Trang chủ Tin Tức Tiến hóa vẫn đang xảy ra ở bộ tộc miền biển này,...

Tiến hóa vẫn đang xảy ra ở bộ tộc miền biển này, giúp họ lặn sâu gần 80m và nhịn thở hơn 3 phút

745
Borneo là hòn đảo lớn thứ 3 thế giới ở Đông Nam Á, ngôi nhà của cộng đồng người dân tộc Bajau Laut, Indonesia. Người Bajau sống du mục trên biển, với hơn 60% thời gian họ dành ở dưới nước. Những người đàn ông trong bộ tộc này đang nắm giữ kỷ lục lặn sâu nhất thế giới: 79 m, không có công cụ hỗ trợ, trong khoảng thời gian hơn 3 phút. Một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Cell cho thấy thể chất và di truyền của người Bajau đã có sự thích nghi tuyệt vời với đời sống dưới nước của họ. Có thể, đó chính là nguyên nhân giúp những người này sở hữu khả năng lặn biển ấn tượng.

Tiến hóa vẫn đang xảy ra ở bộ tộc du mục biển này, giúp họ lặn được sâu gần 80m và nhịn thở hơn 3 phút

Sự tiến hóa vẫn đang tiếp diễn Có thể bạn cho rằng mình đang đứng ở đỉnh cao của sự tiến hóa trong thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, bạn sẽ bất ngờ khi biết rằng đâu đó trên thế giới, có những quần thể người vẫn tiếp tục tiến hóa để thích nghi được với đời sống khác thường của họ. Cộng đồng người Bajau Laut ở Indonesia là một ví dụ. Họ có truyền thống sống du mục trên thuyền, hằng ngày, kiếm sống bằng cách đánh cá và khai thác các sản vật trong rừng ngập mặn và các rạn san hô. Đến thế kỷ 20, một số quần thể người Bajau chuyển lên định cư trên bờ, nhưng vẫn tiếp tục duy trì lối sống truyền thống như một kế sinh nhai. Bởi không có bất kì công cụ hỗ trợ nào, ngoại trừ một cặp kính lặn bằng gỗ, người Bajau đã phải luyện tập khả năng lặn sâu và giữ hơi thở trong thời gian dài, nếu họ muốn khai thác được các sản vật dưới lòng biển. Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã nghiên cứu Bajau và thấy rằng họ có những lá lách lớn hơn đáng kể so với người dân làng lân cận, những người chủ yếu làm việc trên bờ trong các trang trại. Thậm chí, lá lách của cả những người Bajau không lặn cũng lớn hơn, chứng minh đó là một đặc điểm di truyền chứ không phải sự thay đổi xảy ra sau khi những thợ lặn làm việc lâu trong nghề.

Người Bajau có thể lặn sâu 79 m mà không cần công cụ hỗ trợ, trong khoảng thời gian hơn 3 phút

Kích thước của lá lách là một đặc điểm quan trọng, vì nó là một hồ chứa lưu trữ các tế bào hồng cầu. Trong khi lặn, lá lách co lại và đẩy các tế bào hồng cầu này vào máu để tuần hoàn, tăng khả năng vận chuyển oxy đi nuôi cơ thể. Đặc điểm này cũng đã được các nhà khoa học phát hiện trên các loài động vật có vú hay lặn như hải cẩu. Phân tích DNA còn phát hiện ra một biến thể gen rất thường gặp trong quần thể người thể Bajau. Đó là một gen giúp kiểm soát mức độ hoóc-môn T4, được tạo ra bởi tuyến giáp. Hormon này làm tăng tốc quá trình trao đổi chất, có thể giúp chống lại mức oxy thấp trong máu. Ngoài ra, thử nghiệm trên chuột cho thấy nó cũng liên quan đến kích thước lá lách lớn. Một số gen khác được phát hiện trong quần thể người Bajau nhưng ít phổ biến ở người bình thường cũng liên quan đến cách cơ thể đối phó với hoạt động lặn biển. Ví dụ, một trong số các gen này điều khiển sự phân bổ máu trong cơ thể, rút bớt máu khỏi chân tay và các vùng không cần thiết để đổ oxy về nuôi não, tim và phổi. Một gen khác giảm sự tích lũy CO2 trong máu. Tất cả cho thấy rằng chọn lọc tự nhiên đã giúp người Bajau có khả năng có thể lặn sâu và lâu hơn.

Người Bajau khai thác sản vật biển làm kế sinh nhai, họ bắt buộc phải thích nghi với lối sống lặn biển

Những ví dụ khác Đây không phải là lần đầu tiên các ví dụ về quá trình tiếp diễn của tiến hóa trên con người được phát hiện. Trên thế giới, cũng có những nhóm người thiểu số khác có cơ thể thích nghi với điều kiện sống khác biệt của họ. Ví dụ, hầu hết người dân tộc thiểu số Tây Tạng có một đột biến không thường thấy so với người Trung Quốc. Đột biến này giúp họ sản sinh ra nhiều hồng cầu hơn, nhằm bù lại lượng oxy trong không khí loãng ở trên núi cao. Một nghiên cứu khác đã chỉ ra các nhóm người Inuit ở Greenland có thể ăn một lượng lớn chất béo mà không bị gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Có khả năng, cơ thể họ đã tìm cách để thích nghi với cái lạnh ở đây.

Người Tây Tạng cũng có những đột biến khiến họ thích nghi với không khí có nồng độ oxy thấp

Các tác giả của nghiên cứu về người Bajau cho biết, công việc của họ không đơn thuần là chỉ ra sự hiện diện của tiến hóa thời hiện đại. Nó còn có ích với y học, khi hỗ trợ các nghiên cứu để điều trị tình trạng thiếu oxy, trong đó, mô cơ thể không nhận đủ oxy vì bệnh tật hoặc chấn thương. Vấn đề cũng sẽ trở nên thú vị, khi đặt câu hỏi thêm rằng liệu người Bajau và Tây Tạng có chia sẻ chung một số gen nào hay không. Bởi cả hai nhóm đều phải tiến hóa để thích nghi với tình trạng thiếu oxy, một là để lặn biển, một vì sống trên núi cao. Các nhà khoa học cho rằng các đột biến ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể, đôi khi có thể phát sinh độc lập trong những cộng đồng hoặc nhóm người không liên quan đến nhau, cách xa về mặt địa lý. Nhưng cũng có thể, trong trường hợp này hai cộng đồng sẽ có những đột biến khác nhau, nhưng cùng tạo ra các hiệu ứng tương tự về khả năng đối phó với nồng độ oxy thấp trong máu. Có lẽ, sự so sánh ấy sẽ là bước tiếp theo của nghiên cứu rất thú vị này. Tham khảo Theconversation, Phys