Trang chủ Tin Tức Trường học Trung Quốc dùng camera AI theo dõi học sinh ngủ...

Trường học Trung Quốc dùng camera AI theo dõi học sinh ngủ gật

812

Theo Business Insider, công nghệ nhận dạng khuôn mặt đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc, từ việc kiểm soát giao thông tới dự đoán hành vi tội phạm. Mới đây, nó cũng bắt đầu được đưa vào các trường học để phân tích cảm xúc cũng như hành động của học sinh trong lớp học.
Người quan sát có thể nhìn vào màn hình hiển thị để phát hiện sinh viên đang nói chuyện hoặc xem điện thoại di động, minh họa công nghệ tại Triển lãm công nghệ cao quốc tế Bắc Kinh lần thứ 21. Ảnh: AP.
Tại một lớp học tại Trường trung học số 11 ở Hàng Châu, cứ sau 30 giây camera sẽ quét và ghi lại nét mặt của các học sinh trong lớp. Hệ thống sau đó tự phân loại chúng thành các trạng thái hạnh phúc, tức giận, sợ hãi, bối rối hoặc khó chịu. Những hành động khác của học sinh như viết, đọc, giờ tay và ngủ gật cũng được ghi lại. Các thông tin này được thu thập, sau khi qua hệ thống phân tích sẽ chuyển thành báo cáo gửi tới giáo viên để họ có thể giám sát học sinh hiệu quả hơn.
Được gọi bằng cái tên “Hệ thống quản lý hành vi lớp học thông minh”, hệ thống này cũng có khả năng ghi lại các hoạt động của học sinh ở thời gian thực, để học sinh có thể không cần sử dụng thẻ học sinh của mình mà vẫn có thể trả tiền ăn trưa tại căng tin hoặc mượn sách từ thư viện.
Trạng thái trong lớp của học sinh trên hệ thống được mô tả bằng các biểu tượng mặt cười. Ảnh: ImageChina.
Tuy nhiên, việc sử dụng các hệ thống giám sát trong trường học đã làm tăng mối quan tâm của dư luận về quyền riêng tư. Trước đó, nhiều kênh tường thuật trực tiếp các hoạt động của học sinh tại một số trường đã bị lên án và dừng hoạt động. Năm ngoái, công ty công nghệ Qihoo 360 đã đóng cửa hàng trăm kênh phát sóng trực tiếp sau khi làn sóng lo ngại về vấn đề quyền riêng tư nổi lên. Các kênh phát trực tiếp của công ty này chủ yếu là cảnh quay từ một số địa điểm công cộng bao gồm bể bơi, nhà hàng và lớp học.
Đáp lại những lo ngại nói trên, ông Zhang Guanchao, Phó hiệu trưởng giải thích rằng hệ thống này chỉ thu thập và phân tích kết quả mà không lưu lại dữ liệu hình ảnh. Ông khằng định sự riêng tư của học sinh đã được xem xét trong quá trình thiết kế hệ thống, và “quá trình thu thập dữ liệu của ứng dụng tập trung vào việc quản lý hành vi của toàn bộ lớp chứ không phải bất kỳ cá nhân nào”. Để đảm bảo, hệ thống được kết nối với một máy chủ cục bộ thay vì sử dụng các máy chủ đám mây, nhằm ngăn việc truy cập dữ liệu trái phép.
Một học sinh nam điểm danh bằng camera quét khuôn mặt tại Trường trung học số 11 ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, vào ngày 15/5/2018. Ảnh: ImageChina.
Thực tế, dù bị phản đối, sự tồn tại của các hệ thống giám sát trực tiếp này vẫn có xu hướng lan rộng sau một vài vụ việc bạo hành trẻ em tại một số trường mẫu giáo ở Trung Quốc gần đây. Tại Bắc Kinh, tất cả các trường mẫu giáo được yêu cầu phải có hệ thống giám sát, một vài trong số này thậm chí được kết nối với hệ thống giám sát của cảnh sát địa phương.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới đưa công nghệ giám sát này vào trường học. Đầu năm nay, chính quyền thủ đô Delhi của Ấn Độ cho biết họ sẽ triển khai camera giám sát tại tất cả các trường học công, để cho phép phụ huynh có thể xem hình ảnh con cái mình trong thời gian thực.
Mai Anh