Cụ thể, Cục Cạnh tranh cho biết, người tiêu dùng (chủ yếu là thuê bao của mạng Vinaphone) liên tục nhận các cuộc điện thoại hoặc tin nhắn với nội dung đề nghị trả khoản nợ. Người tiêu dùng đã thông báo về việc bị gọi nhầm và đề nghị đơn vị liên hệ kiểm tra lại thông tin để tránh tình trạng tiếp tục gọi điện nhầm. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tiếp tục bị gọi điện nhắc nợ, một số trường hợp bị gọi điện quấy rối liên tục trong 6 tháng gần đây, tần suất cuộc gọi nhiều nhất là 10 cuộc/ngày.
Trao đổi với báo chí, nhà mạng VinaPhone cho biết, các trường hợp bị khủng bố cuộc gọi đòi nợ mà Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhắc tới chủ yếu là khách sử dụng lại số thuê bao của chủ cũ đang vay nợ (thuê bao đã huỷ/bị hủy số và sau đó nhà mạng khởi tạo phát hành mới) hoặc cũng có thể là khách hàng có vay nhưng đã thanh toán xong, tức thanh toán xong trước thời điểm nhận được cuộc gọi đòi nợ.
VinaPhone khẳng định không làm lộ thông tin của thuê bao do nhà mạng quản lý. Nhà mạng này cũng đưa ra nguyên nhân có thể khách hàng bị người khác lấy thông tin cá nhân để cung cấp cho ngân hàng khi thực hiện các thủ tục vay nợ, với vai người liên quan (ngân hàng không xác minh lại thông tin người thân trước khi vay). VinaPhone nói thêm các cuộc gọi này là hành động trực tiếp từ đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, và không liên quan đến dịch vụ do VinaPhone cung cấp.
Nếu chẳng may mua phải SIM trước kia đã có người dùng hoặc kể cả SIM đã dùng từ lâu mà bị làm phiền, đòi nợ, quấy nhiễu, nhà mạng khuyến cáo khách hàng sử dụng các tiện ích chặn số để giảm thiểu tình trạng này. Ngoài ra, các thuê bao có thể dùng ứng dụng tiện ích đối với điện thoại smartphone (điện thoại thông minh) còn các điện thoại thông thường, các nhà mạng đều cung cấp dịch vụ quản lý cuộc gọi nhằm đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Các khả năng mà VinaPhone đưa ra chỉ mang tính chất phỏng đoán thiếu căn cứ, nhưng việc có đến 90 cuộc gọi của người tiêu dùng phản ánh tình trạng bị gọi điện đòi nợ như vậy đến mức mà Cục Cạnh tranh phải phát thông tin khuyến cáo người dùng thì không thể có sự trùng hợp lớn như vậy. Tuy nhiên, có thể thấy đây là hậu quả của việc thông tin thuê bao di động bị rao bán tràn lan trên các chợ rao vặt, các mạng xã hội và cả mời chào trực tiếp qua email, điện thoại… Một khi dữ liệu cá nhân không được kiểm soát chặt chẽ – không loại trừ khả năng tiếp tay của nhân viên các nhà mạng – thì những chuyện tương tự sẽ còn xảy ra nhiều.
Theo Cục cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng khi gặp vấn đề gì liên quan đến sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp có thể gửi khiếu nại tới Cục thông qua email vcca@moit.gov.vn hoặc liên hệ Tổng đài 1800.6838 để được tư vấn và hỗ trợ.
A.M