Trang chủ Tin Tức Thu hút nhân sự CNTT: Doanh nghiệp lớn chấp nhận trả lương...

Thu hút nhân sự CNTT: Doanh nghiệp lớn chấp nhận trả lương gấp đôi, doanh nghiệp nhỏ bỏ công đào tạo lại

769
Hội thảo chủ đề “Hợp tác trường đại học và doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho DNVVN)trong xu thế chuyển đổi số” diễn ra ngày 8/8 tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Hội thảo chủ đề “Hợp tác trường đại học và doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) trong xu thế chuyển đổi số” diễn ra vừa qua tại ĐH Bách khoa Hà Nội là sáng kiến của Câu lạc bộ các Khoa-Viện-Trường CNTT&TT (FISU) và VFOSSA, dưới sự bảo trợ của VCCI.
Các chuyên gia đều có chung nhận định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu ảnh hưởng tới mọi hoạt động KH-XH trong trào lưu cách mạng 4.0. Theo ông Nguyễn Hoàng Thắng-GĐ Trung tâm Thương mại, Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc VCCI, số liệu Tổng cục Thống kê công bố cuối năm 2017 cho thấy, cả nước có hơn 560.000 doanh nghiệp thì DNVVN chiếm 98%, sử dụng khoảng 51% lao động và đóng góp 40% GDP.
Ông Thắng nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa, hội nhập ngày càng sâu rộng, với số lượng đông đảo, để tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, DNVVN Việt Nam cần phải ứng dụng CNTT, các công nghệ mới. “Hơn thế, với xu hướng cách mạng 4.0, nếu Việt Nam không có đủ nguồn nhân lực với chất lượng tốt thì chắc chắn sẽ bị tụt hậu. Thử hình dung, chỉ cần mỗi DNVVN cần 1 nhân viên có kỹ năng CNTT thì ít nhất nguồn nhân lực CNTT cho các DNVVN đã lên tới trên 500.000 người. Các DNVVN đã vậy, với những doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, tổng công ty thì nhu cầu nhân lực có kỹ năng CNTT còn lớn hơn rất nhiều”, ông Thắng nói.

VietnamWorks dự báo đến năm 2020 Việt Nam sẽ cần tới 1,2 triệu nhân lực CNTT và con số thiếu hụt nhân sự CNTT tại thời điểm đó sẽ là khoảng 500.000 người (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Các nghiên cứu, dự báo của một số tổ chức cũng chỉ ra rằng, nhân lực CNTT đang bước vào giai đoạn bùng nổ với nhu cầu rất lớn, trải đều mọi lĩnh vực. Theo khảo sát được trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks công bố hồi cuối năm ngoái, trong 3 năm gần đây, số lượng công việc ngành CNTT tại thị trường Việt Nam đã tăng trung bình 47%/ năm, trong khi số lượng nhân sự ngành này lại chỉ tăng ở mức trung bình 8%. VietnamWorks dự báo đến năm 2020 Việt Nam sẽ cần tới 1,2 triệu nhân lực CNTT và con số thiếu hụt nhân sự CNTT tại thời điểm đó sẽ là khoảng 500.000 người.
Cho rằng thực tế nêu trên đặt ra bài toán khó cho cả các doanh nghiệp cũng như các trường đào tạo về CNTT thời gian tới, ông Thắng phân tích: “Các doanh nghiệp sẽ thiếu người để sử dụng, trong khi đó các trường đối mặt với yêu cầu vừa phải đẩy mạnh tuyển sinh, đào tạo nhưng đồng thời cũng phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo để có thể giải quyết cả về số lượng cũng như chất lượng nguồn nhân lực CNTT”.

Ông Trần Kiêm Dũng – Phó Chủ tịch VFOSSA chia sẻ những khó khăn, thách thức với các DNVVN Việt Nam trong vấn đề tuyển dụng, giữ chân nhân sự CNTT.

Ở góc độ của một đơn vị quy tụ hơn 60 thành viên là tổ chức, doanh nghiệp, ông Trần Kiêm Dũng-Phó Chủ tịch VFOSSA bày tỏ sự đồng thuận với nhận định nhu cầu nhân lực CNTT đang “nóng”. Ông Dũng cho hay, sinh viên CNTT ra trường thường chọn làm trong các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT song trên thực tế nhu cầu nhân sự CNTT trong các doanh nghiệp làm ở các lĩnh vực khác cũng rất lớn.
Theo ông Dũng, các xu hướng mới của ngành CNTT với các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), điện toán đám mây (cloud computing)… đòi hỏi chúng ta phải có sự phù hợp với xu hướng mới về CNTT. “Các doanh nghiệp đã phải thay đổi xoay theo xu hướng này, vấn đề đặt ra là các trường đã đào tạo ra được nguồn nhân lực CNTT đáp ứng ngay được với xu hướng mới này không? Ở các DNVVN ngành CNTT, một trong những điểm để có thể cạnh tranh được trên thị trường chính là phải có sự khác biệt và chuyên sâu, và một trong những cái khác biệt cần nhất là phải bắt kịp xu hướng công nghệ mới. Vì vậy, càng cần các sinh viên được đào tạo ra có khả năng bắt kịp được những xu hướng mới”, ông Dũng chia sẻ.
Dẫn ra kết quả khảo sát được VFOSSA thực hiện với các doanh nghiệp, ông Dũng cho hay, hầu hết các sinh viên ra trường đều không đáp ứng được yêu cầu bắt kịp xu hướng mới và hầu hết phải đào tạo lại với thời gian khoảng 6 tháng đến 1 năm. “Sau khi các sinh viên này đã nắm bắt được xu hướng, công nghệ mới thì họ lại được các doanh nghiệp lớn mời về kèm theo hứa hẹn mức lương cao gấp đôi. Đó là câu chuyện thực tế! Vậy vấn đề đặt ra cho các DNVVN hiện nay là làm thế nào để có thể có thể tiếp cận, tuyển dụng và giữ chân được với các sinh viên chất lượng tốt của các Khoa-Viện-Trường CNTT&TT. Đây thực sự là là vấn đề rất khó”, ông Dũng bộc bạch.

Cùng với đó, hiện nhu cầu nhân lực CNTT ở Việt Nam đang phân theo thành phố, trong đó TP.HCM chiếm gần 60%, Hà Nội là gần 40%, Đà Nẵng là 2% và còn lại là các tỉnh khác. Vì thế, đại diện VFOSSA cho rằng việc làm sao để DNVVN tại các địa phương được đáp ứng nhu cầu về nhân lực CNTT đang là bài toán khó: “Ngay với các doanh nghiệp chuyên về CNTT ở các tỉnh, việc tìm kiếm được nhân sự CNTT tốt đã là khó, chưa nói đến những doanh nghiệp không phải làm về CNTT”.
Mặt khác, về yêu cầu việc làm, các doanh nghiệp chủ yếu đòi hỏi nhân sự có kinh nghiệm. Đại diện VFOSSA phân tích: “Thực tế, các doanh nghiệp đã nhỏ thì nhân sự ít, và vì ít nên muốn rằng nhân sự phải “đa chức năng”, có thể làm nhiều việc nhưng để nhân sự làm được nhiều việc lại cần có kinh nghiệm. Đây có lẽ là câu chuyện mâu thuẫn, bởi những nhân lực, kỹ sư có kinh nghiệm thì liệu có chọn doanh nghiệp nhỏ để làm hay không?”.
Bên cạnh những thách thức trên, ông Dũng phản ánh, hiện nay có tới gần 50% số lượng sinh viên CNTT mới ra trường làm cho các doanh nghiệp làm gia công phần mềm với quy trình có sẵn và Công ty nào trả lương nhỉnh hơn là họ nhảy việc luôn. Theo đó, tỷ lệ nhảy việc của các kỹ sư trong doanh nghiệp CNTT đang là vấn đề lớn với các doanh nghiệp. “Việc làm thế nào để có đội ngũ nhân sự bền vững, gắn bó với công ty cũng là một thách thức không nhỏ đối với các DNVVN”, ông Dũng đánh giá.

Đại diện lãnh đạo FISU và VFOSSA ký biên bản thống nhất chương trình khung hợp tác giữa hai tổ chức.

Vị Phó Chủ tịch VFOSSA cho rằng hiện nhiều sinh viên CNTT chưa nhận thấy được những lợi thế của họ khi làm tại các DNVVN so với các doanh nghiệp lớn. Bởi lẽ, sự sáng tạo, cải tiến ở các DNVVN là rất lớn. Các sinh viên tham gia vào DNVVN sẽ được tạo điều kiện để tham gia việc mới, nhận những vị trí quan trọng.
Nhận định thực tế chưa có nhiều sinh viên CNTT được giới thiệu, tiếp cận để nhận thấy những lợi thế đặc thù này của DNVVN, đại diện VFOSSA đề xuất cần có chiến lược lộ trình giải quyết những thách thức trong vấn đề tuyển dụng cũng như giữ chân nhân sự CNTT tại các DNVVN. “Đồng thời, không nên chỉ chú trọng vào nguồn nhân lực CNTT cho các doanh nghiệp CNTT, mà các trường cũng cần quan tâm, phân loại để đào tạo nhân lực CNTT cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực kháci”, đại diện VFOSSA kiến nghị.
Trong khuôn khổ hội thảo “Hợp tác trường đại học và doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho DNVVN trong xu thế chuyển đổi số”, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất chương trình khung hợp tác giữa FISU và VFOSSA, khuyến khích các Khoa-Viện-Trường hợp tác với các DNVVN trong 6 nội dung, gồm:
– Tổ chức các hội nghị, hội thảo, báo cáo điến hình thành công trong hợp tác đại học và doanh nghiệp, tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên;
– Các doanh nghìệp đề xuất đề tài và tổ chức tiếp nhận sinh viên CNTT đến thực tập để bổ sung kìến thức thực tế hoặc làm đồ án/luận văn tốt nghiệp theo quy trình của từng Khoa-Viện-Trường;
– Các doanh nghiệp cử chuyên gia hỗ trợ các Khoa-Viện-Trường đào tạo theo quy chế của từng đơn vị;
– Các doanh nghìệp cam kểt cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho các Khoa-Viện-Trường vói mức ưu đãi cao nhất cho lĩnh vục giáo dục;
– Tổ chức các sự kìện thể thao, văn hoá giao lưu giữa thành viên hai bên;
– Cùng xúc tiến xin các nguồn tài trợ cho việc phát triển nguồn nhân lực CNTT ngay trong quá trình đào tạo.