Trang chủ Tin Tức Tiểu hành tinh xoá sổ khủng long khiến Trái Đất nóng lên

Tiểu hành tinh xoá sổ khủng long khiến Trái Đất nóng lên

762

Khí carbon dioxide (CO2) phát thải vào bầu khí quyển sau vụ va chạm với tiểu hành tinh Chicxulub khiến khủng long bị tuyệt chủng cách đây 65 triệu năm đã làm ấm khí hậu của Trái Đất trong 100.000 năm. Kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí Science vào tháng 5/2018, theo Space. Giới khoa học từ lâu đề xuất giả thuyết rằng, sau khi thiên thạch có đường kính từ 7 đến 14 km va chạm với bán đảo Yucatan, gần thị trấn Chicxulub ngày nay ở Mexico, nhiệt độ của Trái Đất nhanh chóng tăng mạnh trong vài phút hoặc vài giờ.
Sau đó, nhiệt độ của hành tinh giảm xuống trong nhiều tháng đến vài thập kỷ. Nguyên nhân là do lượng bụi và bồ hóng khổng lồ giải phóng vào bầu khí quyển ngăn chặn ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống mặt đất.
Cuối cùng, lượng khí nhà kính CO2 giải phóng sau vụ va chạm đã gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu. Kenneth MacLeod, giáo sư về khoa học địa chất tại Đại học Missouri, Mỹ, và cộng sự phân tích những mảnh răng, vây, xương cá hóa thạch từ khu vực El Kef, nằm ở phía tây bắc Tunisia. Đây là một trong những nơi lưu giữ các hóa thạch cổ nhất thế giới, có niên đại từ cả trước và sau vụ va chạm với tiểu hành tinh Chicxulub.
Trong số 40 mẫu hóa thạch được nghiên cứu, 10 mẫu có niên đại trước vụ va chạm 50.000 năm, 20 mẫu sau vụ va chạm 100.000 năm và 10 mẫu sau vụ va chạm 200.0000 năm. Nhóm nghiên cứu xem xét nồng độ của đồng vị oxy trong hóa thạch. Các đồng vị này khác nhau về số lượng nơtron trong nguyên tử oxy, và chúng hoạt động hơi khác nhau.
“Khi nhiệt độ tăng, hàm lượng oxy 16 (đồng vị oxy nhẹ hơn) trong hóa thạch cũng tăng lên. Chúng tôi đo tỷ lệ đồng vị oxy 16 so với đồng vị oxy 18. Cứ 1/1000 tỷ lệ này thay đổi tương ứng với mức thay đổi nhiệt độ khoảng 4,5 đến 5 độ C”, MacLeod nói. Nhóm nghiên cứu nhận thấy có sự khác biệt lớn về đồng vị oxy giữa ba nhóm mẫu một cách rõ ràng. Sau khi phân tích, họ nhận định nhiệt độ của Trái Đất đã tăng thêm 5 độ C trong 100.000 năm sau vụ va chạm với tiểu hành tinh Chicxulub. Bài báo của MacLeod là nghiên cứu đầu tiên trên thế giới trình bày bằng chứng thực nghiệm về khoảng thời gian nóng lên toàn cầu do khí nhà kính gây ra và mức độ tác động đáng kể của nó.
“Kết quả nghiên cứu làm tăng thêm mối quan ngại về khoảng thời gian cần thiết để Trái Đất phục hồi từ những tác động của khí thải nhà kính do con người gây ra.
Thật khó khăn khi nghĩ rằng, những gì chúng ta đang làm trong thời hiện đại cũng có thể ảnh hưởng đến Trái Đất trong 100.000 năm tới”, MacLeod cho biết.