Phát triển ngấm ngầm qua thời gian, Alzheimer khi biểu hiện triệu chứng rõ ràng thì đã gây ra nhiều thay đổi trong não bộ.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy điểm chung của người mang bệnh Alzheimer là quá trình tích tụ protein amyloid-β trên não.
Đây là loại protein vẫn hiện diện trong não người khỏe mạnh nhưng trong trường hợp Alzheimer, amyloid-β bị sắp xếp sai trật tự và cứ thế tích lũy qua thời gian. Quá trình này có thể bắt đầu từ rất sớm, khoảng 15-20 năm trước khi triệu chứng xuất hiện, gây độc lên tế bào thần kinh.
Hiện tại, các phương pháp chẩn đoán đáng tin cậy là chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) tốn nhiều thời gian, tiền bạc và phân tích dịch não tủy (CSF) gây đau đớn và xâm lấn.
Để tạo điều kiện cho các thử nghiệm lâm sàng điều trị bệnh Alzheimer trong giai đoạn sớm và nhẹ, các nhà khoa học tại Nhật Bản đã tìm đến chỉ dấu sinh học plasma kiểm tra trên máu.
Nghiên cứu đã chứng minh tiềm năng của dấu ấn sinh học trong việc dự đoán nguy cơ tích tụ amyloid-β trong não.
Điểm đáng chú ý là phương pháp này ít tốn chi phí và có khả năng áp dụng đại trà cho người dân.
Đầu tháng 4 năm nay, tạp chí EMBO Molecular Medicine cũng đã công bố hướng nghiên cứu tương tự do nhóm nhà khoa học tại Đức thực hiện.
Dẫn đầu nhóm nghiên cứu là GS.TS Klaus Gerwert. Họ đặt mục tiêu tìm hiểu khả năng đo đạc mức độ tương quan giữa amyloid-β khỏe mạnh và amyloid-β bệnh lý đối với nguy cơ Alzheimer từ giai đoạn đầu.
Xét nghiệm máu này sử dụng công nghệ cảm biến hồng ngoại miễn dịch. Dựa trên một kháng thể, cảm biến sẽ trích xuất amyloid-β từ mẫu máu. Hai phiên bản amyloid-β sẽ hấp thụ ánh sáng hồng ngoại ở các tần số khác nhau, cho phép nhóm nghiên cứu đo mức độ tương quan giữa chúng.
Alzheimer là một căn bệnh thoái hóa thần kinh phổ biến ở người già, triệu chứng điển hình là mất trí nhớ, rối loạn định hướng (dễ đi lạc), tâm tính không ổn định, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, thay đổi các hành vi khác.
Căn bệnh chiếm khoảng 60-70% trong tổng số trường hợp mất trí nhớ ở người cao tuổi. Thời gian sống trung bình của bệnh nhân chỉ khoảng từ 3 đến 9 năm sau khi phát bệnh.