Trang chủ Tin Tức Triển khai đô thị thông minh: Nhất thiết cần kiến trúc tổng...

Triển khai đô thị thông minh: Nhất thiết cần kiến trúc tổng thể và phù hợp

755
Đó là chia sẻ của diễn giả Ngô Văn Toàn – Phó Tổng giám đốc Global Cybersoft Việt Nam khi giới thiệu về những giải pháp về thành phố thông minh tại Hội thảo khoa học Smart City 3600 lần 2 với chủ đề Giải pháp tương tác thời gian thực cho đô thị thông minh do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán tổ chức ngày 26/7/2018.
Ông Ngô Văn Toàn cho biết, mặc dù có rất nhiều giải pháp về công nghệ và thiết bị phù hợp, nhưng thành phố thông minh không đơn thuần là tổ hợp của những giải pháp nhỏ lẻ, bởi vì nếu kiến trúc tổng thể có vấn đề thì sẽ phải tốn thêm nhiều công sức và chi phí để hoàn thiện hệ thống. Chẳng hạn xét về kết nối không dây thì loại kết nối như 3G/4G/5G có đủ năng lực đáp ứng kết nối của hàng triệu cư dân trong thành phố thông minh hay chưa, các hệ thống big data đủ khả năng xử lý dữ liệu tức thời và cung cấp thông tin theo thời gian thực liên tục hay chưa…
Diễn giả Ngô Văn Toàn.

Do đó, theo ông Ngô Văn Toàn, để xây dựng thành phố thông minh thành công thì cần phải tập trung giải quyết bài toán về kiến trúc tổng thể. Mặt khác, việc triển khai các giải pháp cho thành phố thông minh phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để bảo đảm phù hợp với tính đặc thù của nơi sử dụng giải pháp. Nền tảng cơ bản của thành phố thông minh từ góc nhìn công nghệ thực chất là một mạng thông minh bao gồm các đối tượng và máy tính kết nối và truyền dữ liệu cho nhau, sử dụng công nghệ không dây và đám mây.
Quan trọng hơn cả khía cạnh kỹ thuật chính là việc triển khai các vấn đề quản lý xã hội trong thành phố thông minh, vì dù làm gì đi nữa thì thành phố thông minh là nhằm cung cấp điều kiện sống và làm việc tốt hơn cho cư dân.
Bởi thế, thành phố thông minh sẽ cần đến một nền tảng công nghệ giúp nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công thông qua việc giám sát, tự động hóa và tối ưu hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng và dịch vụ công.
Trong đó, vấn đề kiểm soát an ninh cần được ưu tiên hàng đầu. Hệ thống xử lý thông tinh phải có khả năng thu thập dữ liệu, trước hết cần phải biết “lắng nghe” mạng xã hội, để phát hiện và giải quyết kịp thời những tình huống phát sinh từ nơi tập trung đông người, kẻ tình nghi… đồng thời kết hợp dữ liệu thời gian thực từ camera, các cảm biến kết hợp với báo cáo từ bộ phận an ninh để đưa ra cảnh báo sớm các tinh huống nguy hiểm như sự xuất hiện của tội phạm, cháy nổ, tắc nghẽn… nhằm đảm bảo an ninh và an toàn cho thành phố thông minh.
Đồng tình với ý kiến cho rằng tình trạng kẹt xe hiện nay ở TP.HCM hay Hà Nội không phải là do mật độ giao thông, bởi mật độ giao thông ở 2 thành phố này “chưa là gì” so với những thành phố lớn như Tokyo (Nhật Bản) hay Thượng Hải (Trung Quốc), ông Ngô Văn Toàn cho rằng vấn đề nằm ở việc điều phối và kiểm soát phương tiện giao thông. Do đó, giải pháp giao thông thông minh cần giúp cải thiện năng lực giao thông công cộng trong thời gian thực. Trong đó, giải pháp sẽ ứng dụng công nghệ IoT, phân tích dữ liệu thu thập từ các cảm biến, camera, để dự đoán luồng, lưu lượng giao thông, các vi phạm, từ đó cảnh báo sớm các nguy cơ như kẹt xe, an toàn, các vi phạm giao thông, giúp tối ưu hóa hoạt động giao thông.
Chia sẻ về giải pháp nông nghiệp thông minh SmartAgri, diễn giả Ngô Văn Toàn cho biết giải pháp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cải thiện năng suất và kiểm soát hiệu quả thực phẩm sạch và xanh này đã được triển khai thành công trong chăn nuôi bò sữa ở Úc, riêng ở Việt Nam thì chỉ mới thí điểm thử nghiệm ở Đà Lạt. Sắp tới, Global Cybersoft Việt Nam có thể sẽ triển khai SmartAgri mở rộng sang lĩnh vực thủy hải sản.
SmartAgri là giải pháp hỗ trợ quản lý sản xuất, áp dụng các phương pháp canh tác tốt nhất do các chuyên gia nông nghiệp cung cấp và tư vấn cho nông dân thông qua hệ chuyên gia. Hệ thống thu thập và xử lý dữ liệu thời gian thực thu thập từ các cảm biết, thiết bị. Hệ thống hỗ trợ quan sát toàn bộ quá trình sản xuất từ xa thông qua video trực tuyến, tự động hóa việc lập báo biểu, chạy các quy trình nông nghiệp tự động như bón phân, tưới nước, hỗ trợ kiểm soát và điều chính các yếu tố môi trường.
Vị Phó Tổng giám đốc Global Cybersoft Việt Nam còn khẳng định những giải pháp về thành phố thông minh kể trên đều có thể được triển khai ở TP.HCM, đồng thời đơn vị này sẵn sàng đón nhận các sinh viên đến thực tập cùng triển khai thực tế.