Chia sẻ tại buổi gặp gỡ các nhân tài trong lĩnh vực Khoa học – Công nghệ (KHCN) tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc chiều 20/8, ông Bùi Thế Duy – Thứ trưởng Bộ KHCN, đã chia sẻ nhiều câu chuyện lý thú, đặc biệt là về mong muốn được xây dựng nhóm công nghệ cao đóng góp cho đất nước của chính ông từ năm 2004.
Được biết, ông Bùi Thế Duy, người từng đoạt Huy chương Đồng Olympic tin học quốc tế, Hà Lan năm 1995, đã có một thời gian dài làm nghiên cứu sinh tại trường ĐH Twenle của Hà Lan, rồi sau đó về nước làm giảng viên Khoa CNTT của ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội).
Ông Bùi Thế Duy chia sẻ đã gặp nhiều vấn đề trong quá khứ, khi cố gắng áp dụng mô hình nước ngoài, nhưng rốt cuộc lại không phù hợp với định hướng chung của đất nước. Cuối cùng, ông nhận ra rằng dù là ai hay tổ chức nào, cũng cần tính toán để làm sao cho công nghệ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đặt đây làm tiêu chí đầu tiên.
Theo Thứ trưởng, giờ đang là thời điểm “vàng” để phát triển công nghệ, đạt bước tiến lớn, do không gặp phải nhiều trở ngại như trước đây. “Các công ty đều đã có những bài toán lớn để cạnh tranh toàn cầu, đều có những dự án lớn, đồng thơi đưa những dự án nước ngoài về áp dụng tại Việt Nam, cho thấy đã có một sự thay đổi lớn so với thời kỳ trước đây”, Thứ trưởng cho biết.
Đại diện cho cơ quan nhà nước muốn nhắn nhủ tới 100 nhân tài có mặt tại buổi hội thảo trong góp phần xây dựng chuyển đổi số, thúc đẩy sáng tạo trong cuộc Cách mạng 4.0, ông Bùi Thế Duy trình bày quan điểm: “Một mặt hy vọng các nhân tài tiếp tục hợp tác đưa chuyên môn của mình vào các tập đoàn, mặt khác tiến hành nghiên cứu tính toán, đóng góp ở mức độ cao hơn – đó là định hướng cho đất nước”.
“Chúng ta không nên dừng lại ở mặt ý tưởng, mà bắt tay vào một cuộc chơi thật cùng với nhà nước, và các doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết. “Từ các thế mạnh của Việt Nam, chúng ta cần xây dựng lại thế mạnh của riêng mình với tiêu chí ‘Thị trường hẹp nhưng ra được sản phẩm của riêng mình, cạnh tranh được với thế giới.”
100 người Việt trẻ tham dự sự kiện là những người được đào tạo bài bản tại các trường Đại học danh tiếng hàng đầu thế giới và công tác trong các ngành: Công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nền tảng, các ngành công nghiệp chế tạo ứng dụng tự động hoá, robotics..
Đây là những cá nhân có quá trình làm việc chuyên sâu trong các ngành, lĩnh vực công nghệ, đặc biệt trong việc phát triển ứng dụng công nghệ hiện đại mang tính nền tảng (AI, blockchain, bigdata, an ninh mạng, IoT,…), đồng thời có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu và lao động; được trực tiếp ghi nhận bởi cơ sở đào tạo, các tổ chức quốc tế có uy tín, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước.
Tại buổi làm việc, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc có bài trình bày trao đổi với Đoàn về tiềm năng, thế mạnh của Khu CNC Hòa Lạc cùng với các hoạt động thu hút đầu tư, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ tại Khu CNC Hòa Lạc và đề xuất với Đoàn về nguồn nhân lực tri thức, hoạt động thúc đẩy, kết nối, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo,….
Tiếp đó, đại diện các Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT và Tập đoàn FPT đã giới thiệu về những công nghệ và sản phẩm tiêu biểu mà các tập đoàn đang nghiên cứu phát triển cũng như những đề xuất trong hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ và sản phẩm với các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học trong đoàn.
Sự kiện này nằm trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network 2018) do Bộ KH-ĐT khởi xướng và chủ trì từ ngày 18 đến 24/8 tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu với chủ đề “Sức mạnh Thăng Long – Trí tuệ Việt Nam”.
Mục đích của Chương trình là nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học công nghệ phát triển. Chương trình sẽ khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết mới từ những tinh hoa khoa học công nghệ trong và ngoài nước, từ đó lan toả thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự thay đổi về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam, để cùng đồng hành và tiến xa trong một kỷ nguyên kỹ thuật số đầy mới mẻ và hứa hẹn.
Nguyễn Nguyễn