Trang chủ Tin Tức “Thằng bé sợ con người”: khi chơi game thành cơn nghiện

“Thằng bé sợ con người”: khi chơi game thành cơn nghiện

794
WHO chính thức xếp “nghiện game” là rối loạn tâm thần
Từ một cậu bé hoạt bát, thân thiện, chăm học và yêu thể thao, Joseph biến thành người chỉ suốt ngày ở trong phòng và sợ ra ngoài.
Sự thay đổi trong tính cách đến từ chứng rối loạn chơi game khi Joseph bước vào thời trung học năm 12 tuổi. Ba năm sau, Joseph vẫn đang vật lộn với nó.
Kendal Parmar, mẹ của Joseph cho biết con trai cô bắt đầu gây gổ, lớn tiếng khi được yêu cầu không chơi game nữa. “Thói quen dần phát triển khiến nó chơi game mọi lúc. Joseph sợ đi học, sợ tiếp xúc với mọi người”, Parmar chia sẻ.
Người mẹ đã làm nhiều cách để ngăn con trai mình khỏi thế giới đó bao gồm tháo cánh cửa phòng ngủ của cậu, đặt router mạng vào nơi bị khóa để cậu không tắt được tính năng chặn quyền truy cập internet từ cha mẹ.
Tưởng rằng mọi thứ sẽ dừng lại nhưng không, Joseph đã bỏ ăn, bỏ tắm, tóm lại là không làm gì cả. Cuối cùng Parmar phải đưa con trai mình vào bệnh viện trong 8 tuần. Ở độ tuổi 15 nhưng Joseph đã nghỉ học 1 năm nay.
Nhưng đó không phải trường hợp duy nhất. Amanda đã tìm đến game (Call of Duty) khi cô 18 tuổi để đối phó với căn bệnh trầm cảm.
“Tôi đã không nhận ra rằng những mối quan hệ ngoài đời đã bị thay thế bằng các nickname trong game. Tôi chơi quên cả ngày đêm, cảm giác muốn chơi tiếp cứ thôi thúc và không bao giờ dừng lại”, Amanda cho biết.
Theo The Guardian, tuy có nhiều báo cáo tiêu cực về những người nghiện game, nhưng chưa ai thống kê được nó nhiều đến mức nào. Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo tình trạng rối loạn chơi game nhưng một bộ phận cho rằng vấn đề đang bị “thổi phồng” lên quá mức.
Henrietta Bowden-Jones, bác sĩ tâm thần cũng như sáng lập trung tâm cai nghiện internet đầu tiên do NHS (dịch vụ y tế quốc gia) tài trợ chuẩn bị mở một bệnh viện tại London dành riêng cho những người chơi game.
“Chúng tôi không gọi đây là căn bệnh nhưng sẽ có nhiều người cần điều trị chứng rối loạn này. Những cuộc điều tra về quy mô, tỉ lệ và sự ảnh hưởng của nó cũng sẽ thực hiện 2 năm 1 lần”.
Chủ đề này bắt đầu được chú ý sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công nhận nghiện game là một loại rối loạn tâm thần.
Tuy được thành lập nhưng các trung tâm cai nghiện internet lại gặp khó khăn do kinh phí tài trợ. Hiện nguồn tài trợ chủ yếu cho các trung tâm đến từ các phòng khám tư nhân tại Anh.
Ở một chiều hướng khác, Peter Gray, nhà tâm lý học phát triển tại đại học Boston cho rằng nên thận trọng về việc tạo ra nỗi sợ suy đồi (moral panic) đối với chơi game: “Với đại đa số, chơi game là hoạt động lạnh mạnh, thú vị và giúp phát triển bộ não… Chỉ có những người chơi quá mức mới là vấn đề nhưng tỉ lệ thì không nhiều”.
Gray nói thêm: “Xã hội chúng ta có định kiến về chơi game, điều này tạo ra nỗi sợ suy đồi. Trẻ em từng bị cấm ra ngoài chơi vì cha mẹ tin rằng đang bảo vệ chúng. Bây giờ nhiều cha mẹ cấm con mình chơi game chẳng khác gì cướp đi khả năng chơi đùa của chúng”.
Nhưng quan điểm này không được Amanda đồng tình. Cô cho rằng khi đã chơi game thì ta không còn nhận thức được đó là tốt hay xấu. Cô tin rằng các trường học có thể hỗ trợ trẻ em, thanh thiếu niên trong vấn đề này.
Sau cuộc chiến dài 3 năm để con mình dứt bỏ khỏi game, Parmar có thể tìm hy vọng ở các trung tâm cai nghiện internet. Trong khi con trai cô có thể là người đầu tiên được chẩn đoán mắc chứng rối loạn chơi game sau khi được WHO công nhận thì ủy ban NHS lại không có căn cứ, tài liệu để xác nhận.
Parmar rất thất vọng khi đã gửi email yêu cầu NHS chú ý nhiều hơn đến rối loạn chơi game nhưng họ vẫn không có động thái gì.
Hiện con trai của Parmar đang được hỗ trợ bởi một nữ game thủ và huấn luyện viên trước khi bước vào điều trị. Mọi thứ đang diễn ra khá suôn sẻ sau buổi gặp đầu tiên tại nhà.
“Cô ấy động viên để Joseph thừa nhận tình trạng của mình. Khi ra khỏi bệnh viện, họ đưa cậu ta viên uống vitamin D để bù đắp sự thiếu ánh nắng mặt trời”.
Dù tin rằng tỉ lệ người trẻ tuổi nghiện game là không nhiều, nhưng Parmar cho rằng mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nếu không có sự hỗ trợ từ các chuyên gia, trung tâm y tế và cộng đồng.
Ít nhất thì Parmar cũng có được tia hy vọng trong quá trình điều trị chứng rối loạn chơi game cho con trai mình.
Phúc Thịnh