Trang chủ Tin Tức Trải nghiệm Sennheiser HD820 tại Việt Nam – Điều gì làm cặp...

Trải nghiệm Sennheiser HD820 tại Việt Nam – Điều gì làm cặp tai nghe này có giá tới 67 triệu đồng?

835
Tại CES 2018, Sennheiser là hãng ‘mở màn’ thị trường âm thanh cao cấp với sản phẩm đầu bảng mới nhất của mình mang tên Sennheiser HD820. Đây là sản phẩm kế nhiệm cho cặp HD800s đã hơn 1 năm tuổi, và tất nhiên là cặp HD800 đã đi vào huyền thoại. Lại một lần nâng cấp, ta lại có một mác giá mới, và lần này HD820 được bán với giá lên tới 67 triệu đồng!
Điểm đặc biệt nhất của cặp tai nghe này đó là được thiết kế theo dạng đóng (Closed) thay vì để hở như những sản phẩm tiền nhiệm. Nhưng hãng không sử dụng nhôm, nhựa hay gỗ mà lại dùng một lớp kính Gorilla Glass. Kính được làm vát cong vào trong, theo lời giới thiệu là để ‘chống những tiếng vang để tăng chất lượng trình diễn’, ngoài ra đứng về mặt thẩm mĩ, lớp kính này cũng cho phép HD820 ‘khoe’ được màng loa 300 Ohm cực lớn bên trong.
Đây quả thực không chỉ là một cặp tai nghe, mà là một tác phẩm nghệ thuật. Tất cả HD820 đều được sản xuất bằng tay tại nhà máy của Sennheiser tại Đức. Vì công tác gia công phức tạp, nên một năm hãng chỉ có thể bán được 200 chiếc trên toàn cầu mà thôi.
Phần khung có khắc tên sản phẩm cùng số series. Cặp đầu tiên ‘cập bến’ Việt Nam là chiếc thứ 495.
Đệm tai của tai nghe cũng được thiết kế lại, sử dụng 2 chất liệu là da và nhung. Phần nhung ở bên trong, chạm trực tiếp với tai người nghe để có thể thoát khí cũng như tạo cảm giác thoải mái, còn lớp da bên ngoài để góp phần chặn các tạp âm bên ngoài tốt hơn.
Giống như HD800s, HD820 có thể rút rời dây bằng chuẩn riêng của dòng sản phẩm này.
Trong hộp, hãng tặng kèm 3 sợi dây là XLR Balanced, 4.4 Balanced (chuẩn Pentaconn) và cổng cắm 6.3mm thông thường.
Thông số kĩ thuật
– Trở kháng: 300 Ohms
– Dải đáp tuyến: 12 – 43800 Hz (-3dB); 6 – 48000Hz (-10dB)
– Độ nhạy: 103dB @ 1 kHz, 1V
– Độ dài dây: 3m
– Trọng lượng: 360g
Với trở kháng lớn, độ nhạy khá thấp cũng như là một sản phẩm tầm cao, nên HD820 đòi hỏi nguồn phát cũng cao cấp tương đương. Để ‘kéo’ HD820 thì Sennheiser cũng ra mắt một chiếc DAC/Amplifier mang tên HDV 820. Bộ này có giá bán là 74 triệu đồng, nên tổng giá trị của dàn âm thanh này lên tới hơn 140 triệu đồng!
Đầu tiên có lẽ ta phải nói về khả năng cách âm. HD820 đã chặn tất cả các khe hở ở mặt ngoài, cũng như sử dụng loại đệm tai mới nên khả năng cách âm vượt trội so với HD800s và HD800. Khi đeo tai nghe, các tiếng nói chuyện của người trong phòng vẫn có thể nghe thấy lờ mờ, nhưng khi đã bật nhạc thì được ‘mute’ hoàn toàn. Tất nhiên, HD820 không thể chặn âm thanh tốt được như những cặp tai nghe chống ồn chủ động, nhưng có lẽ không ai (dám) đem cặp tai nghe này ra ngoài đường để nghe nhạc cả, nên đây không phải là vấn đề.
Khác với dòng HD6xx, HD8xx trong đó có HD820 được tinh chỉnh âm thanh theo hướng chính xác nhất có thể. Nhưng theo từng dòng, hãng đã định nghĩa lại chất âm ‘chính xác’ này là như thế nào. HD800 cho một kiểu âm rất phẳng, nên khi đo bằng máy sẽ cho một đồ thị rất ‘đẹp’ và chuẩn xác theo đúng nghĩa, nhưng đổi lại là cho một dải trung cao (high-mid) và dải cao (treble) khá chói.
HD800s và giờ là HD820 đi theo một hướng mới, vẫn rất chuẩn mực nhưng đã được thiết kế cho cho ‘người nghe’ chứ không phải ‘máy nghe’. Cả 3 dải âm đều có chỗ đứng, và không có bất cứ dải nào ‘chèn’ lên trước để chiếm sự chú ý của người dùng cả.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa dòng HD6xx và HD8xx là dải trầm. HD600 hay HD650 cho một dải trầm cực kì đậm, cho tốc độ hơi chậm để tạo cảm giác trữ tình và đặc nhẹ. Nhưng với HD820 thì âm trầm được làm rất chuẩn mực, tức là đập xuống nhanh và gọn hết mức có thể. Âm trống trong Miracle của Above & Beyond chỉ hơi gằn nhẹ, nhưng nẩy lên rất nhanh tạo cảm giác punchy. So với HD800 và cả HD800s thì HD820 cho âm siêu trầm (sub-bass) ấm và đầy đặn hơn đôi chút do thiết kế dạng đóng, nhưng chỉ đôi chút mà thôi.
‘Sửa sai’ từ HD800 thì HD820 đã có dải trung mượt mà hơn. Lượng âm hơi đã được tăng lên đáng kể, nên giọng Celine Dion trong bản Because you love me đã dễ nghe hơn rất nhiều. Tổng thể âm trung vẫn tập trung tại một điểm rất gọn gàng nhưng đã được làm ngả tối hơn, có phần gần gũi hơn với người nghe.
Dải trung cao được làm khá, lên cao nhưng biết dừng đúng chỗ, không bị đẩy âm lượng (peak) nên gần như không có sibalance. Vẫn sẽ có những người thích kiểu giọng ca sĩ sắc như dao lam của HD800, nhưng với mình thì kiểu chỉnh âm của HD800s và HD820 sẽ phù hợp với nhiều bài hát, nhiều đối tượng nghe hơn.
Cũng như dải trung, dải âm cao của HD820 cũng đã được hãng làm ‘hợp lí’ hơn trước. Lượng âm cao rất nhiều, nhiều hơn hẳn so với các cặp HD6xx và HD5xx cùng hãng, nhưng đã bớt chói và thậm chí sibalance như ở cặp HD800. Việc có độ chi tiết cao trên toàn dải âm cũng là thế mạnh của HD820 khi thể hiện dải cao, giúp các âm Hi-hat trong bài Jonah của Alexis Cole không bị dính thành một chùm, mà chia tách thành từng tiếng nhỏ.
Với thiết kế dạng đóng, âm thanh bên ngoài không lọt được vào và ngược lại là âm thanh bên trong cũng không lọt được ra ngoài. Chính vì thế âm trường chiều ngang của HD820 có phần hẹp hơn so với HD800 và HD820. Nhưng theo mình, thì đây là một ưu điểm vì 2 cặp tai nghe đó có phần âm trường hơi ‘rộng quá’ nên chất âm không có sự tập trung, xa cách với người nghe. ‘Hi sinh’ một chút về chiều ngang nhưng âm trường HD820 lại ăn điểm ở chiều cao, nên âm thanh tổng thể sẽ có chiều sâu, hay nói cách khác là 3D hơn.
Lời kết
Giống như những sản phẩm hạng sang như xe Rolls Royce, đồng hồ Rolex, máy ảnh Leica, thì Sennheiser HD820 chỉ dành cho những người thực sự đam mê và có đủ tiềm lực tài chính. Đây không phải là sản phẩm dành cho công chúng, mà là thú chơi dành cho ‘nhà giàu’ và là tác phẩm nghệ thuật, đỉnh cao của công nghệ để cho những ai không đủ tiền mua chiêm ngưỡng.
Cảm ơn SVhouse Hà Nội đã tài trợ sản phẩm

Đánh giá tai nghe không dây Sony WI-SP600N – Phổ cập tai nghe chống ồn chủ động