Mưa nhân tạo lớn nhất lịch sử sẽ được tiến hành trên các cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc. Hiện có hàng ngàn buồng đốt nhiên liệu đã được lắp đặt và chờ ngày phóng ra các hạt iodide bạc.
Cụ thể, hơn 500 buồng đốt đã được triển khai ở trên các sườn núi cao ở Tây Tạng, Tân cương và các khu vực khác. Quá trình gieo các hạt iodide bạc và kali iodua sẽ được thực hiện bằng tên lửa điều khiển từ xa hoặc các thiết bị phân tán chuyên biệt.
Sau khi gieo các hạt iodide bạc vào trong không khí, chúng sẽ kết hợp với luồng gió ẩm từ Nam Á thổi lên để tạo nên mây và gây mưa.
Ước tính, hệ thống tạo mưa nhân tạo này có thể tạo ra được 10 tỷ mét khối nước mỗi năm, tương đương khoảng 7% tổng lượng nước tiêu thụ của Trung Quốc.
Lei Fanpei, chủ tịch Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc chia sẻ: “Hệ thống sẽ đóng góp quan trọng không chỉ cho sự phát triển của Trung Quốc mà còn mang tới sự thịnh vượng, hạnh phúc chung cho toàn nhân loại trên thế giới”.
Trung Quốc nổi tiếng là một quốc gia có kinh nghiệm xử lý lượng mưa cho nhiều mục đích khác nhau, ví dụ chống hạn hán, giảm nhiệt độ mùa hè hay làm sạch bầu không khí ô nhiễm. Quốc gia tỷ dân đã mất nhiều năm để để nghiên cứu công nghệ tạo mưa nhân tạo và giờ đang hái những trái ngọt đầu tiên.
Tham khảo Wonderful Engineering Nhiều học sinh Trung Quốc không được nghỉ ngơi vì WeChat
Theo Long.J
Trí Thức Trẻ