Trang chủ Tin Tức Trung Quốc chặn thỏa thuận mua lại NXP của Qualcomm

Trung Quốc chặn thỏa thuận mua lại NXP của Qualcomm

736
Theo CNN, nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm đã phải chờ đợi gần hai năm để được xóa bỏ các rào cản pháp lý toàn cầu cho thương vụ mua lại hãng bán dẫn Hà Lan NXP Semiconductors. Thỏa thuận được công bố lần đầu tiên vào tháng 10.2016 và đã được chấp thuận bởi các nhà quản lý ở tám khu vực pháp lý khác nhau, bao gồm Liên minh châu Âu và Hàn Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước duy nhất không thông qua thỏa thuận này khi thời hạn cuối cùng để đưa ra quyết định giữa trưa nay (26.7) trôi qua.

tin liên quan

Qualcomm đang ‘chịu đòn’ từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Qualcomm đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng nhiều khả năng kết quả đó sẽ xảy ra vì Bắc Kinh nhất định giữ im lặng. Ông Steve Mollenkopf, Giám đốc điều hành Qualcomm, hôm 25.7 cho biết nếu Trung Quốc không chấp nhận thỏa thuận, công ty sẽ ngay lập tức từ bỏ mà không cần có thêm bất cứ động thái nào sau đó với giới quản lý nước này. Sự không chắc chắn liên tục diễn ra xung quanh một thỏa thuận lớn như vậy “đưa đến rủi ro cao”.

“Chống lại thay đổi trong môi trường địa chính trị hiện tại có rủi ro rất cao”, ông Mollenkopf nói.

Công ty công nghệ có trụ sở tại San Diego (Mỹ) với hơn 33.000 nhân viên sẽ phải thanh toán cho NXP khoản phí hủy bỏ thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD. NXP hiện chưa trả lời yêu cầu bình luận.

Ngành công nghệ đã trở thành chiến trường quan trọng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tháng 3.2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump chặn gói thầu trị giá 117 tỉ USD của Broadcom để tiếp quản Qualcomm, vì cho rằng điều này có thể giúp Trung Quốc đánh bại Mỹ trong việc phát triển công nghệ 5G. Tháng 4.2018, chính quyền ông Trump làm tê liệt ZTE khi cấm hãng viễn thông Trung Quốc mua những bộ phận quan trọng từ các công ty công nghệ Mỹ.

Hy vọng Bắc Kinh sẽ phê chuẩn thỏa thuận Qualcomm – NXP trở nên mạnh mẽ sau khi chính phủ Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm cho ZTE. Tuy nhiên, giới chức trách quốc gia châu Á không làm thế, thay vào đó họ đã giáng đòn mới nhất lên Qualcomm, ngay lúc các giao dịch của công ty liên tục gặp trở ngại do ảnh hưởng từ leo thang căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Là nhà cung cấp chip lớn cho điện thoại thông minh của ZTE, Qualcomm đã tổn thất không ít trong suốt thời gian ba tháng hãng công nghệ Trung Quốc bị cấm, và bây giờ thương vụ sáp nhập với NXP của công ty lại bị ràng buộc trong số phận sống còn của ZTE.

Trung Quốc đang có tham vọng phát triển ngành công nghiệp chip cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip nước ngoài.

“Thỏa thuận Qualcomm – NXP sẽ giúp Mỹ mở rộng tầm ảnh hưởng trong ngành công nghiệp chip toàn cầu, mang lại những tác động tiêu cực đến nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc. Nếu Qualcomm tăng cường công nghệ của mình, thì đó sẽ là thách thức lớn hoặc thậm chí là nguy cơ cho các công ty sản xuất chip và ngành công nghiệp bán dẫn trong nước”, JH Lin, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Trend Force, nhận xét.