Cách thức dùng VR để cắt cơn
Theo Báo cáo Tình hình kiểm soát ma túy 2017 vừa được công bố tháng 6 do Ủy ban Kiểm soát ma túy quốc gia Trung Quốc thực hiện, tính đến cuối năm 2017, có khoảng 2,55 triệu người tại nước này tàng trữ, sử dụng ma túy trái phép.
Trong số đó, có 321 nghìn người được đưa tới các trung tâm cai nghiện trên khắp đất nước, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Hơn 60% người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp như methamphetamine – chất kích thích hệ thống thần kinh T.Ư mà những kẻ buôn bán lậu và giới “dân chơi” thường gọi là “ma túy đá”.
Anh Victor Wu (tên nhân vật đã được thay đổi), một người từng là nhân viên bán hàng của một công ty bảo hiểm, 28 tuổi, nghiện ma túy cách đây 6 năm cho biết, khi chơi ở quán bar anh bị một người bạn dụ dỗ dùng ketamin – loại ma túy tổng hợp tạo ảo giác cho người dùng, được gọi với cái tên “Bột K”.
Victor Wu không ngại thử cảm giác mới vì tự tin mình có thể kiểm soát được bản thân và luôn chắc rằng sẽ không dễ bị nghiện. Nhưng ma túy không dễ dàng từ bỏ dù chỉ thử một lần. Cuối năm ngoái, Wu bị một người bạn chỉ điểm với cảnh sát rằng anh tàng trữ ma túy tại nhà, bị cảnh sát khám nhà và bắt vào trại cai nghiện.
Tại đây, Wu cùng hàng trăm người khác được cắt cơn bằng phương pháp VR. Trong một phòng điều trị tại trung tâm cai nghiện phục hồi ở ngoại ô Thượng Hải, Victor Wu ngồi trước màn hình máy tính, xem một số hình ảnh đã được chọn lọc qua kính thực tế ảo.
Wu chia sẻ: “Trong quá trình điều trị, tôi cùng những người khác được xem rất nhiều hình ảnh người nghiện vật vã qua kính VR khoảng vài lần/tháng. Đây là một phần bắt buộc trong chương trình. Đến giờ, tôi thực sự sợ ma túy rồi”.
Có giai đoạn, Wu được xem hình ảnh một người đàn ông và một phụ nữ trẻ ngồi trên ghế sofa dùng ống hút uống một loại nước trong suốt đựng trong chai nhỏ. Cùng lúc, thiết bị theo dõi được kẹp vào 3 ngón tay trái của Wu để bắt những phản ứng cơ thể anh. Dữ liệu từ máy đo sẽ cho phép người giám sát bao gồm cảnh sát biết mức độ anh bị kích thích đến đâu.
Khi người phụ nữ trong video VR cầm ống hút đưa cho Wu, rủ anh uống cùng cô và người đàn ông kia, Wu vẫn bị mê hoặc ít nhất 10 giây – đây là chi tiết các nhà quan sát rất lưu ý. Wu có thể chọn chuyển cảnh khác để xem và thời gian xem bằng cách nhấn nút trong tay phải. Nếu anh tập trung quá lâu vào cảnh này trước khi chuyển sang cảnh khác đồng nghĩa anh vẫn bị mê hoặc.
Đánh giá công bằng và chính xác
Thử nghiệm trên là một phần trong nỗ lực mang tính cách mạng, sử dụng công nghệ VR để đánh giá mức độ nghiện của người được điều trị và loại điều trị cần dùng để họ thoát ra khỏi cạm bẫy của các loại ma túy, chất hướng thần nguy hiểm cho sức khỏe. Chương trình thử nghiệm này đã được mở rộng áp dụng từ 2 lên 5 trung tâm cai nghiện tại Thượng Hải.
Tuy thành phố này không phải là nơi đầu tiên có những trung tâm áp dụng công nghệ VR, trước đó đã có một số trại cai nghiện ở Chiết Giang thử nghiệm nhưng điểm đặc biệt ở Thượng Hải đó là áp dụng thêm khoa học theo dõi chuyển động của nhãn cầu.
Khi đọc được chuyển động của nhãn cầu đối với một số hình ảnh cụ thể, nhân viên điều trị có thể hiểu rõ ánh nhìn của người nghiện có tập trung xung quanh những hình ảnh mang tính giáo dục mà họ bắt buộc phải xem hay không.
Chuyển động theo dõi nhãn cầu cũng cung cấp thêm thông tin bổ sung để họ có thể đánh giá chính xác mức độ điều trị cần thiết cho tù nhân. Trước đó, nhiều người đã nói dối không còn bị phụ thuộc vào thuốc để nhanh chóng được thả. Theo luật Trung Quốc, người tàng trữ, sử dụng ma tuý sẽ phải điều trị tại trại cai nghiện trong 2 năm. Người nào cải thiện tốt mà không phải gánh trách nhiệm hình sự sẽ được thả sớm.
Xu Ding, một người từng phải cai nghiện tại Cục Quản lý phục hồi cai nghiện Thượng Hải (Shanghai Drug Rehabilitation Management Bureau) được áp dụng VR chia sẻ, công nghệ này giúp anh giảm ức chế, khó chịu khi cơ thể phải chống chọi với cơn nghiện. “Hình ảnh qua kính VR cho hình ảnh thật hơn là hình trên TV hay trên sách báo”, anh Xu nói.
Ông Cao Lei, Giám đốc Phòng Tâm lý trị liệu thuộc Trung tâm Cải tạo cai nghiện Qingdong Thượng Hải nhận định, báo cáo mức độ con nghiện phản ứng khi xem cảnh trong VR rất khách quan. “Những con nghiện không thể kiểm soát chuyển động của nhãn cầu và nhịp tim nên khó có thể qua mặt được hệ thống giám sát”, ông lý giải.
Hiện nay, chưa có thống kê cụ thể bao nhiêu con nghiện tại Trung Quốc được điều trị bằng chương trình VR nhưng con số này không phải nhỏ. Tính riêng năm ngoái, các trung tâm tại Thượng Hải và một cơ sở tại Thanh Đảo đã điều trị cho 1.800 con nghiện nam.
Trong tương lai, nếu công nghệ VR được đánh giá cụ thể mức độ hiệu quả, nó sẽ được áp dụng rộng rãi trên cả nước. Cho đến nay, việc đánh giá hiệu quả của chương trình VR vẫn còn khó khăn do thiếu các kết quả cụ thể.
Trang Trần