng nhân viên có tinh thần gắn kết cao hơn sẽ cho 21% năng suất làm việc tăng lên so với người khác. Đồng thời tốc độ thăng tiến sự nghiệp hoặc được đánh giá cao cũng vì thế mà đẩy nhanh hơn bình thường. Ngược lại, những ai chỉ đi làm lấy lệ, không thích cũng không ghét công ty thì xét cho cùng không làm ra nhiều lợi ích đáng kể. 
Như vậy thì cũng không quá ngạc nhiên khi Amazon dần trở thành một trong những ông lớn hùng mạnh bậc nhất thế giới sau vài năm qua, còn CEO Jeff Bezos thì vọt lên làm tỷ phú giàu nhất toàn cầu, hơn cả Bill Gates nhỉ.