Trang chủ Tin Tức Thú vị loài động vật có thói quen sống được không ít...

Thú vị loài động vật có thói quen sống được không ít bạn trẻ ngưỡng mộ

736
Đúng như cái tên của nó, loài động vật có tên “lười” nổi tiếng về sự chậm chạp, và dành hầu hết cuộc đời treo ngược trên những cành cây trong các khu rừng nhiệt đới ở Châu Mỹ, điều gì khiến chúng có tên như vậy?
Để trả lời cho câu hỏi tại sao con lười lại được gọi là “lười”, chúng ta hãy cùng xem xét các đặc điểm sinh học, môi trường sinh sống và chế độ ăn uống của loài động vật này.
Theo những gì các nhà khoa học ngày nay biết được, thì loài lười đất tiền sử bắt đầu xuất hiện vào khoảng vài chục triệu năm trước đây. Tầm vóc của loài lười tiền sử có thể to lớn tới cỡ một con voi. Nhưng khoảng 10.000 năm trước chúng dần dần biến mất, có lẽ do thời tiết khắc nghiệt hoặc do cạnh tranh với các loài động vật khác. Những con lười ngày nay đã chuyển sang sống trên cây, đồ ăn chủ yếu của chúng là lá cây.
Lười đất tiền sử có thể lớn tới cỡ một con voi. (Ảnh: Bizarre Zoology)
Sống trên những tán lá rậm rạp tỏ ra khá hiệu quả để trốn tránh những kẻ săn mồi, tuy nhiên chế độ ăn nghèo nàn này cũng mang tới một vấn đề: lá cây có rất ít năng lượng và còn khó hấp thụ.
Do đó, lười đã hình thành chế độ sinh hoạt để thích nghi với kiểu ăn uống này. Chúng cố gắng hấp thu tối đa năng lượng từ thức ăn thông qua dạ dày nhiều ngăn (chiếm tới một phần ba trọng lượng cơ thể), và chúng có thể mất từ 5 đến 7 ngày, thậm chí là vài tuần, chỉ để tiêu hóa một bữa ăn.
Mặt khác, chúng sẽ tìm mọi cách để tránh tiêu hao quá nhiều năng lượng. Đó là lý do vì sao lười rất ít khi di chuyển, và dành hầu hết thời gian chỉ để ăn uống, ngủ nghỉ. Những con lười chỉ xuống đất mỗi tuần một lần để loại bỏ chất thải, đây cũng chính là thời điểm chúng dễ bị phát hiện bởi những kẻ săn mồi. Khi di chuyển, cũng như cái tên “lười” của nó, trung bình, nó chỉ di chuyển 38 mét một ngày – đoạn đường còn ngắn hơn một nửa sân bóng đá.
Trung bình, lười chỉ di chuyển 38 mét một ngày – đoạn đường còn ngắn hơn một nửa sân bóng đá. (Ảnh: YouTube)
Một số sự thật thú vị khác:
Lười cũng là môi trường sống cho các sinh vật khác, trong đó có nấm. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những loài nấm mọc trên lông lười có đặc tính sinh học chống lại các chủng ký sinh trùng gây bệnh sốt rét, và chống lại một số tế bào ung thư vú ở người.
Nấm mọc trên lưng lười có một số đặc tính sinh học hữu ích đối với con người. (Ảnh: BBC.com)
Lười bơi rất giỏi, chúng có thể bơi với tốc độ gấp ba lần khi di chuyển trên mặt đất, và có thể nín thở tới 40 phút! Chúng thường thả mình rơi xuống nước từ trên chạc cây, rồi mở rộng hai cánh tay để khua nước.
Lười còn là một tay bơi lội cự phách với khả năng nín thở lên tới 40 phút! (Ảnh: BBC.com)
Cấu trúc khuôn mặt của lười tạo ra vẻ ngoài tươi cười. Đó là lý do vì sao trong nhiều tấm ảnh chúng ta dường như thấy những con lười đang mỉm cười, nhưng rất có thể lúc đó chúng không hề cảm thấy hạnh phúc mà đang căng thẳng hoặc lo lắng.
Lười có cấu tạo khuôn mặt tạo cảm giác chúng luôn mỉm cười. (Ảnh: JB Journeys)
Cấu tạo sinh học ấn tượng của lười cho phép nó dành 90% thời gian cuộc đời treo ngược trên cành cây. Các nghiên cứu cho thấy, điều này là do các cơ quan của lười được gắn vào khung xương sườn, có nghĩa là chúng không đè nặng lên phổi, cho phép lười vẫn hít thở thoải mái trong khi treo ngược bản thân.
Cấu tạo sinh học của cơ thể cho phép lười treo ngược trên cây một cách thoải mái. (Ảnh: World Wildlife Fund)
Lười có thêm một đốt sống cổ, cho phép chúng quay đầu 270°, điều này đồng nghĩa với việc chúng có thể nhìn 360° xung quanh cơ thể, đây cũng là một cơ chế phòng thủ hữu ích giúp lười phát hiện sớm kẻ thù.
Lười có thêm một đốt sống cổ, cho phép chúng quay đầu 270°. (Ảnh: Care2)
Hiện nay, tuy rằng không còn hình thể to lớn như tổ tiên, nhưng những chú lười vẫn luôn là một loài động vật đặc biệt trong hệ sinh thái đa dạng muôn màu trên hành tinh của chúng ta.
Ngọc Thuần